Đậm nét truyền thống với “Trung thu Thành cổ – Sơn Tây xứ Đoài”

 Hướng tới kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây, góp phần khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, những nét đẹp của Tết Trung thu Hà Nội xưa; tạo không gian văn hóa nhiều ý nghĩa với thiếu niên, nhi đồng, điểm đến du lịch hấp dẫn cho du khách thập phương, tối 10/9, Thị ủy – Hội đồng nhân dân – Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây tổ chức chương trình “Trung thu Thành cổ – Sơn Tây xứ Đoài”.

Phát biểu tại chương trình, đồng chí Lê Đại Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây cho biết: Sinh thời, Bác Hồ luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt cho trẻ em – những chủ nhân của đất nước. Tình cảm trìu mến đó cũng là niềm mong mỏi của Bác đối với lớp mầm non tương lai;
Đậm nét truyền thống với “Trung thu Thành cổ - Sơn Tây xứ Đoài”
Đồng chí Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội và đồng chí Trần Anh Tuấn, Thành ủy viên, Bí thư Thị ủy Sơn Tây tặng quà cho thiếu nhi dịp Tết Trung thu.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chương trình 06-CTr/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Thị xã đã triển khai các chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể để phát huy tiềm năng lợi thế văn hóa, lịch sử, quyết tâm xây dựng thị xã Sơn Tây thành một trung tâm phát triển kinh tế du lịch phía Tây Hà Nội.

Bằng những hoạt động hết sức cụ thể như “Khai mạc năm du lịch Sơn Tây và khai trương tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây” (hoạt động từ ngày 30/4) đến nay, lượng khách đến tuyến phố đi bộ ước đạt trên 20 vạn lượt; Trung bình mỗi tối thứ 7 thu hút khoảng trên 1 vạn lượt khách, cá biệt có những buổi tối tăng mạnh lên 2,5 – 3 vạn lượt khách. Ngoài ra, tại đây đã có trên 180 buổi biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao tại 6 điểm sân khấu chính và các khu vực sân khấu xung quanh được tổ chức đa dạng theo từng chủ đề, phù hợp với nhiều đối tượng từ thanh thiếu nhi cho đến người cao tuổi…

Đậm nét truyền thống với “Trung thu Thành cổ - Sơn Tây xứ Đoài”
Lãnh đạo thị xã Sơn Tây trao quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học giỏi.

Theo đồng chí Lê Đại Thăng, Trung thu năm 2022, thị xã Sơn Tây đã chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể quan tâm, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ cho các em về vật chất và tinh thần; hoạt động thăm hỏi, động viên luôn được các cấp ngành, nhà trường quan tâm.

Cụ thể, Quỹ bảo trợ trẻ em thị xã Sơn Tây đã tặng quà cho 62 em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí 31 triệu đồng; hỗ trợ kinh phí 75 triệu đồng cho Đoàn Thanh niên thị xã tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí.

Cũng vào thời gian này, UBND các xã phường, thôn, tổ dân phố trên địa bàn thị xã cũng tổ chức đêm hội trăng rằm; cùng với sự huy động hàng tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để tổ chức các hoạt động vui chơi cho các cháu thiếu nhi, kịp thời thăm hỏi, động viên, tặng nhiều phần quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn được vui Tết Trung thu.

Đậm nét truyền thống với “Trung thu Thành cổ - Sơn Tây xứ Đoài”
Đồng chí Lê Đại Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây phát biểu tại chương trình.

Đặc biệt, Chương trình “Trung thu Thành cổ – Sơn Tây xứ Đoài” năm 2022 được tổ chức cao điểm từ ngày 8 – 10/9 (tức từ ngày 13 – 15 tháng 8 Âm lịch) gắn với không gian Phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây nhằm góp phần quảng bá du lịch được triển khai đồng bộ đảm bảo hiệu quả, thiết thực, an toàn, với nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn thu hút đông đảo thiếu niên nhi đồng, du khách và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài thị xã tham gia.

Chẳng hạn như: Hội thi trình bày, trang trí mâm cỗ Trung thu; rước mô hình đèn Trung thu; cuộc thi trình bày, trang trí mâm cỗ Trung thu với 48 đội thi đến từ Công đoàn cơ sở khối nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thị xã tham gia…

Với Chương trình “Đêm hội trăng rằm – Trung thu Thành cổ” có sự tham gia của các nghệ sỹ Xuân Bắc và nhiều nghệ sỹ, ca sỹ, diễn viên… đại diện thị xã Sơn Tây kỳ vọng, Tết Trung thu cùng các cháu thiếu niên, nhi đồng và nhân dân thị xã Sơn Tây sẽ diễn ra sôi nổi và đọng lại nhiều niềm vui.

Đậm nét truyền thống với “Trung thu Thành cổ - Sơn Tây xứ Đoài”
Với sự góp mặt của nghệ sĩ hài Xuân Bắc, chương trình “Trung thu Thành cổ – Sơn Tây xứ Đoài” đã đọng lại nhiều tiếng cười vui của thiếu nhi thị xã.
Đậm nét truyền thống với “Trung thu Thành cổ - Sơn Tây xứ Đoài”
Đông đảo người dân trong và ngoài thị xã Sơn Tây cùng vui với “Trung thu Thành cổ – Sơn Tây xứ Đoài”.

“Các hoạt động trên góp phần tái hiện, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và khôi phục lại những nét đẹp của Tết Trung thu Hà Nội xưa; tạo ra không gian văn hóa, điểm đến du lịch cho nhân dân thị xã Sơn Tây và các vùng lân cận” – đồng chí Lê Đại Thăng nhấn mạnh.

Để công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em được ngày một tốt hơn, đồng chí Lê Đại Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm cần quan tâm hơn nữa, ủng hộ vật chất, kinh phí nhiều hơn nữa để phong trào này được lan tỏa, nhân rộng và được tổ chức thường xuyên góp phần nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho các cháu thiếu niên nhi đồng trên địa bàn thị xã.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Sơn Tây được xác định là một trong năm đô thị vệ tinh của Thủ đô có tính chất là đô thị văn hóa – lịch sử và du lịch, nghỉ dưỡng.

Với tư duy lấy văn hóa làm nền tảng và tài nguyên để phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực của thị xã, nhằm khai thác và phát huy một cách hiệu quả các tiềm năng về điều kiện tự nhiên, văn hóa – xã hội, lịch sử truyền thống và nguồn lực con người cho phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là phát triển kinh tế du lịch địa phương, trên cơ sở quy hoạch được duyệt, thời gian qua, thị xã đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển đô thị bền vững gắn với phát triển du lịch.

Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây là một trong 4 tuyến phố đi bộ của thành phố Hà Nội. Tuyến phố đi bộ đưa vào hoạt động đã phát huy lợi thế của di tích Thành cổ Sơn Tây, kết hợp với các tuyến phố nội thị, các công trình văn hóa khu vực trung tâm… đã góp phần tạo ra một không gian mang tính cộng đồng với âm hưởng hiện đại, nhộn nhịp, vui tươi, ấn tượng, mới lạ, sống động, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, giao lưu sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí, mua sắm, khám phá ẩm thực của nhân dân địa phương và du khách tham quan vào mỗi dịp cuối tuần; thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế – xã hội của địa phương.

Đinh Luyện
https://laodongthudo.vn/dam-net-truyen-thong-voi-trung-thu-thanh-co-son-tay-xu-doai-145881.html