Đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc trong phát triển Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”

Dự kiến tại Kỳ họp thứ 7 – Quốc hội Khóa XV, “Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và “Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065” sẽ được Chính phủ trình Quốc hội để xin ý kiến và thảo luận. Đây là sự kiện quan trọng đối với Hà Nội trong tiến trình xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.

Đảm bảo các mục tiêu

Như Tạp chí Người Hà Nội đã đưa tin, Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận về “Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và “Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065”. Theo Kết luận, Bộ Chính trị cơ bản thống nhất với các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và nội dung chủ yếu của các quy hoạch kể trên. Theo đó, “Quy hoạch Thủ đô cần có “tầm nhìn mới – tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, tạo ra “cơ hội mới – giá trị mới” trong phát triển Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” cả trước mắt và lâu dài.

quy-hoach-2.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng – Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì phiên họp thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tháng 2/2024. (Ảnh tư liệu).

Với riêng “Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (Quy hoạch Thủ đô), thực hiện Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 7/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố Hà Nội thời gian qua đã tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô với tinh thần khẩn trương, phương pháp tích hợp, đồng bộ, cách làm linh hoạt, sáng tạo, đổi mới. UBND Thành phố Hà Nội cho biết, hơn 1 năm qua, UBND Thành phố đã chủ trì và chỉ đạo tổ chức hơn 100 cuộc hội thảo, hội nghị, làm việc triển khai công tác lập Quy hoạch Thủ đô.

KTS Lê Hoàng Phương (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia), đánh giá, Quy hoạch Thủ đô đã đưa ra các giải pháp quy hoạch nhằm phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị; có mức sống, chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa.

Thông qua các hội nghị, hội thảo, các chuyên gia đều tán thành và đánh giá cao việc Hà Nội đã xác định 3 mục tiêu trong Quy hoạch Thủ đô. Thứ nhất, Quy hoạch Thủ đô là căn cứ khoa học và công cụ quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất công tác quản lý nhà nước và hoạch định chính sách, kiến tạo không gian, động lực phát triển nhằm khai thác tối đa tiềm năng nổi trội, lợi thế đặc thù của Thành phố với “tầm nhìn mới – tư duy mới” để tạo ra “cơ hội mới – giá trị mới”.

9900bea3-914c-4877-b31b-00b2bfb016db.jpeg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải trình bày Tờ trình về Quy hoạch Thủ đô tại Kỳ họp HĐND TP vừa qua.

Sau khi thảo luận, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Nghị quyết được thông qua với 92,55% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP giao UBND TP tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ban Đô thị HĐND TP và ý kiến của đại biểu để hoàn thiện nội dung của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình cấp có thẩm quyền báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 – tháng 5/2024 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật

Thứ hai, việc lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội nhằm sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế xã hội, quốc phòng và an ninh, gắn với kết cấu hạ tầng, nghiên cứu, đề xuất phương hướng phát triển các ngành quan trọng và địa bàn lãnh thổ để xây dựng và phát triển Thủ đô.

Và thứ ba, lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội nhằm xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quy hoạch thống nhất với hệ thống thông tin quốc gia về quy hoạch đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển của thành phố, vùng và quốc gia. Đây còn là căn cứ để các doanh nghiệp, cộng đồng và người dân tham gia đồng hành, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch.

Thực hiện đúng nguyên tắc

Trong quá trình lập Quy hoạch Thủ đô, Thành phố Hà Nội đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị đồng hành trên địa bàn, cộng đồng dân cư gợi ý đối với các nội dung của Quy hoạch Thủ đô nói riêng, phát triển Thủ đô nói chung. Tại các Hội nghị, Hội thảo xin ý kiến, các nhà khoa học, chuyên gia đánh giá cao Thành phố Hà Nội đã tuân thủ theo 10 nguyên tắc chủ yếu trong tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô.

mo-hinh-2.png
Mô hình tổ chức triển khai lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội.

Đó là cụ thể hóa những tư tưởng chỉ đạo trong các Nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Nghị quyết mang tính chiến lược của Trung ương.

Đồng thời, việc tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, tính đại diện và toàn diện giữa các ngành trên địa bàn; phát triển hài hòa các địa phương, vùng lãnh thổ trên địa bàn, phù hợp với khả năng cân đối, huy động nguồn lực của Thủ đô Hà Nội; đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thu hút và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn. Tận dụng tối đa lợi thế và xu hướng phát triển thời đại, tạo ra sự đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa chủ yếu vào nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô cũng đã tuân thủ nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người; bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Gắn với liên kết phát triển vùng, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Quy hoạch được lập trên cơ sở dữ liệu thực chứng, “rõ các quan điểm, mục tiêu” trong tầm nhìn, “động, mở, thông minh” trong giải pháp và tổ chức thực hiện; gắn lập quy hoạch với thực hiện quy hoạch để đi vào cuộc sống.

quy-hoach-1.jpg
Một sơ đồ phương án tổ chức không gian các hoạt động kinh tế xã hội theo Quy hoạch Thủ đô.

Quy hoạch Thủ đô còn được lập trên nguyên tắc “đồng hành cùng tham gia giữa các bên”, “3 lên – 3 xuống”. Nhất là sự tham gia, xin ý kiến tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, các tổ chức, đoàn thể và quần chúng nhân dân. Quy hoạch Thủ đô lập trên nguyên tắc phù hợp với quy luật tự nhiên (thuận thiên), quy luật kinh tế thị trường, phù hợp với nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Các định hướng quy hoạch thể hiện tầm nhìn dài hạn và khát vọng tương lai (sau 20 năm so với quy định), thể hiện “ước mơ xa, nghĩ lớn, giải pháp thông minh, hành động quyết liệt” của Chính quyền và Nhân dân Thủ đô.

Việc lập Quy hoạch Thủ đô được thực hiện theo phương pháp tích hợp với cách tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong phạm vi lãnh thổ của Thủ đô Hà Nội nhằm đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững.

Đồng thời lồng ghép các nội dung cần thiết vào quy hoạch, khắc phục được sự chồng chéo, xung đột để đảm bảo mục tiêu phát triển cân đối, hiệu quả, bền vững, đảm bảo tính thứ bậc (Quy hoạch Thủ đô là quy hoạch cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng…). Việc tích hợp về cơ sở dữ liệu quy hoạch, thu thập xây dựng cơ sở để phân tích, quản lý trên không gian địa lý là phương pháp phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.

Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị thêm một lần nữa khẳng định, Hà Nội đã và đang “thực hiện trúng” và “đi đúng”, thể hiện “tầm nhìn mới – tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, tạo ra “cơ hội mới – giá trị mới” trong phát triển Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”./.

 

Quỳnh Phạm

Đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc trong phát triển Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” (nguoihanoi.vn)