Đẩy mạnh tuyên truyền để tạo sự đồng thuận

Thực tế cho thấy, để công tác cải tạo chung cư cũ được triển khai đúng kế hoạch, nếu chỉ có quyết tâm và hành động của chính quyền thôi thì vẫn chưa đủ mà cần sự đồng lòng của mỗi người dân Thủ đô nói chung và các cư dân tại các khu chung cư cũ nói riêng.

Sau hơn 40 năm sử dụng, với tình trạng người dân tự ý cơi nới, lấn chiếm, nhà C8 khu tập thể Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, được xây dựng bằng phương pháp lắp ghép các tấm bê-tông lớn từ năm 1970-1971, đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng của thành phố đã tiến hành kiểm định, đánh giá chất lượng và xác định mức độ nguy hiểm nhà C8 ở cấp độ C.

Tòa nhà xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ, khả năng chịu lực của một bộ phận kết cấu không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường… Riêng đơn nguyên số 3, được Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội đã kiểm định và đánh giá mức độ nguy hiểm ở cấp độ D, có khả năng sập đổ.

Từ đó đến nay, năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa bão, Sở Xây dựng Hà Nội lại có văn bản “đốc thúc” UBND quận Ba Đình lên phương án di dời người dân khu nhà C8 để đảm bảo về tài sản và tính mạng người dân. Nhưng cũng từ đó đến nay, trong hơn 100 hộ gia đình tại khu chung cư C8, mới chỉ có 10 hộ đã di dời, số còn lại vẫn sống trong thấp thỏm.

Đẩy mạnh tuyên truyền để tạo sự đồng thuận
Ảnh minh họa

Theo ông Nguyễn Văn Thu, một người dân ở khu chung cư C8 Giảng Võ, cho biết, người dân ở đây đã đồng thuận đến 86% về việc chấp nhận di dời khỏi nhà tập thể cũ. Con số này vẫn là chưa đủ theo quy định của Nghị định 100 để công tác cải tạo tòa nhà C8 có thể tiến hành. Tuy nhiên, giờ đây khi Nghị định số 69/2021/NĐ-CP căn cứ từ “thực tế” đã có nhiều cơ chế, chính sách đột phá, đồng bộ, khả thi, như: Quy định điều kiện phá dỡ và lựa chọn chủ đầu tư chỉ cần tối thiểu 70% chủ sở hữu/sử dụng đồng ý, mong mỏi của ông Thu đã có đủ “cơ sở” hơn để tiến hành các thủ tục tiếp theo.

Nói như vậy để thấy, để công tác cải tạo chung cư cũ được triển khai đúng kết hoạch, nếu chỉ có quyết tâm và hành động của chính quyền thôi thì vẫn chưa đủ mà cần sự đồng lòng của mỗi người dân Thủ đô nói chung và đặc biệt là các cư dân tại khu chung cư cũ nói riêng.

Hiện, theo báo cáo từ Ban chỉ đạo cải tạo chung cư cũ tại các quận, huyện cho thấy, song song với việc xây dựng kế hoạch kiểm định, các địa phương cũng đang thực hiện nghiêm việc lấy ý kiến của người dân, cộng đồng, cơ quan, tổ chức có liên quan khi lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng. Công khai các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt, tổ chức cắm mốc giới tại thực địa theo quy định để người dân biết, thực hiện và giám sát thực hiện. Đây chính là yếu tố cơ bản để người dân cùng giám sát thực hiện từ đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đặc biệt, các địa phương cũng đã sẵn sàng kế hoạch “cưỡng chế” đối với các hộ không chấp hành nhằm đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch cải tạo chung cư cũ đã được phê duyệt.

Mặc dù thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai thực hiện một số bước theo quy định của Nghị định số 69, nhưng nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, tiến độ thực hiện vẫn cần phải nhanh hơn nữa. Đặc biệt trong đó cần sớm tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết khu vực có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại, chưa ban hành tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư, chưa ban hành hệ số K bồi thường để làm cơ sở lập phương án bồi thường…

Đây sẽ là cơ sở để người dân biết khi tham gia lựa chọn chủ đầu tư dự án; các tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư dự án, làm cơ sở cho các nhà đầu tư đăng ký làm chủ đầu tư dự án… từ đó tranh thủ tạo sự đồng thuận và sự tham gia rộng rãi của người dân, làm cơ sở để triển khai nhanh chóng, thuận lợi các cơ chế, chính sách về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo đúng quy định.

Anh Tuấn