Đánh thức tiềm năng du lịch từ giá trị di sản

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Sơn Tây được xác định là một trong năm đô thị vệ tinh của Thủ đô. Với định hướng trên, đòi hỏi thị xã Sơn Tây cần có những giải pháp tổng thể để khơi thông những giá trị phi vật thể của văn hóa xứ Đoài thành những sản phẩm cụ thể từ đó gìn giữ, bảo tồn, nhân rộng, phát triển mạnh mẽ ngành kinh tế du lịch.

Tài nguyên văn hóa phong phú

Thị xã Sơn Tây là một vùng đất cổ nằm ở cửa ngõ phía Tây của Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô 42km. Đây là mảnh đất trung tâm của xứ Đoài với dày đặc các di tích lịch sử. Sơn Tây quy tụ nhiều quần thể di tích có giá trị về lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh như: Làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam, Thành cổ Sơn Tây, Làng cổ Đường Lâm, Chùa Mía, đền Và…

Bên cạnh đó, thị xã có 244 di tích (trong đó có 74 di tích được xếp hạng với 16 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 58 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố); 6 di tích cách mạng kháng chiến và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; có 78 di sản văn hóa phi vật thể (trong đó có 65 lễ hội, 6 nghề thủ công, 5 tập quán xã hội và 2 trình diễn; 1 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 8 di sản được ưu tiên bảo vệ)… với những điều kiện như vậy nên Sơn Tây có tiềm năng, thế mạnh phát triển loại hình du lịch văn hóa lịch sử, lễ hội, tâm linh.

Đánh thức tiềm năng du lịch từ giá trị di sản
Sơn Tây quy tụ nhiều quần thể di tích có giá trị về lịch sử, văn hóa. Ảnh: Đinh Luyện

Tuy nhiên, hiện hoạt động du lịch Sơn Tây vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: Hiệu quả kinh tế du lịch chưa cao, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch chưa có bước đột phá; khách sạn cao cấp còn ít; chưa xây dựng và hình thành được tour du lịch phục vụ khách du lịch thường xuyên từ trung tâm Thành phố Hà Nội tới thị xã; chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược vào thực hiện các dự án động lực phát triển dịch vụ du lịch…

Đối với di tích Làng cổ Đường Lâm, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết, Sơn Tây còn bảo lưu được một làng cổ tiêu biểu cho làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Làng cổ Đường Lâm là một di sản văn hóa vô giá được thế giới đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên cho đến nay mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển dường như vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Bởi vậy, cần phải có những giải pháp đồng bộ, nhưng trước tiên phải có một dự án tạo ra sản phẩm văn hóa khai thác tốt và nâng tầm giá trị của di sản.

GS.TSKH Vũ Minh Giang góp ý, nếu triển khai ở đây một sân khấu thực cảnh mang chủ đề Tinh hoa văn hóa xứ Đoài với nội dung diễn tả những huyền thoại Tản Viên từ thời dựng nước đến những sự tích gắn với cuộc đời và sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc như Lý Bí, Phùng Hưng, trận chiến Bạch Đằng của Ngô Quyền… và những giá trị đặc sắc khác gắn với Phật giáo, lễ hội thì chắc chắn sẽ có sức hút vô cùng lớn với du khách thập phương.

Đánh thức và khai thác bền vững

Được biết, thời gian qua công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, đẩy mạnh phát triển du lịch dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đang là nhiệm vụ được Đảng bộ, chính quyền thị xã Sơn Tây quan tâm thực hiện, góp phần đưa Sơn Tây trở thành điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước.

