Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật

Ngày 7/6, Bộ Tư pháp phối hợp Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức tọa đàm triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật và tình hình thực hiện Đề án tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Vụ trưởng Vụ phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp Lê Vệ Quốc và Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương chủ trì toạ đàm.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật
Toàn cảnh toạ đàm.

Theo Sở Tư pháp Hà Nội, xác định công tác phổ biến giáo dục pháp luật là nhiệm vụ quan trọng, là cầu nối đưa pháp luật đến với cuộc sống, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, do vậy, Thành phố rất quan tâm, triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm và giai đoạn. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn Thành phố đã góp phần quan trọng tạo chuyển biến về tình hình tuân thủ pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân Thủ đô, xây dựng người Hà Nội sống và ứng xử có văn hoá pháp lý, văn minh, thanh lịch, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị và trật tự xã hội, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương – Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội cho biết, qua một năm thực hiện Đề án tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027, các đơn vị thuộc thành phố Hà Nội với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao và điều kiện, tình hình thực tiễn đã chủ động lựa chọn những văn bản pháp luật có tác động lớn tới đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân trên địa bàn Thành phố, được dư luận quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền trên Cổng/Trang thông tin điện tử của đơn vị.

Thành phố Hà Nội thường xuyên, liên tục triển khai các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật dưới hình thức đa dạng, phong phú. Bên cạnh thực hiện hình thức phổ biến giáo dục pháp luật truyền thống, các cơ quan đơn vị, địa phương đã sáng tạo, áp dụng nhiều hình thức, mô hình phổ biến giáo dục pháp luật mới hiệu quả, tiết kiệm được nguồn lực, phù hợp với đối tượng, địa bàn và tình hình kinh tế – xã hội ở địa phương, đẩy mạnh việc phổ biến giáo dục pháp luật qua phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cũng được chú trọng thông qua công tác xét xử, hoạt động trợ giúp pháp lý, hoà giải ở cơ sở, lồng ghép trong hoạt động của tổ chức đoàn thể, câu lạc bộ, tủ sách pháp luật.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn Thành phố vẫn còn một số tồn tại: Một số ngành, tổ chức, địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác quản lý nhà nước về phổ biến giáo dục pháp luật nên chưa chủ động trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

Đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật hoạt động kiêm nhiệm, có trình độ không đồng đều, trình độ đội ngũ này nhiều nơi còn thấp, nhất là tại ở cơ sở. Một số báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật chưa thực sự tâm huyết, sáng tạo, chưa dành nhiều thời gian cho việc tìm hiểu, nghiên cứu, cập nhật quy định mới của pháp luật và trau dồi kiến thức, kỹ năng tuyên truyền.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật
Vụ trưởng Vụ phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp Lê Vệ Quốc phát biểu tại toạ đàm.

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù được tổ chức thường xuyên nhưng chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu cho đối tượng cũng như hình thức, nội dung tuyên truyền theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Một số hoạt động phổ biến giao dục pháp luật còn mang tính hình thức….

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu, đại diện các Sở đã trao đổi, thảo luận, làm rõ một số khó khăn trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

Phát biểu tại toạ đàm, Vụ trưởng Vụ phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp Lê Vệ Quốc cho biết: Tại Hà Nội, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tình hình thực hiện Đề án 407 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai bằng các hoạt động cụ thể, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống xã hội. Tuy nhiên nhận thức về nội dung, yêu cầu nhiệm vụ giải pháp đặt ra trong Quyết định số 407 chưa thực sự đồng đều giữa các Sở, ban, ngành, các tổ chức.

Theo Vụ trưởng Vụ phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, giải pháp căn cơ để thực hiện hiệu quả Đề án tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027 là huy động sự vào cuộc của cơ quan báo chí, huy động nguồn lực xã hội gồm tài chính hoặc trí tuệ, kinh nghiệm của các chuyên gia, người làm khoa học, các cơ sở đào tạo trên địa bàn Thủ đô.

N.Hoa
https://laodongthudo.vn/day-manh-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-pho-bien-giao-duc-phap-luat-156806.html