Dành trọn tình yêu cho gốm

 Sinh ra ở làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm) trong gia đình bốn đời gắn bó với nghề sản xuất đồ gốm, Nghệ nhân ưu tú Tô Thanh Sơn sớm “bén duyên” với nghề truyền thống của quê hương. Theo năm tháng, người và gốm gắn kết, hòa quyện với nhau trong từng động tác, để rồi những sản phẩm gốm – đứa con tinh thần, lần lượt ra đời, nhận được sự đánh giá cao của khách hàng, giới làm nghề…

Nghệ nhân ưu tú Tô Thanh Sơn bên sản phẩm gốm của gia đình tại xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm). Ảnh: Kiều Oanh

 

Ước mơ về một không gian thuần Việt

May mắn sinh ra trong gia đình truyền thống làm gốm, chàng trai Tô Thanh Sơn ngày ngày đi học về là mê mải làm bạn cùng… đất. Với tinh thần cầu thị học hỏi, để thấu hiểu tường tận hồn cốt của đất – gốm, Tô Thanh Sơn dành mọi thời gian rảnh rỗi tìm hiểu, lân la trò chuyện với những bậc tiền bối giỏi nghề, yêu gốm trong làng nên đã học được nhiều bí quyết, kỹ thuật khó, ý tưởng hay để “làm vốn”.

Trưởng thành cùng gốm, tình yêu nghề cũng lớn dần theo năm tháng, với mong muốn, quyết tâm giỏi nghề, Tô Thanh Sơn đã lặn lội tới nhiều vùng, miền có nghề gốm lâu đời, như: Phù Lãng (Bắc Ninh), Quế Quyển (Hà Nam)… để học hỏi. Vào những năm 1990, ông mạnh dạn ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, chuyển từ lò than thủ công sang lò nung bằng ga, vừa bảo vệ môi trường, vừa cho ra lò những sản phẩm gốm đẹp, chất lượng ổn định, không bị “đổ đi cả mẻ” như thời mới lập nghiệp. Đáng nói, sản phẩm gốm do ông sản xuất đã được nhiều khách hàng trong nước và nước ngoài tìm đến đặt mua.

Nhắc đến nghệ nhân Tô Thanh Sơn, nhiều người nhớ tới những tác phẩm độc đáo được phục chế, không khác gì đồ gốm cổ với các màu men độc đáo được thế hệ cha ông tạo nên. Tiêu biểu như chiếc chóe lớn màu men trà được nghệ nhân sinh năm 1957 này chế tác nhân dịp chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, bề mặt được khắc bức phù điêu tròn với hình ảnh Đức vua Lý Công Uẩn đọc Chiếu dời đô. Ngoài ra, còn nhiều bình, lọ, lư hương, nghê, hạc và các tượng Phật… được nghệ nhân Tô Thanh Sơn phục chế thành công.

Thấm thoát gần 40 năm gắn bó với gốm, đạt được nhiều thành quả, có dấu ấn trong lòng người yêu gốm, ông Tô Thanh Sơn đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” năm 2013. Tại ngôi nhà nhỏ mang tên Thuận An Đường giữa làng Bát Tràng, nơi lưu giữ những sản phẩm tinh hoa làng gốm, ông thường chia sẻ với mọi người: “Thuận An Đường là nơi lưu giữ một không gian đậm đà bản sắc của quê hương Bát Tràng bên dòng sông Nhị Hà đã đi vào huyền thoại. Điều mà tôi tâm niệm là làm sao từng góc nhìn đều toát lên được hồn cốt, cái tình người trong gốm. Với mong muốn mọi người khi ghé thăm đều cảm thấy như đang trở lại chốn quê dưới mái nhà xưa, được đắm mình trong một không gian thuần Việt…”.

Góp sức bảo tồn, phát huy nghề truyền thống

Du khách thăm Bát Tràng có duyên đến Thuận An Đường, gặp gỡ nghệ nhân Tô Thanh Sơn dường như được trở về với tuổi thơ, với văn hóa làng quê thân thương đầy ắp kỷ niệm thiêng liêng, khơi dậy niềm tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc.

Anh Vũ Ngọc Phan Anh, ở phường Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm) – khách thường xuyên tới Bát Tràng, cho biết, những lời mộc mạc mà sâu sắc về văn hóa gốm mà Nghệ nhân ưu tú Tô Thanh Sơn kể lại khiến anh càng tự hào về quê hương, đất nước, thêm yêu gốm Bát Tràng. Còn chị Lyna, quốc tịch Ukraine chia sẻ: “Gặp Nghệ nhân ưu tú Tô Thanh Sơn, nghe ông nói về giá trị văn hóa của gốm Bát Tràng có lịch sử gần 500 năm, gắn bó bao thế hệ gia đình người Việt, tôi càng hiểu hơn về nghề gốm, nỗi vất vả của thợ làm gốm”.

Mong muốn bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa làng nghề luôn thường trực trong tâm trí Nghệ nhân ưu tú Tô Thanh Sơn. Ông luôn khuyến khích, động viên hàng trăm học trò của mình học hỏi, lưu giữ nghề gốm Bát Tràng. Anh Đoàn Bá Tuấn (26 tuổi, quê ở tỉnh Hải Dương) – một học trò của Nghệ nhân ưu tú Tô Thanh Sơn tâm sự: “Thầy Sơn thấy tôi có chút năng khiếu và đam mê nên đã truyền dạy nghề. Chỉ sau một thời gian ngắn, tôi đã có tay nghề cơ bản và mở một xưởng sản xuất nhỏ tại xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm). Hiện nay, tôi vẫn được thầy Sơn ân cần dạy bảo, nên sẽ cố gắng cho ra lò nhiều sản phẩm tốt để không phụ công thầy”.

Nói về Nghệ nhân ưu tú Tô Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Nguyễn Trung Kiên cho biết: “Nghệ nhân ưu tú Tô Thanh Sơn là niềm tự hào của xã Bát Tràng. Không chỉ giỏi và tâm huyết với nghề gốm, ông Tô Thanh Sơn còn là người đề xuất nhiều ý tưởng quảng bá văn hóa gốm Bát Tràng tới bạn bè, du khách qua nhiều hội chợ, triển lãm trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, ông Tô Thanh Sơn rất chú trọng truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ thông qua các hội thi sáng tạo trẻ, các lớp học do Hội Nghệ nhân và các ban, ngành, đoàn thể của xã tổ chức, từ đó đào tạo nghề cho hàng trăm học viên. Nghệ nhân ưu tú Tô Thanh Sơn cũng đóng góp nhiều cho công tác xã hội, từ thiện của địa phương; tích cực quảng bá du lịch làng nghề Bát Tràng”.

Linh Nhi/nguoihanoi.com.vn