Ban Thường vụ Thị ủy Sơn Tây đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-TU ngày 08/02/2017 về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thị xã, gắn với phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ giai đoạn 2017-2020 và những năm tiếp theo; Nghị quyết 12-NQ-TU ngày 1/6/2021 về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, gắn với phát triển kinh tế du lịch thị giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Công tác phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng điểm đến du lịch đã được quan tâm. Ngoài những điểm đến nổi tiếng của thị xã như đền Và, Thành cổ Sơn Tây, Làng cổ ở Đường Lâm, Đồng Mô, thị xã đã có thêm nhiều địa điểm thu hút đông khách tham quan như: Chùa Khai Nguyên, đền Măng Sơn, Văn Miếu Sơn Tây. Đặc biệt là sự kết nối giữa các điểm tham quan du lịch tín ngưỡng với các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, nghỉ đường (như khách sạn Lâm Ký, Đông Thành, Quang Tây resort, Vườn Trăng (Moon Garden)… đã thu hút lượng lớn khách du lịch đến địa bàn. Nhiều mô hình làm du lịch mới được thực hiện tại Làng cổ như: Vườn hoa Làng cổ, trải nghiệm cafe Làng cổ, cơm quê tại các nhà cổ có phục vụ du khách….

Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho biết, mục tiêu mà Sơn Tây luôn bám sát và thực hiện đó là Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVII) về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025”; Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 – 2025”; Nghị quyết số 09-NQ/TU về “phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”… tất cả sẽ được cộng hưởng và giao thoa ở trong không gian di tích, di sản của Sơn Tây, đồng thời gắn với không gian phố đi bộ.

Cùng với việc phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch như tham quan các di tích lịch sử văn hóa, du lịch trải nghiệm…. du lịch ẩm thực cũng đang được Sơn Tây chú trọng giới thiệu đến du khách thông qua các sản phẩm như: Bánh tẻ Phú Nhi, tương và kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo vùng, bánh gai Đường Lâm, mật ong Kim Sơn, mít Sơn Đông…

Hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch – dịch vụ được đầu tư xây dựng, các tuyến đường trung tâm đã được cải tạo, nâng cấp, đáp ứng cơ bản việc đón tiếp khách du lịch. Các điểm du lịch tiêu biểu trên địa bàn thị xã tiếp tục thu hút được khách du lịch tới tham quan, tiêu biểu như: Làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam và Làng cổ Đường Lâm đón lượng khách du lịch duy trì ở mức khá cao, trong đó Làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam năm 2018 đón 550.000 lượt khách, năm 2019 đón 500.000 lượt khách. Làng cổ Đường Lâm đón 140.000 lượt khách năm 2018 và 125.000 lượt khách năm 2019.

Thị xã cũng đã quy hoạch được 3 khu vực phát triển du lịch gồm: Khu du lịch Đồng Mô là khu du lịch sinh thái kết hợp vui chơi, thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng); khu trung tâm thị xã – Thành cổ – đền Và – Đường Lâm (là khu du lịch về di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng); khu du lịch Xuân Khanh (là khu vui chơi giải trí, nghỉ ngơi, du lịch sinh thái).

Để khai thác, phát huy giá trị di sản văn hoá để du lịch Sơn Tây hiệu quả, bền vững, PGS.TS Phạm Văn Dương – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, để biến nguồn lực văn hoá và sinh thái giàu có này trở thành sức mạnh vật chất để phát triển Sơn Tây và Thủ đô, trước hết phải nhận diện được và đánh giá được giá trị của nó. Từ đó khắc phục việc quy hoạch và phát triển đô thị ồ ạt, mất kiểm soát như hiện nay.

Ngoài ra, Sơn Tây cũng cần nâng cao hình ảnh và bản sắc của không gian đô thị Sơn Tây như vùng lõi, điểm hội tụ, trung tâm của văn hoá xứ Đoài, trong đó dựa vào công tác bảo tồn các giá trị cốt lõi của văn hoá Xứ Đoài và các làng nghề truyền thống cùng với quy hoạch phát triển đô thị hiện đại trên nền tảng giá trị truyền thống. Cùng với đó, cần sự hỗ trợ của Thành phố trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trọng điểm, tạo điều kiện cho việc thu hút các dự án, các nhà đầu tư tới góp công sức đánh thức tiềm năng vùng đất cổ này./.

Đinh Luyện