Dấu ấn khởi sắc trong xây dựng nông thôn mới

Thời gian qua, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các cấp chính quyền, ban, ngành và người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tham gia tích cực. Nhờ đó, diện mạo vùng nông thôn Thủ đô thay đổi từng ngày, cuộc sống của người dân khu vực nông thôn được cải thiện và được thụ hưởng những giá trị thiết thực, từ đó củng cố lòng tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp.

 

Dấu ấn khởi sắc trong xây dựng nông thôn mới
Mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, xã Tản Hồng (huyện Ba Vì) từ tỉnh Hà Tây trở thành một phần của thành phố Hà Nội. Đó cũng là quãng thời gian địa phương chứng kiến rất nhiều đổi thay, trong đó lớn nhất là những “trái ngọt” từ việc xây dựng nông thôn mới. Bí thư Đảng ủy xã Tản Hồng Phương Văn Liểu cho biết, trong 15 năm qua, xã đã hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Hiện nay, xã triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Với sự quyết tâm cao của cấp ủy đảng, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân, xã Tản Hồng đã khoác lên mình diện mạo mới, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp và chất lượng cuộc sống của người dân từng bước được nâng lên. Người dân chung tay thực hiện phong trào “xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”; phong trào “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm sáng – xanh – sạch đẹp, an toàn”, người dân tự sơn sửa tường rào, các thôn tổ chức vẽ tranh tường bích họa, trồng mới đường hoa, cây xanh, phối hợp lắp đặt hệ thống chiếu sáng…

Trong triển khai xã nông thôn mới kiểu mẫu, xã Tản Hồng lựa chọn thôn Vân Sa 1 xây dựng mô hình thôn thông minh. Hiện nay thôn Vân Sa 1 đã xây dựng được 13 ngõ tự quản, 100% các hộ dân đều được đánh số nhà. Các trục đường thôn, liên thôn, đường ngõ được cứng hóa, trồng cây xanh, có cây bóng mát, trồng hoa. Cây xanh, sắc hoa đua nhau khoe sắc dọc đường, bộ mặt miền quê trù phú, an lành, đáng sống đang hiện hữu, tạo nên ánh mắt lấp lánh niềm vui của người dân nơi đây.

Dấu ấn khởi sắc trong xây dựng nông thôn mới
Để thực hiện mô hình thôn thông minh, thôn Vân Sa 1 đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng phối hợp với Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ, tổ tự quản “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, khảo sát, hướng dẫn các hộ dân tham gia tìm hiểu chuyển đổi số; các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt ứng dụng và lập tài khoản thanh toán điện tử, hướng dẫn người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng phương thức thanh toán điện tử, giao dịch thương mại điện tử… Thôn cũng thành lập các nhóm Zalo để thuận tiện trao đổi, tuyên truyền giữa chính quyền và người dân. Các ngõ, xóm trong thôn đều đã lắp camera đảm bảo an ninh, trật tự, hệ thống phòng cháy, chữa cháy.

Tự hào về sự đổi thay này, bà Phạm Thị Thủy – Bí thư Chi bộ thôn Vân Sa 1 xã Tản Hồng cho biết “Đây là kết quả từ sự đồng lòng, nỗ lực của toàn thể người dân trong việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Mô hình thôn thông minh sẽ đem lại sự thuận lợi cho người dân. Khi các nhóm Zalo được thành lập, hệ thống quản lý, trao đổi, tuyên truyền thông tin đều được truyền đạt đến 100% hộ gia đình. Từ đó, các hộ dân được tiếp cận với thông tin của xã, thôn một cách nhanh chóng, chính xác, thuận tiện hơn trước”.

Dấu ấn khởi sắc trong xây dựng nông thôn mới
Không chỉ riêng Tản Hồng, đổi thay đến với rất nhiều xã trên địa bàn huyện Ba Vì, đến nay huyện phát triển khởi sắc trên nhiều mặt suốt 15 năm qua. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 29 triệu đồng năm 2008 lên 55,6 triệu đồng người/năm năm 2022. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tích cực, bền vững. Kết cấu hạ tầng đường giao thông, trường học, trạm y tế, trụ sở, nhà văn hóa được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh. 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,05% (năm 2008) còn 0,58% (năm 2022).

Tại xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) cũng có những thay đổi tương tự. Là xã có xuất phát điểm là một trong những địa phương từng gặp khó khăn, đến nay Tiến Xuân đã khoác diện mạo mới. Chẳng khó để thấy đó là điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa… được đầu tư đồng bộ và khang trang. Xã đã được Thành phố, huyện đầu tư, nâng cấp đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, hiện đời sống kinh tế – xã hội của người dân tiếp tục được cải thiện.

