Đảm bảo công tác triển khai, quản lý quy hoạch từ Luật Thủ đô (sửa đổi)

Hơn 10 năm thi hành Luật Thủ đô, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định đề ra còn nhiều tồn tại, hạn chế, thiếu quy định trong một số lĩnh vực, đặc biệt là công tác lập, quản lý, triển khai thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành. Vấn đề này đòi hỏi những giải pháp được quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi).

Sự điều chỉnh cần thiết

Như nhiều đại biểu Quốc hội đã phân tích, việc phân quyền điều chỉnh quy hoạch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng cho thành phố Hà Nội (Khoản 3, Điều 19) là điểm nhấn đặc biệt trong Luật Thủ đô (sửa đổi), nhằm tạo điều kiện chủ động cho Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của Thành phố đã được Bộ Xây dựng thẩm định và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Kinh nghiệm 10 năm triển khai Luật Thủ đô cho thấy, mặc dù các quy hoạch đều đưa ra những dự báo, tính toán nhưng chủ yếu ở mức độ vĩ mô, vì vậy trong quá trình triển khai quy hoạch có thể có những đồ án cần phải có điều chỉnh cục bộ cho phù hợp với thực tế phát triển nhưng không phá vỡ các chỉ tiêu, định hướng của quy hoạch chung. Nếu thực hiện thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch lại phải thực hiện lập, thẩm định và phê duyệt theo pháp luật hiện hành sẽ làm mất nhiều thời gian, làm trễ việc thực hiện quy hoạch.

Đảm bảo công tác triển khai, quản lý quy hoạch từ Luật Thủ đô (sửa đổi)
Quá trình triển khai quy hoạch có thể cần phải có những điều chỉnh cục bộ do đó việc phân cấp, phân quyền là hoàn toàn phù hợp (Ảnh minh họa).

Để bảo đảm việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch không làm phá vỡ quy hoạch chung do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy định tại khoản 3 Điều 19 Dự thảo Luật đã quy định UBND thành phố Hà Nội quy định trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch trên cơ sở trình tự, thủ tục Thủ tướng Chính phủ quy định. UBND thành phố Hà Nội phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện việc điều chỉnh cục bộ. Điều khoản này là hoàn toàn phù hợp nhất là trong bối cảnh thành phố Hà Nội đang gấp rút hoàn thành các bước cuối cùng của 2 bản Dự thảo quy hoạch chung đến năm 2030 và 2045 tầm nhìn 2050 và 2056.

Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng đề xuất Hà Nội được quyền quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch là hợp lý và cần thiết. Đây là chính sách đặc thù đã được Quốc hội thống nhất với thành phố Hồ Chí Minh.

“Mặc dù các quy hoạch đều có những dự báo, tính toán nhưng chủ yếu ở mức độ vĩ mô, trong khi quá trình triển khai quy hoạch có thể cần phải có những điều chỉnh cục bộ cho phù hợp với thực tế khách quan nhưng không phá vỡ các chỉ tiêu, định hướng của quy hoạch. Nếu thực hiện thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch lại phải thực hiện lập, thẩm định và phê duyệt theo pháp luật hiện hành sẽ tiếp tục gây trễ việc thực hiện quy hoạch”, TS Đào Ngọc Nghiêm nhận định.

Tạo nền tảng mang tính đặc thù

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo khoa học “Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”, PGS.TS. Hoàng Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải giúp Hà Nội giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay, trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, tiếp đó là các vấn đề liên quan đến quy hoạch xây dựng tổ chức không gian chức năng, kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường…

Đồng thời, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải tạo nền tảng, cơ sở hay tính đặc thù vượt trội cho giai đoạn sau, thu hút tinh thần và lực lượng của toàn xã hội, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô của một quốc gia 100 triệu dân, thành phố sáng tạo và hòa bình của thế giới; đặc biệt là hỗ trợ cho việc lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đảm bảo công tác triển khai, quản lý quy hoạch từ Luật Thủ đô (sửa đổi)
Luật Thủ đô (sửa đổi) kỳ vọng sẽ tạo nền tảng, cơ sở hay tính đặc thù vượt trội cho giai đoạn sau, thu hút tinh thần và lực lượng của toàn xã hội, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Thực tế, đây cũng là bài toán mà quá trình đô thị hóa mạnh mẽ của Hà Nội đang gặp phải trong những năm gần đây. Do đó, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) Ban soạn thảo đã đề ra quy định về việc hạn chế mở rộng diện tích sử dụng đất của các bệnh viện hiện có, không mở rộng xây mới các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, nghề nghiệp… trong khu vực nội đô lịch sử. Điều này là hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển trong Quy hoạch chung Thủ đô nhằm dãn dần mật độ dân cư trong khu vực nội đô lịch sử, phát triển thêm các khu vực kinh tế mới theo định hướng cụ thể.

Đặc biệt, tại khoản 3, Điều 20 Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng quy định rõ về việc sử dụng quỹ đất sau di dời để ưu tiên sử dụng xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Đây là một quy định mới nhằm cụ thể hoá yêu cầu tại Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng như đặt ra điều kiện, nhiệm vụ cụ thể đối với việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời. Trong đó nêu rõ quỹ đất sau khi di dời chỉ được sử dụng để xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội, như: Trường học phổ thông, thư viện, không gian, công trình văn hoá và thể thao, công viên, vườn hoa, cây xanh… để phục vụ cho dân cư trong đô thị trung tâm hiện còn thiếu.

Việc xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô 2012 để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển. Bố cục của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 Chương, 59 Điều (tăng 3 Chương, 32 Điều so với Luật Thủ đô 2012).
Tuấn Dũng