Đảm bảo tính răn đe khi xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa

Chiều 21/11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa.

Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật, đồng thời là trung tâm lớn về giao dịch kinh tế và quốc tế của cả nước. Hà Nội cũng là nơi thu hút đông đảo lượng khách trong nước và quốc tế đến tham quan, là môi trường thuận lợi phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ văn hóa, trong đó có kinh doanh karaoke, nhà hàng ăn uống có sử dụng nhạc, để đáp ứng nhu cầu thư giãn, giải trí cho du khách.
Đảm bảo tính răn đe khi xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa
Ông Đàm Văn Huân – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố phát biểu tại Hội nghị.

Trước tình hình trên, để đảm bảo tính răn đe trong việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa; căn cứ Khoản 2 Điều 20 Luật Thủ đô năm 2012, Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết số 08/2014/NQ-HĐND ngày 11/7/2014 về việc quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa. Theo đó, Nghị quyết số 08/2014/NQ-HĐND đã tăng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm được quy định tại Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Sau 8 năm thực hiện Nghị quyết số 08/2014/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố, một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã thay đổi, hết hiệu lực; việc áp dụng gấp 2 lần mức phạt mới chỉ áp dụng ở 12 quận nội thành, vì vậy, cùng một hành vi vi phạm, tuy nhiên lại có mức phạt khác nhau tại các địa bàn cùng Thành phố…

Do đó, việc ban hành nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa tại nội thành thành phố Hà Nội theo Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo (thay thế Nghị quyết số 08/2014/NQ-HĐND ngày 11/7/2014) là cần thiết và phù hợp với thực tế.

Cụ thể, Dự thảo Nghị quyết dự kiến điều chỉnh một số hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 38/2021/NĐ-CP gồm 8 vấn đề: Vi phạm quy định về lưu chiểu, lưu trữ, nhân bản, tàng trữ phim; vi phạm quy định về biểu diễn nghệ thuật, cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn; vi phạm quy định về thi người đẹp, người mẫu; vi phạm quy định về tổ chức lễ hội; vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; vi phạm các quy định về hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; vi phạm quy định về bảo vệ di sản văn hóa; vi phạm quy định về hoạt động trò chơi điện tử không kết nối mạng internet.

Có thể kể đến một số mức phạt sẽ được áp dụng như: Vi phạm quy định về lưu chiểu, lưu trữ, nhân bản, tàng trữ phim, phạt tiền từ 50-60 triệu đồng; phạt tiền từ 50-60 triệu đồng đối với hành vi biểu diễn nghệ thuật, thi, liên hoan có nội dung xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phủ nhận thành tích cách mạng, xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo…; phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi không thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định cuộc thi, người đẹp, người mẫu thuộc phạm vi quản lý nội bộ cơ quan, tổ chức…

Đảm bảo tính răn đe khi xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa
Nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp văn hóa, nghệ thuật Thành phố góp ý vào Dự thảo Nghị quyết.

Tại Hội nghị, đóng góp vào Dự thảo Nghị quyết, ông Đinh Hạnh – nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế cho rằng, các vi phạm trong lĩnh vực văn hóa trong thời gian qua có tính phức tạp và nặng hơn, tuy nhiên mức phạt hiện tại còn nhẹ.

Cũng theo ông Hạnh, nếu cố định mức phạt sẽ không có tính răn đe, cứng nhắc. Do đó, ông đề xuất, nên điều chỉnh mức phạt theo sự trượt giá của thị trường, nên chia ra các lĩnh vực có tính chất vi phạm nặng nề, phức tạp hơn thì phạt cao hơn, từ nhẹ đến nặng, để có tính răn đe, không thể tính mức phạt bình quân.

Còn ông Phạm Ngọc Thảo – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật đề nghị ngành Văn hóa, chính quyền Thành phố thống nhất làm rõ một số hành vi vi phạm; nâng cao trình độ năng lực các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thẩm định, phê duyệt, cấp phép; tăng cường thanh tra, kiên quyết xử phạt những hành vi vi phạm.

Phản biện Dự thảo, Nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp văn hóa, nghệ thuật Thành phố cho rằng mức xử phạt cần có tính răn đe và hết sức cụ thể để người dân tuân thủ pháp luật nghiêm túc. Cùng với các hành vi vi phạm lĩnh vực văn hóa, Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng vấn đề vệ sinh môi trường trên địa bàn Thành phố cũng rất đáng lưu tâm, một phần nguyên nhân do Thành phố còn thiếu các nhà vệ sinh công cộng, các thùng rác lưu động tại nhiều tuyến phố…

Kết luận hội nghị, ông Đàm Văn Huân – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố cảm ơn ý kiến đóng góp của các đại biểu và cho biết sẽ tiếp thu và bổ sung đầy đủ các nội dung, như: Sự cần thiết ban hành Nghị quyết, căn cứ pháp lý, nâng mức xử phạt vi phạm một số hành vi vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa để đảm bảo tính răn đe, bổ sung thêm vai trò của Ủy ban MTTQ và các đoàn thể trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân…

B.D