Đợt sắp xếp này sẽ tác động đến 156 xã, phường, thị trấn và dự kiến toàn thành phố Hà Nội giảm khoảng 70 ĐVHC cấp xã. Các quận, huyện, thị xã: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Long Biên, Thanh Xuân, Ba Vì, Chương Mỹ, Gia Lâm, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thạch Thất, Ứng Hòa, Phúc Thọ, Thanh Oai, Thường Tín, Quốc Oai, Sơn Tây đã chỉ đạo các phường, xã, thị trấn thuộc diện sắp xếp lấy ý kiến cử tri với hai nội dung: Chủ trương sắp xếp ĐVHC và đặt tên ĐVHC mới sau sắp xếp.
Phát phiếu lấy ý kiến cử tri về sắp xếp, đặt tên đơn vị hành chính mới. |
Trong đó, về việc đặt tên, Điều 6 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ, việc đặt tên, đổi tên ĐVHC hình thành sau sắp xếp thực hiện theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC; bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và tôn trọng ý kiến của đa số cử tri.
Trường hợp nhập các ĐVHC cùng cấp thì khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các ĐVHC trước khi nhập để đặt tên cho ĐVHC hình thành sau sắp xếp.
Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ Hà Nội đã hướng dẫn Ủy ban nhân dân (UBND) quận, huyện, thị xã có ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các ĐVHC trước khi nhập để đặt tên cho ĐVHC hình thành sau sắp xếp.
Tại hội nghị giao ban trực tuyến Thường trực Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND thành phố Hà Nội với lãnh đạo quận, huyện, thị xã quý I/2024, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh đã nhấn mạnh, tên gọi ĐVHC mới là vấn đề được dư luận nhân dân đặc biệt quan tâm, vì thế trong quá trình tổ chức thực hiện, các đơn vị xem xét kỹ lưỡng các yếu tố về truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán của địa phương.
Thực tế, tâm lý người dân sẽ muốn giữ tên gọi của phường/xã mình vì đã quen thuộc, muốn giữ gìn tên gọi gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa, cũng như tránh các vướng mắc khi phải đổi giấy tờ. Vì vậy, để người dân hiểu và đồng thuận với phương án đưa ra, trong thời gian qua, các quận, huyện, thị xã đã thường xuyên tuyên truyền về chủ trương, mục đích, phương án, lý do sắp xếp, lý do đặt tên ĐVHC mới…
Giải thích rõ cơ sở để người dân đồng thuận
Tại quận Ba Đình, thực hiện sáp nhập phường Trúc Bạch và Nguyễn Trung Trực, với tên phường mới được chọn là Trúc Bạch. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng phòng Nội vụ quận Ba Đình cho biết, ban đầu, một số cán bộ cơ sở cũng tâm tư về việc đặt tên phường mới.
UBND quận đã giải thích lý do chọn tên Trúc Bạch là dựa trên yếu tố lịch sử, vì địa danh này có từ thế kỷ 19, còn địa danh Nguyễn Trung Trực vào những năm 1978, 1979 mới xuất hiện. Hai tên địa danh này cũng không thể ghép để đặt tên phường mới… Khi được giải thích rõ về nội dung này, cán bộ cơ sở rất ủng hộ, và tích cực tuyên truyền đến người dân. Vì vậy, 97,56% cử tri phường Nguyễn Trung Trực đã đồng ý với tên gọi phường mới sau sáp nhập là phường Trúc Bạch.
Tại quận Đống Đa có 10 phường thuộc diện sắp xếp. Cụ thể, nhập phường Trung Phụng và phường Khâm Thiên, lấy tên phường mới là Khâm Thiên; nhập một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số phường Ngã Tư Sở vào phường Khương Thượng, thành phường Khương Thượng; nhập một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số phường Ngã Tư Sở vào phường Thịnh Quang, thành phường Thịnh Quang; nhập phường Quốc Tử Giám và phường Văn Miếu, thành phường Văn Miếu – Quốc Tử Giám; nhập một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số phường Trung Tự vào phường Phương Liên, thành phường Phương Liên – Trung Tự; nhập một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số phường Trung Tự vào phường Kim Liên, thành phường Kim Liên.
Qua lấy ý kiến, hơn 99% cử tri 10 phường đã ủng hộ, đồng thuận việc sắp xếp và tên gọi ĐVHC mới, với 8 phường giữ lại một tên ĐVHC cũ, có hai phường ghép tên là Văn Miếu – Quốc Tử Giám và Phương Liên – Trung Tự. Ông Nguyễn Thế Dũng, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố số 2 phường Văn Miếu cho rằng, việc chọn tên ĐVHC mới sau sáp nhập phường Văn Miếu và Quốc Tử Giám phù hợp vì hai tên gọi Văn Miếu và Quốc Tử Giám rất liên quan đến nhau…
Tại huyện Phú Xuyên, có 8 xã thuộc diện sắp xếp. Bà Lại Đỗ Quyên, Trưởng phòng Nội vụ huyện cho biết, 6 xã Hồng Minh, Tri Trung, Đại Thắng, Văn Hoàng, Nam Phong, Nam Triều đều có trên 90% cử tri đồng ý với chủ trương sắp xếp và tên gọi ĐVHC mới sau sắp xếp (nhập xã Hồng Minh và Tri Trung, lấy tên xã mới là Hồng Minh; nhập xã Đại Thắng và Văn Hoàng, tên xã mới là Văn Hoàng; nhập xã Nam Phong và Nam Triều, tên xã mới là Nam Phong). Riêng hai xã Sơn Hà và Quang Trung sau sáp nhập thì ghép tên xã mới là Quang Hà.
Bà Quyên cho hay, việc chọn một trong các tên ĐVHC cũ để đặt cho ĐVHC mới sau sáp nhập sẽ thuận lợi hơn khi chỉ có một nửa số người dân của xã mới thành lập phải thay đổi giấy tờ cá nhân…
Sắp xếp ĐVHC là việc khó, trong đó, bố trí cán bộ, công chức và đặt tên ĐVHC mới sau sắp xếp luôn được dư luận đặc biệt quan tâm. Đến nay, theo Sở Nội vụ Hà Nội, các đơn vị đã hoàn tất việc lấy ý kiến cử tri với kết quả hầu hết cử tri đồng thuận cao với chủ trương sắp xếp và tên gọi ĐVHC mới. Có thể thấy, với lộ trình thực hiện khoa học, bài bản, khách quan, phù hợp, công tác sắp xếp ĐVHC cấp phường giai đoạn 2023 – 2025 của thành phố Hà Nội đã nhận được sự ủng hộ của cán bộ, công chức và nhân dân.
Theo Sở Nội vụ Hà Nội, việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 theo phương án tổng thể của thành phố Hà Nội sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước của chính quyền cơ sở và hoạt động của tổ chức cộng đồng các khu dân cư trên địa bàn; đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển theo Chương trình hành động số 12/NQ-CP ngày 23/2/2022 Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các quy hoạch đã được phê duyệt. |
Phương Thảo
Đặt tên đơn vị hành chính mới sau sắp xếp: Tôn trọng yếu tố lịch sử, văn hóa (laodongthudo.vn)