Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đông Sơn được cấp giấy chứng nhận VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng. |
Từ thực trạng trên, Hội LHPN xã Đông Sơn đã chỉ đạo tuyên truyền, vận động, khảo sát, làm quy trình từng bước để thành lập Hợp tác xã, nhằm nâng cao đời sống của thành viên Hợp tác xã, góp phần xây dựng xã Đông Sơn sớm đạt các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đông Sơn được thành lập ngày 3/8/2022, với 10 thành viên, do chị Trần Thị Thảo làm Giám đốc. Đây là mô hình xuất phát từ ý tưởng khởi nghiệp Đề án 939 “Hỗ trợ Phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp giai đoạn 2018 – 2025” trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
Hợp tác xã có số vốn điều lệ là 500 triệu đồng, diện tích sản xuất 4,97ha, trong đó, diện tích trồng na là 5 – 7ha; ổi 1,9ha và còn lại là rau, củ quả. Các ngành nghề sản xuất tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao như quả nho, quả ổi và các loại rau, củ phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày. Hiện nay, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đông Sơn được cấp giấy chứng nhận VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Chị Bùi Thị Nguyệt – Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Sơn, thành viên Hợp tác xã cho biết, đầu năm 2022, được sự hỗ trợ của Hội LHPN huyện Chương Mỹ trong việc định hướng phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Hội LHPN xã đã tham mưu xây dựng 1 mô hình kinh tế – xã hội với 3 thành viên nòng cốt vừa phát triển mô hình kinh doanh vừa tuyên truyền, vận động thêm các thành viên tham gia mô hình để thành lập Hợp tác xã.
Để thành lập Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp do phụ nữ làm chủ, Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Chương trình, Đề án của Hội cấp trên về xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, nhất là Chỉ thị số 20-CT/TƯ ngày 20/01/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”; tuyên truyền Đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025” của Hội LHPN thành phố Hà Nội; tuyên truyền vận động “Phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới”.
“Đồng thời, Hội LHPN cũng phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức đào tạo, tập huấn và bồi dưỡng kiến thức kinh doanh cho cán bộ, hội viên phụ nữ có mô hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn; tập huấn về phương pháp quảng bá, giới thiệu sản phẩm; hướng dẫn quản lý, điều hành Hợp tác xã. Đặc biệt, phát huy hiệu quả các tổ tiết kiệm và vay vốn; tăng cường sự phối hợp giữa khoa học, công nghệ, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp an toàn; thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh, tư vấn nghiệp vụ cùng nhau phát triển…” – chị Nguyệt chia sẻ.
Hợp tác xã tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao như quả nho, quả ổi và các loại rau, củ phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày. |
Để từng bước nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường, Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Sơn đã xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đưa các sản phẩm tiêu biểu như: Na, ổi, nho, rau an toàn tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại để giới thiệu, quảng bá sản phẩm của địa phương.
Song song với đó, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể đến cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ; vận động hội viên, phụ nữ và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia liên kết sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, từng bước phát triển bền vững, để kinh tế tập thể thực sự trở thành một trong những thành phần kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế địa phương.
Bên cạnh đó, Hợp tác xã cũng đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo thu nhập tốt và thu hút thành viên mới tham gia. Tiếp tục phát triển rộng rãi mô hình kinh tế tập thể với nhiều hình thức, quy mô khác nhau trong các lĩnh vực, đặc biệt là phát triển mô hình Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đông Sơn hoạt động có hiệu quả.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Chương Mỹ, đến nay toàn huyện có 104 hợp tác xã, trong đó 72 hợp tác xã nông nghiệp. Hầu hết các hợp tác xã đã làm tốt các khâu dịch vụ thiết yếu có tính cộng đồng cao liên quan chặt chẽ tới sản xuất của hộ thành viên như: Thủy lợi, khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật, khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt, hạn hán… Đáng chú ý, nhiều hợp tác xã đã nhạy bén thực hiện mô hình sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ giúp người dân nâng cao thu nhập, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. |