Dâng hương kỷ niệm Ngày Hai Bà Trưng tế cờ khởi nghĩa

Sáng nay (18-10), tại Di tích quốc gia đặc biệt đền Hát Môn, huyện Phúc Thọ trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Hai Bà Trưng hội quân tế cờ khởi nghĩa (ngày 4 tháng Chín âm lịch).

Dự buổi lễ có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà.

mai.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà tặng hoa chúc mừng lễ kỷ niệm.

Ôn lại truyền thống hào hùng, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Nguyễn Doãn Hoàn cho biết: Sử sách còn ghi, năm 40 (sau Công nguyên), Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị sau khi hoàn tất công việc chuẩn bị đã quyết định chọn cửa sông Hát (nay là xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ) làm nơi hội quân, lập đàn thề, tế trời đất trước khi ra trận.

Dòng sông Hát linh thiêng cũng được Hai Bà chọn làm nơi tuẫn tiết để về cõi vĩnh hằng. Đó là minh chứng khẳng định, trong suốt tiến trình của cuộc khởi nghĩa, Phúc Thọ vinh dự và tự hào là quê hương gắn liền với tên tuổi, chiến công của Hai Bà.

Cảm sâu công đức Hai Bà, bao đời nay, các thế hệ người dân Phúc Thọ đã lập đền thờ, tu bổ ngôi đền Hát Môn khang trang; luôn trao truyền, phát huy những sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tốt đẹp để bày tỏ tấm lòng thành kính thiêng liêng.

Đã thành truyền thống, hằng năm, nhân dân Hát Môn đều tổ chức ba kỳ lễ hội tại khu đền. Trong đó, lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Ba âm lịch là lễ trọng, để cúng giỗ, tưởng nhớ Hai Bà; đại lễ ngày 4 tháng Chín âm lịch là ngày Hai Bà lập đàn thề, tế trời đất trước khi ra trận và đại lễ ngày 24 tháng Chạp là ngày kỷ niệm chiến thắng của Hai Bà Trưng.

Đặc biệt, từ năm 2022, Phúc Thọ đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Phát huy giá trị tinh thần cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của người Phúc Thọ” nhằm phát huy giá trị tinh thần cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Qua đó, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên trong mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Lễ hội kỷ niệm 1983 năm Ngày Hai Bà Trưng hội quân tế cờ khởi nghĩa là hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm cụ thể hóa công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa xứ Đoài, văn hóa Thăng Long – Hà Nội.

Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Nguyễn Doãn Hoàn nhấn mạnh, huyện tiếp tục quan tâm bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Hát Môn. Đây là tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông ta để lại. Việc giữ gìn, bồi đắp để những di sản văn hóa trở thành động lực và nguồn lực quan trọng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành nguồn nội sinh.

Bên cạnh các nghi lễ đúng phong tục truyền thống, dịp này, huyện Phúc Thọ và xã Hát Môn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.

Nguyễn Mai

Dâng hương kỷ niệm Ngày Hai Bà Trưng tế cờ khởi nghĩa (hanoimoi.vn)