Hiện, Tiến Xuân đã có hộ dân đầu tư mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nhiều hộ chăn nuôi quy mô trang trại; phát triển nghề trồng rừng (trên núi cao), trồng cây ăn quả (dưới chân núi); đa số lao động trẻ có việc làm tại các công ty, doanh nghiệp trong vùng… Cùng với diện mạo kinh tế mới, xã tiếp tục có kế hoạch gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống bản sắc dân tộc Mường nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Dấu ấn khởi sắc trong xây dựng nông thôn mới
Nói về những thay đổi của quê hương, bà Bùi Thị Bích Thìn (người dân xã Tiến Xuân) chia sẻ: “Tiến Xuân có 70% là người Mường. Người dân từ lâu đã quen với cây lúa, cây ngô, cây sắn. Vậy nhưng, vùng quê Tiến Xuân giờ đã có nhiều đổi mới. Từ làm nông đơn thuần, người dân nơi đây đã biết làm du lịch, dịch vụ; văn hóa cồng chiêng được bảo tồn và phát huy. Điều tôi thích nhất là các cơ sở trường học trong xã được đầu tư, các cháu có nơi học tập khang trang. Không còn cảnh đường đất ngày mưa thì lầy lội, nắng thì bụi mù, đám trẻ đi học xa vất vả”.
Dấu ấn khởi sắc trong xây dựng nông thôn mới
Là một trong số địa phương của tỉnh Vĩnh Phúc sáp nhập về thành phố Hà Nội, sau 15 năm huyện Mê Linh cũng có sự phát triển vượt bậc, chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Huyện đã có 16/16 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 2/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tháng 6/2022, huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Giao thông được quan tâm đầu tư, có 100% các tuyến đường trục xã, liên xã đã được cứng hóa bằng bê tông hoặc thảm nhựa; 100% các tuyến đường thôn, liên thôn đã được bê tông hóa hoặc nhựa hóa; 100% các tuyến đường ngõ, xóm đã được bê tông hóa; 100% đường trục chính nội đồng đã cứng hóa (bằng bê tông hoặc cấp phối đá dăm) đáp ứng yêu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, phục vụ phát triển kinh tế trong toàn huyện.
Dấu ấn khởi sắc trong xây dựng nông thôn mới
Có thể thấy, Hà Nội đã tập trung đầu tư nhiều nguồn lực cho vùng nông thôn, dẫn tới số các xã, các huyện đạt chuẩn nông thôn mới tăng cao. Ngân sách đầu tư cho các huyện được tăng qua các năm. Giai đoạn 2010-2015, tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là hơn 27 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2016 – 2020, tổng kinh phí huy động là hơn 62 nghìn tỷ đồng. Chỉ tính riêng từ năm 2021 đến nay, Thành phố đã huy động được hơn 46 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, nhiều huyện, thị xã ngoài việc bố trí vốn ngân sách còn đa dạng hóa hình thức xã hội hóa, khai thác được lợi thế của từng địa phương để tạo nguồn vốn đầu tư.

Đánh giá về công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn vừa qua, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới (còn 3 huyện: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Ba Vì đang thẩm định, hoàn thiện hồ sơ); 382/382 (100%) xã đạt chuẩn nông thôn mới; đã có 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Cùng với số huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đến thời điểm hiện nay, Hà Nội có 4 huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND Thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2023. Bên cạnh đó, 2 huyện: Hoài Đức, Thanh Oai phấn đấu hoàn thành huyện Nông thôn mới nâng cao trong năm 2024. Từ những kết quả trên, Hà Nội được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương đứng đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới.

Dấu ấn khởi sắc trong xây dựng nông thôn mới
Trong thời gian tới, để phát triển kinh tế nông thôn, Thành phố đang thúc đẩy thực hiện chương trình mỗi địa phương một sản phẩm (OCOP). Năm 2022, đã phê duyệt 518 sản phẩm OCOP; trong đó, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 271 sản phẩm 4 sao, 246 sản phẩm 3 sao. Lũy kế đến nay, Thành phố có 2.167 sản phẩm OCOP.

Từ những đổi thay của các vùng ngoại thành, có thể thấy thành quả nhân văn nhất của quá trình xây dựng nông thôn mới là an sinh xã hội được quan tâm, đời sống của nhân dân được cải thiện, tính gắn kết cộng đồng ở khu vực nông thôn ngày càng bền chặt, từ đó khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ ngày càng được nâng lên, tạo thế và lực mới cho Thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn.

Dấu ấn khởi sắc trong xây dựng nông thôn mới
Nội dung: Nguyễn Hoa – Phương Ngân; Thiết kế: P.T

https://laodongthudo.vn/dau-an-khoi-sac-trong-xay-dung-nong-thon-moi-158932.html