Mới lạ và đầy cảm xúc
Mới lạ, độc đáo và đa dạng cung bậc cảm xúc là những cảm nhận của lớp khán giả đầu tiên tham dự chương trình chạy thử nghiệm tour du lịch tối 22-10 vừa qua tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Chuỗi chương trình lấy “tinh hoa đạo học” làm chủ đề xuyên suốt, ứng dụng công nghệ trình chiếu ánh sáng dẫn dắt người xem hòa mình vào không gian di sản lung linh, ấn tượng hơn so với thường ngày, song vẫn làm nổi bật nét thâm trầm, tinh tế của ngôi trường quốc học đầu tiên của đất nước.
Theo Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, tour đêm mở đầu từ khu nhập đạo, đến khu thành đạt, vườn bia tiến sĩ, khu bái đường và kết lại tại khu thái học. Ở đó, mỗi chặng tham quan là một bất ngờ thú vị với khán giả. Chẳng hạn, tại khu nhập đạo, khách tham quan được đắm chìm trong khúc dạo đầu nhẹ nhàng, thư thái của âm thanh và sắc màu với câu chuyện về “Tứ linh huấn tử”, lồng ghép khéo léo yếu tố gia đạo trong đời sống văn hóa Việt. Ở khu thành đạt là câu chuyện “cá chép hóa rồng”, hiện thân của tinh thần kiên trì, bền bỉ vượt qua gian khổ để vươn tới vinh quang…
“Tại vườn bia tiến sĩ, thế mạnh công nghệ tiếp tục được khai thác hiệu quả qua việc “biến” bia đá thành những cuốn sách thực thụ, đem đến những thông tin vô cùng giá trị về lịch sử khoa cử nhiều triều đại phong kiến. Trong khi đó, khu bái đường cho thấy toàn bộ lịch sử hình thành và phát triển của Quốc Tử Giám – cái nôi đào tạo nhân tài đất nước suốt gần
800 năm, với phong cách thiết kế mang hơi thở đương đại. Cũng tại đây, khách tham quan được trải nghiệm sản phẩm công nghệ kính thực tế ảo qua các trò chơi, thử thách đầy mới lạ và thú vị”, ông Lê Xuân Kiêu chia sẻ.
Điểm nhấn đặc biệt nhất nằm ở cuối hành trình tại khu thái học với màn trình chiếu 3D theo chủ đề “Tinh hoa đạo học”. Toàn bộ mặt tiền của nhà Tiền đường trên sân thái học lúc này biến thành một màn hình khổng lồ giúp cho khách tham quan khám phá những giá trị tinh túy nhất trong đạo học của người Việt. Bà Trịnh Thị Thủy (phường Đội Cấn, quận Ba Đình) bày tỏ cảm xúc: “Có thể lấy show diễn là nội dung chủ đạo, mang lại cảm giác thăng hoa nhất của chương trình trải nghiệm, khi tận dụng âm thanh, ánh sáng, hình ảnh sống động, mang tính ước lệ, làm nổi bật sự kết tinh và thăng hoa của đạo học nước ta. Tôi tin rằng, rời khỏi chương trình, nhiều người vẫn còn lắng đọng cảm giác choáng ngợp và tự hào từ những điều đã trải qua”.
Biến hạn chế thành lợi thế
Không gian di sản về đêm bấy lâu nay vẫn nằm trong cảm nhận chung là buồn tẻ và khó khai thác bởi nhiều hạn chế, nhất là những bất lợi về ánh sáng. Tuy nhiên, với việc nỗ lực tìm tòi giải pháp “đánh thức” không gian di sản về đêm, những hạn chế có thể trở thành lợi thế riêng có, mà một trong số đó chính là nhờ những giải pháp từ công nghệ. Là một trong những đơn vị khai thác du lịch đêm đầu tiên ở Hà Nội, Trung tâm hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng tiên phong trong sử dụng công nghệ trình chiếu để làm nổi bật giá trị di sản.
Trước đó, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long đã đưa công nghệ trình chiếu 3D mapping vào triển lãm “Báu vật hoàng cung” và triển lãm “Từ mặt đất đến bầu trời”. Bảo tàng Lịch sử quốc gia có ứng dụng công nghệ số cho trưng bày “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” và “Đèn cổ Việt Nam”. Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam triển khai tour 3D “Chiến thắng Hà Nội 12 ngày đêm”. Trung tâm Văn hóa nghệ thuật – 22 Hàng Buồm có không gian trải nghiệm nghệ thuật chiếu sáng “Đêm Hà Nội – Điểm chạm của những cảm xúc”… Tất cả cho thấy, công nghệ đang trở thành một tiềm năng, thế mạnh để phát huy giá trị di sản tại bảo tàng, di tích.
Theo Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý, mặc dù chậm so với quốc tế và khu vực, song bảo tàng di tích trên cả nước cũng như ở Hà Nội đã có nhiều cố gắng trong việc ứng dụng công nghệ xây dựng chương trình phát huy giá trị. Tuy vậy, điều kiện cần nhất để khẳng định sự thành công của chương trình chính là việc những điểm đến di sản cần thống nhất rằng hiện vật, di tích và câu chuyện lịch sử ký ức là quan trọng nhất. Các chương trình công nghệ có thành công hay không phải dựa vào nghiên cứu cơ bản và từ thông tin di sản. Cần tạo cơ hội để người xem được trải nghiệm cụ thể, trực tiếp từ di vật, hình ảnh, tư liệu để phát huy thế mạnh của bảo tàng, di tích.
Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu:
Du khách sẽ có những trải nghiệm mới và cảm xúc khác biệt
Ý tưởng xây dựng tour đêm tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám có từ năm 2020 với mong muốn mang đến cho du khách và người dân Thủ đô những trải nghiệm mới, cảm xúc khác biệt so với nội dung tham quan, khám phá ban ngày trên tinh thần phát huy hiệu quả giá trị khu di tích quốc gia đặc biệt. Đặc trưng của tour đêm chính là việc khai thác những sáng tạo từ công nghệ làm nổi bật các yếu tố kiến trúc, mỹ thuật cũng như giá trị tinh hoa của di sản.
Nói cách khác, công nghệ đóng vai trò lớn trong hành trình trải nghiệm di sản về đêm, dẫn dắt, kết nối câu chuyện, nhằm tạo nên một “bữa tiệc” thăng hoa về âm thanh, ánh sáng và cảm xúc. Ở đó, mỗi chi tiết đều được chăm chút một cách tỉ mỉ để mang lại cho khách tham quan một buổi tối khám phá trọn vẹn những giá trị đặc trưng của riêng khu di tích. Hiện công tác chuẩn bị đã hoàn thành, tour đêm sẵn sàng ra mắt công chúng vào 19h ngày 1-11 tới.
Nguyễn Thanh
“Đánh thức” di sản từ thế mạnh công nghệ (hanoimoi.vn)