Đảm bảo tính “ưu tiên” để Thủ đô phát triển xứng tầm

Một trong những nguyên nhân làm cho nhiều nội dung đặc thù của Luật Thủ đô năm 2012 khó triển khai, không thi hành được là do không có quy định về việc áp dụng tính đặc thù của Luật như thế nào trong trường hợp có sự chồng chéo. Từ thực tế này, nhằm tạo cơ chế, chính sách thực sự đột phá, vượt trội cho Hà Nội, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đề xuất cơ chế ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô.

“Ưu tiên” Luật Thủ đô

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/72013. Sau 10 năm triển khai thực hiện, các cơ chế, chính sách đặc thù được quy định tại Luật Thủ đô đã mang lại những kết quả tích cực trong việc xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, trong bối cảnh ở trong và ngoài nước có những thay đổi lớn và xuất phát từ những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai Luật Thủ đô thời gian qua, thành phố Hà Nội đã đề xuất sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô để tháo gỡ những điểm nghẽn và tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc phát triển Thủ đô.

Theo Tiến sĩ Lê Văn Hùng – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng, hiện nay, Luật Thủ đô (sửa đổi) vẫn chưa được Quốc hội thông qua, tuy nhiên dự thảo Luật đã thể hiện tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho thành phố Hà Nội nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo trong điều hành, quản lý nền kinh tế. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh thành phố Hà Nội đang trong quá trình xây dựng quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đảm bảo tính “ưu tiên” để Thủ đô phát triển xứng tầm
Hà Nội cần có thêm những cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện chức năng Thủ đô.

“Thành phố Hà Nội không đơn thuần là một đơn vị hành chính cấp tỉnh mà giữ vị trí, trọng trách là “Thủ đô của một quốc gia”, là “trung tâm chính trị – hành chính quốc gia”, là “trái tim của cả nước”. Vì thế, Thành phố cần có thêm những cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện chức năng Thủ đô mà không địa phương nào có bên cạnh những chính sách chung giống các tỉnh, thành phố khác”, Tiến sĩ Lê Văn Hùng nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến cũng thống nhất rằng, trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nêu rõ quy định về áp dụng Luật Thủ đô tại điều 4, đây là quy định mới, chưa có trong Luật Thủ đô năm 2012. Theo đó, Khoản 1 Điều 4 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định rõ nguyên tắc ưu tiên áp dụng quy định của Luật Thủ đô về cùng một vấn đề. Trường hợp Luật Thủ đô không có quy định thì áp dụng quy định của pháp luật hiện hành.

Còn trong Khoản 2 Điều 4 quy định trường hợp Luật, Nghị quyết khác của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực có quy định cơ chế, chính sách thuận lợi hơn cho xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô thì việc áp dụng do Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thì cơ chế phối hợp mới, đặc thù này giữa chính quyền thành phố Hà Nội với các bộ, cơ quan ngang bộ được giao chủ trì soạn thảo luật, nghị quyết của Quốc hội, vừa phát huy giá trị và hiệu lực của Luật Thủ đô vừa bảo đảm nguyên tắc về hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, không phá vỡ tính ổn định, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, các quy định này còn có các hạn chế. Trong đó, chưa bao quát hết các “trường hợp có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô” tại Khoản 2 Điều 4, cụ thể là mới chỉ xử lý trường hợp có quy định thuận lợi hơn so với Luật Thủ đô, chưa đề cập trường hợp có quy định nghĩa vụ cao hơn, chế tài xử lý vi phạm nghiêm khắc hơn trong các lĩnh vực mà Thủ đô cũng rất cần áp dụng.

Đảm bảo tính “ưu tiên” để Thủ đô phát triển xứng tầm
Hà Nội phải đi trước, phát triển cao hơn mức yêu cầu chung.

Cùng đó, mới chỉ quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ mà chưa quy định trách nhiệm của các chủ thể khác được giao chủ trì soạn thảo luật, nghị quyết của Quốc hội (như Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, đại biểu Quốc hội…) trong trường hợp có các quy định khác với Luật Thủ đô. Ngoài ra, chưa quy định rõ cơ quan nào có thẩm quyền quyết định cuối cùng về việc áp dụng luật trong trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo luật, nghị quyết và chính quyền thành phố Hà Nội không thống nhất được ý kiến về việc áp dụng luật.

Đảm bảo tính phù hợp

Góp ý về quy định này trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cũng chỉ rõ, thành phố Hà Nội không phải là một tỉnh hay một địa phương mà là Thủ đô của cả nước, là hình ảnh đại diện cho cả quốc gia, mang tính hình mẫu, đóng vai trò dẫn dắt và có sức lan tỏa nhằm thúc đẩy sự phát triển của cả nước. Hà Nội phải đi trước, phát triển cao hơn mức yêu cầu chung của đất nước.

Vì vậy, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có những cơ chế, chính sách thực sự đặc thù, mang tính riêng, nhằm tạo ra sức hút riêng của Thủ đô để thu hút các nguồn lực cho phát triển. “Về điều kiện áp dụng luật trong Điều 4, tôi rất đồng tình đối với những quy định của luật khác trái với Luật Thủ đô thì phải áp dụng Luật Thủ đô. Nếu sau này khi ban hành những luật mới, nếu trong luật đó có những nội dung đòi hỏi Thủ đô phải tuân thủ thì phải ghi cụ thể vào trong luật mới, còn nếu không chúng ta vẫn áp dụng Luật Thủ đô” – đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.

Đảm bảo tính “ưu tiên” để Thủ đô phát triển xứng tầm
Đại biểu Hoàng Văn Cường tán thành về điều kiện áp dụng luật trong Điều 4 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Xoay quanh vấn đề đã nêu, thực tế Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thủ đô năm 2012 cũng đã chỉ rõ, một trong những nguyên nhân làm cho nhiều nội dung đặc thù của Luật năm 2012 bị vô hiệu, không thi hành được là do Luật không có quy định về việc áp dụng Luật Thủ đô như thế nào trong trường hợp có sự khác biệt so với quy định về cùng một vấn đề trong các Luật, Nghị quyết khác của Quốc hội khác đang có hiệu lực hoặc ban hành sau.

Từ công tác triển khai Luật Thủ đô năm 2012 cũng cho thấy, nhiều nội dung đặc thù, vượt trội trong Luật được giao cho HĐND, UBND thành phố Hà Nội quy định chi tiết nhưng những văn bản này của địa phương dù đã ban hành cũng không thi hành được vì có chứa các quy định khác hoặc trái với văn bản của Trung ương có hiệu lực cao hơn quy định về cùng vấn đề.

Đặc biệt, nếu áp dụng nguyên tắc chung “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau” (Khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015), có thể thấy trước rào cản pháp lý lớn đối với việc thi hành Luật Thủ đô. Rõ ràng sẽ có nhiều quy định đặc thù, vượt trội của Luật Thủ đô không thể được áp dụng nếu các luật ban hành sau có quy định khác về cùng vấn đề.

Từ những nguyên nhân nêu trên, rõ ràng cần phải có một điều khoản quy định việc áp dung Luật Thủ đô (sửa đổi) trong quan hệ với các luật khác, bao gồm cả luật ban hành trước hay sau Luật Thủ đô, nhằm khắc phục bất cập về hiệu lực thực tế và khả năng thi hành được của các quy định tại Luật Thủ đô.

Tuấn Dũng