Đảng bộ cơ quan Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội: Quán triệt chủ trương của Thành ủy về kỷ cương, trách nhiệm, kỷ luật trong giải quyết công việc

Ngày 15/9, Đảng bộ cơ quan Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 7/8/2023 về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội và Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

Đại biểu cấp trên tới dự hội nghị có các đồng chí: Phạm Thanh Học – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; Phạm Thị Nguyên Hạnh – Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Hà Nội.

Lãnh đạo LĐLĐ Thành phố dự hội nghị có các đồng chí: Phạm Quang Thanh – Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam; Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; Phạm Bá Vĩnh – Bí thư Đảng ủy cơ quan LĐLĐ thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; Lê Đình Hùng – Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan LĐLĐ Thành phố, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố và các Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Chính Hữu, Nguyễn Huy Khánh.

Tại hội nghị, các đại biểu là cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ cơ quan LĐLĐ thành phố Hà Nội đã được nghe đồng chí Phạm Thanh Học – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội quán triệt những nội dung quan trọng của Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

Đồng chí Phạm Thanh Học đi sâu phân tích, thông tin kỹ lưỡng về bối cảnh, điều kiện, mục đích, yêu cầu của việc ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU. Theo đó, Chỉ thị số 24-CT/TU được ban hành nhằm khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của không ít tập thể cấp ủy, địa phương, đơn vị cũng như một số hạn chế, yếu kém trong tham mưu, xử lý công việc của nhiều cá nhân cán bộ, công chức, viên chức; tạo chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động của cấp ủy Đảng và cả hệ thống chính trị về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc.

Quán triệt chủ trương của Thành ủy Hà Nội về kỷ cương, trách nhiệm, kỷ luật trong giải quyết công việc và chuyển đổi số
Quang cảnh hội nghị

Đồng chí Phạm Thanh Học đặc biệt nhấn mạnh 6 nhiệm vụ mà các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội từ Thành phố đến cơ sở, toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố cần tập trung thực hiện để Chỉ thị thực sự phát huy được hiệu quả, đi vào thực chất.

Các nhiệm vụ đó bao gồm: Cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của tập thể, cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị Thành phố; phải đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, bảo đảm vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm gắn với quy trình hóa, cá thể hóa, cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong phân công và thực thi nhiệm vụ, trong từng khâu của quy trình xử lý công việc; cần rà soát tổng thể chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cấp, ngành, đơn vị theo nguyên tắc là toàn bộ các nội dung phải được quản lý đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt, một việc giao một đơn vị chủ trì, tránh chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ.

Đặc biệt, về công tác cán bộ, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu phải kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ để địa phương, đơn vị phát triển không tương xứng với tiềm năng, vị thế, đầu tư của thành phố, mất đoàn kết nội bộ, tín nhiệm thấp, dư luận cán bộ, đảng viên và đơn thư phản ánh tiêu cực, không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu.

Ngoài ra, các cấp, ngành, đơn vị phải tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, nhất là kiểm tra đột xuất về thực hiện các thủ tục hành chính, về chấp hành các quy định, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan đồng thời cần phát động phong trào thi đua nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định, quy chế, kỷ cương, kỷ luật hành chính, đạo đức công vụ trong cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị…

Đối với Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng chí Phạm Thanh Học cho biết, Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2025 thực hiện chuyển đổi số phát triển Thủ đô theo hướng thông minh, hiện đại và tạo điều kiện cho kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Đến năm 2030, xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới. Hà Nội duy trì và phấn đấu vị trí cao trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của cơ quan nhà nước, phát triển các dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, khai thác dữ liệu như một tài nguyên mới để phát triển kinh tế xã hội. Ngoài mục tiêu tổng quát, Nghị quyết cũng đề ra những mục tiêu cụ thể trong lộ trình chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025 của Hà Nội.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Nghị quyết đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh; hoàn thiện cơ chế, chính sách; tạo nền móng chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh…

Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Phạm Bá Vĩnh – Bí thư Đảng ủy cơ quan LĐLĐ Thành phố, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tổ chức quán triệt, tuyên truyền các Chỉ thị, Nghị quyết nói trên của Thành ủy Hà Nội tới các đảng viên trong Đảng bộ cũng như toàn thể cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị.

Đồng chí Phạm Bá Vĩnh đề nghị, sau hội nghị lần này, các Chi bộ tiếp tục triển khai việc học tập, quán triệt các Chỉ thị, Nghị quyết nói trên tới 100% đảng viên, cán bộ công chức, viên chức, người lao động ở mỗi cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, qua nghiên cứu, học tập, nắm bắt tinh thần của Chỉ thị, các Chi bộ cần kiểm đếm, đối chiếu, soi rọi lại những tồn tại, hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Chi bộ, trong triển khai thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mỗi cán bộ đảng viên, công chức, viên chức để có giải pháp khắc phục thời gian tới.

Đồng chí Phạm Bá Vĩnh cũng cho biết, Đảng bộ cơ quan LĐLĐ Thành phố sẽ lựa chọn, chỉ đạo Chi bộ Công ty TNHH MTV Du lịch Công đoàn Hà Nội làm mẫu buổi quán triệt, tuyên truyền cấp Chi bộ vào tháng 10, sau đó sẽ chỉ đạo 100% các Chi bộ đồng loạt tổ chức việc quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị này gắn với sinh hoạt Chi bộ trong tháng 11/2023.

Dự kiến, Đảng bộ cơ quan LĐLĐ Thành phố cũng sẽ tổ chức Diễn đàn “Danh dự, trách nhiệm và khát vọng cống hiến vì Thủ đô phát triển” nhằm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt việc nâng cao kỷ cương, trách nhiệm, kỷ luật giải quyết công việc trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cơ quan LĐLĐ Thành phố theo chủ trương của Thành ủy Hà Nội.

Phạm Diệp
https://laodongthudo.vn/quan-triet-chu-truong-cua-thanh-uy-ve-ky-cuong-trach-nhiem-ky-luat-trong-giai-quyet-cong-viec-160380.html