Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền chính sách pháp luật về dân tộc, tôn giáo

Sáng 21/7, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị tập huấn tuyên truyền chính sách pháp luật về dân tộc, tôn giáo cho phóng viên, biên tập viên báo, đài Trung ương và địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đợt tập huấn nhằm đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về chính sách dân tộc, truyền thống lịch sử cũng như quan điểm, đường lối, chính sách pháp luật về dân tộc, tín ngưỡng, nâng cao những giá trị về tôn giáo đối với đời sống xã hội.

Từ đó, góp phần xây dựng nhận thức đúng đắn của xã hội về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, chính sách pháp luật; giữ gìn được bản sắc, phát huy truyền thống lịch sử, văn hoá, tăng cường đoàn kết tôn giáo trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội…

Tại hội nghị tập huấn, các biên tập viên, phóng viên đã được giới thiệu về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đóng góp của các dân tộc thiểu số, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước vào việc xây dựng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Đồng thời, tuyên truyền chính sách, pháp luật và chấp hành chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ở các khu vực dân cư, tổ chức, vùng miền; kỹ năng tuyên truyền pháp luật về chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo.

Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền chính sách pháp luật về dân tộc, tôn giáo
Ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vu Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc trình bày về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về dân tộc.

Trình bày về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về dân tộc ở Việt Nam, ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vu Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc cho hay, hiện nay Ủy ban Dân tộc đang tham mưu cho Chính phủ ban hành văn bản thay thế Nghị định 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc, do gặp nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện, không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Ông Thắng cũng giới thiệu các vấn đề về công tác dân tộc, chia làm 3 nhóm: Đặc trưng cơ bản của 53 dân tộc thiểu số; vai trò của dân tộc thiểu số với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; các chính sách về dân tộc thiểu số hiện hành.

Hiện, nước ta có 53 dân tộc thiểu số với 14,123 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Hầu hết các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng núi cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa và tập trung chủ yếu ở một số tỉnh khu vực miền núi phía bắc, Tây Nguyên, Bắc Trung bộ và duyên hải miền trung, và Tây Nam Bộ.

Mặc dù được Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ, đầu tư phát triển nhưng do xuất phát điểm thấp nên đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế – xã hội phát triển chậm, việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn cao. Để tạo điều kiện cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển, công tác tuyên truyền rất quan trọng, nhằm góp phần tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước để phát huy nội lực, vượt qua khó khăn…

Dẫn một số ví dụ thực tiễn, ông Thắng lưu ý báo chí cần tìm hiểu kỹ thông tin, đặc trưng văn hóa của các dân tộc để đưa tin chính xác. Ví dụ dân tộc Sán Chay có người Cao Lan – Sán chi, Cao Lan, Mán Cao Lan; khi đưa tin, không viết “dân tộc Cao Lan”, vì chưa có văn bản nào xác định có dân tộc Cao Lan, mà phải viết chính xác đây là 1 nhánh của dân tộc Sán Chay…

Cũng tại cuộc tập huấn, TS Lê Trung Kiên, Phó Chánh Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ đã trình bày về chính sách pháp luật và kỹ năng tuyên truyền chính sách, pháp luật về tôn giáo.

TS Lê Trung Kiên cũng lưu ý một số nguyên tắc xử lý khi tuyên truyền chính sách, pháp luật về tôn giáo, cụ thể như: Tuân thủ pháp luật; khẳng định lợi ích quốc gia và cộng đồng; phân biệt nhu cầu chính đáng và việc lợi dụng; dân sự hóa vấn đề tôn giáo; công dân hóa chức sắc, tín đồ; sử dụng tôn giáo để định hướng, phản hồi; phát huy giá trị, huy động nguồn lực.

Theo TS Kiên, khi tuyên truyền cần chú ý phê bình hành vi, không phê bình con người; chỉ phê bình hành vi trái pháp luật, không phê bình hành vi trái giáo luật và quy định của tổ chức tôn giáo; chỉ phản ánh “mê tín dị đoan” trong tín ngưỡng, không đặt vấn đề “mê tín dị đoan” trong tôn giáo; không dùng vấn đề tôn giáo tiêu cực để câu view hoặc làm tít các chuyên mục, trang bìa; lựa chọn ngôn ngữ, hình ảnh phù hợp…

H.L

Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền chính sách pháp luật về dân tộc, tôn giáo (laodongthudo.vn)