Về thôn Long Phú (xã Hòa Thạch) trong những ngày đầu tháng 8, trên đồi chè bạt ngàn xanh mướt, người dân Long Phú đang tất bật thu hoạch. Thời tiết từ đầu năm tới nay khá thuận lợi, chè xanh tốt, búp đều và dày nên bà con càng thêm phấn khởi. Thoăn thoắt đôi tay hái chè, ông Nguyễn Văn Phong (thôn Long Phú) chia sẻ: “Nhờ thời tiết đầu năm tới nay thuận lợi và cây chè được chăm sóc bài bản nên búp chè dày, đẹp và đều. Nhìn những ngọn chè non xanh mơn mởn, chúng tôi cũng bớt đi phần nào mệt nhọc và có thêm động lực để thu hái”.
Những năm qua, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã đẩy mạnh phát triển cây chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Kim Tiến. |
Sản xuất trên diện tích 3.000m2, gia đình ông đã gắn bó với nghề trồng chè gần 20 năm nay. Ông Phong cho biết, thu nhập của gia đình phần lớn dựa vào cây chè, tuy nhiên, việc trồng chè cũng phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Những năm qua, người dân cũng như chính quyền địa phương đều rất nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng, giá trị cho cây chè ở Long Phú. “Tôi mong muốn trong thời gian tới, các cấp chính quyền sẽ tiếp tục ủng hộ, đầu tư và có những giải pháp hợp lý nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thu nhập ổn định cho người nông dân”, ông Phong bày tỏ.
Được biết, cây chè là một trong những cây trồng chủ lực ở xã Hòa Thạch hiện nay, nhiều năm qua, cây chè đã góp phần quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo, đồng thời phủ xanh đất trống đồi núi trọc tại địa phương. Ông Lê Văn Huệ (Trưởng ban Kiểm soát Hợp tác xã chè Long Phú) cho biết, nhiều năm trước đây, chè Long Phú vốn nổi tiếng một thời, được xuất khẩu sang thị trường Đông Âu. Sau khi khối Đông Âu tan rã, việc tiêu thụ chè Long Phú trở nên khó khăn. Đặc biệt, từ sau khi Công ty Chè Long Phú không thu mua chè cho nông dân thì sản xuất chè tại Long Phú gần như đình trệ. Nhiều năm trở lại đây, chè Long Phú sản xuất chủ yếu để phục vụ nhân dân địa phương dưới dạng chè tươi. Phần lớn các nương chè được trồng từ năm 1988 đến nay đã già cỗi, năng suất, chất lượng kém. Tuy nhiên, nghề trồng chè vẫn là nguồn thu nhập của người dân địa phương.
Trước thực trạng đó, năm 2012, Hợp tác xã Long Phú được thành lập nhằm khôi phục, giữ gìn và phát triển thương hiệu chè Long Phú, xây dựng vùng nguyên liệu lớn cho nhiều doanh nghiệp chế biến chè trong nước. Tuy nhiên, những ngày đầu thành lập, Hợp tác xã gặp nhiều khó khăn khi người trồng chè không còn hào hứng, tin tưởng vào cây chè…
Ông Đỗ Tiến Hùng – Giám đốc Hợp tác xã Long Phú, cho biết: “Khi bắt đầu quyết định thành lập Hợp tác xã Long Phú và triển khai mô hình sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP gặp rất nhiều khó khăn. Cơ sở, vật chất không có gì, thiếu sự ủng hộ của người dân”. Để gây dựng Hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, ông Hùng và một số thành viên cốt cán ban đầu của Hợp tác xã đã đến từng gia đình vận động người dân tham gia, chung sức gây dựng lại thương hiệu chè Long Phú. Mưa dầm thấm lâu, sự nhiệt huyết của các thành viên Hợp tác xã Long Phú đã vận động thành công nhiều gia đình tham gia.
“Dồn lực” nâng tầm thương hiệu
Từ chỗ chỉ dăm bảy thành viên, đến nay, Hợp tác xã Long Phú có 243 thành viên tham gia. Diện tích trồng chè cũng được mở rộng. Đặc biệt, sau nhiều năm hoạt động, đến nay, Hợp tác xã đã thực hiện cải tạo giống chè già cỗi và trồng, sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, từng bước trở thành vùng nguyên liệu lớn cho các công ty sản xuất chế biến chè. Hơn hết, việc định hướng và xây dựng mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP đã cho năng suất chè cao hơn trước. Ngoài năng suất và sản lượng cao, việc sản xuất chè an toàn còn tích cực ở chỗ, góp phần nâng cao nhận thức của người nông dân trong vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Theo đó, thông qua việc đẩy mạnh sử dụng các loại thuốc đặc hiệu, có tính an toàn và ít độc hại thì số lần dùng thuốc bảo vệ thực vật trên cây chè cũng được chú trọng giảm thiểu tối đa. Chè an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên giá trị sản phẩm vì vậy cũng được tăng lên. Cũng theo Giám đốc Hợp tác xã Long Phú, gần chục năm nỗ lực xây dựng mô hình chè thương phẩm an toàn, Hợp tác xã chè Long Phú đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap của Trung tâm phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm Hà Nội.
Với chứng nhận này, sản phẩm chè của Hợp tác xã Long Phú được biết đến là sản phẩm sạch, an toàn đối với người tiêu dùng, điều này sẽ “tiếp sức” cho chè Long Phú có cơ hội tạo lập thương hiệu đối với thị trường chè trong nước cũng như nước ngoài. Giám đốc Hợp tác xã Long Phú cũng cho biết, để bảo vệ nhãn hiệu chè Long Phú, Hợp tác xã Long Phú đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Chè Long Phú – Quốc Oai”. Chè Long Phú cũng đã được cấp chứng nhận OCOP theo Chương trình “mỗi xã, phường một sản phẩm”. Việc này vừa khẳng định thương hiệu chè sạch Long Phú – Quốc Oai, vừa giúp bảo vệ nhãn hiệu, tránh tình trạng làm giả, lám nhái các sản phẩm chè Long Phú. Đó cũng là bước đi có tính chất pháp lý nhằm củng cố thương hiệu, xây dựng giá trị, niềm tin đối với người tiêu dùng.
“Tới đây, Hợp tác xã đang có kế hoạch làm xưởng sản xuất để sơ chế, chế biến, đảm bảo chất lượng cho chè Long Phú. Do vậy, chúng tôi cũng mong muốn được vay vốn ưu đãi để thực hiện xây dựng nhà xưởng, đầu tư cho bà con để quản lý chất lượng. Đặc biệt, trong thời gian tới, địa phương cũng nằm trong quy hoạch để phát triển du lịch trải nghiệm. Đây cũng chính là cơ hội để thương hiệu chè Long Phú được mọi người biết đến”, ông Hùng bày tỏ./.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân xã Hòa Thạch, toàn xã hiện có trên 200ha chè, tập trung chủ yếu tại các thôn Long Phú và Hòa Phú. Lâu nay, xã Hòa Thạch xác định chè là cây trồng chủ lực, đem lại giá trị kinh tế cao. Hiện năng suất chè tại xã Hòa Thạch đạt khoảng 12 – 13 tấn/ha, doanh thu đạt từ 700 – 800 triệu đồng/ha/năm. Ủy ban nhân dân xã Hòa Thạch thời gian qua đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phát triển thương hiệu chè Long Phú nhằm hỗ trợ nông dân nơi đây tiêu thụ sản phẩm chè. |