Đẩy nhanh chuyển đổi số để hướng đến xã hội số

Thời gian qua, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về chuyển đổi số. Với bước đi và lộ trình phù hợp, đến nay, chuyển đổi số của Thành phố đã đạt những kết quả quan trọng: Chính quyền số được quan tâm đầu tư; hạ tầng số được thúc đẩy; kinh tế số, xã hội số phát triển mạnh…

Nhiều bước tiến tích cực

Là địa phương đi đầu cả nước trong việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ công dân khi tham gia thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, chuyển đổi số trong việc thực hiện tương tác với chính quyền, cải cách hành chính là một nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong công tác chỉ đạo, điều hành được các cấp chính quyền thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm.

Đẩy nhanh chuyển đổi số để hướng đến xã hội số
Cán bộ, công chức thuộc Sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố tham dự tập huấn sử dụng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thế hệ mới của Thành phố. Ảnh: N.Hoa

Các địa phương chủ động triển khai phong phú hình thức phục vụ người dân như: Mô hình “Ngày không chờ” tại bộ phận “một cửa” của Ủy ban nhân dân (UBND) phường Quán Thánh (quận Ba Đình), mô hình “Một cửa thân thiện, hiện đại, gần dân” tại UBND huyện Chương Mỹ. Mô hình “Ngày không giấy hẹn” tại các phường Bưởi, Tứ Liên, Thụy Khuê (quận Tây Hồ) đã thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ công. Người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính tại nhà thông qua việc quét mã QR Code để nhập hồ sơ, tra cứu thông tin qua Cổng dịch vụ công của Thành phố và trang thông tin điện tử của phường.

Đây là những hướng đi đúng đắn, có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Đồng thời, việc chủ động, sáng tạo của các đơn vị cũng góp phần hoàn thành kế hoạch cải cách hành chính của thành phố Hà Nội, giúp người dân thêm tin tưởng vào quá trình cải cách thủ tục hành chính của Thành phố.

Bày tỏ sự hài lòng khi đến giải quyết thủ tục hành chính tại phường, bà Hoàng Thị Đào (Tổ dân phố số 6, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ) cho biết: “Thay vì phải mất thời gian chờ một ngày mới nhận được thủ tục cấp bản sao trích lục khai sinh cho cháu, sau 15 phút bà đã được giải quyết và nhận kết quả nhờ đi làm thủ tục vào ngày thứ Hai. Mô hình “Thứ Hai ngày không giấy hẹn” đang được triển khai tại bộ phận “một cửa” rất tiện lợi. Tôi rất hài lòng với việc giải quyết thủ tục hành chính này. Mô hình được duy trì sẽ không ai phải chờ đợi, chúng tôi tiết kiệm được nhiều thời gian để làm các công việc khác”.

Không chỉ riêng các thủ tục hành chính được thuận lợi, tại các Tổ dân phố cũng xuất hiện cách làm hay đem lại hiệu quả trong công cuộc chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử. Đến Tổ dân phố 7, phường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm), dễ dàng thấy các hoạt động quản lý, điều hành của Chi bộ, Tổ dân phố và các chi hội đoàn thể đã được ứng dụng công nghệ thông tin.

Ông Nguyễn Mạnh Hoạt, Bí thư Chi bộ cho biết, Tổ dân phố 7 đã triển khai xây dựng “Dữ liệu dân cư” và mô hình “Tổ dân phố điện tử”. Từ giai đoạn 2018 – 2019, đến nay, sau khi hoàn thành việc xây dựng dữ liệu dân cư của Tổ dân phố 7 đã giúp nhân dân thực hiện nhiều thủ tục hành chính dịch vụ công mức độ 3 như khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, xác định tình trạng hôn nhân.

Từ mô hình “Tổ dân phố điện tử”, chỉ với vài lần “nhấp chuột” trên máy tính, các chi ủy viên, lãnh đạo tổ dân phố và các đoàn thể Tổ dân phố số 7 đã có thể khai thác được những thông tin cần thiết như trình độ dân trí, dân số, tuổi tác, địa chỉ dân cư trên bản đồ số. Nhờ đó, công tác quản lý dân cư của Tổ dân phố số 7 rất hiệu quả, tránh được những nhầm lẫn về số liệu như trước đây.

Tổ dân phố 7 cũng thành lập 2 nhóm zalo với nội dung phục vụ và điều hành các hoạt động Tổ dân phố do Tổ trưởng Tổ dân phố phụ trách. Trong đó, nhóm zalo “Diễn đàn Tổ dân phố 7” có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của phường. Ngày mới thành lập, nhóm chỉ có trên 60 thành viên, đến thời điểm này, nhóm đã có trên 220 thành viên, trong tổng số 280 gia đình đăng ký “Gia đình văn hóa” ở Tổ dân phố, như vậy “đã phủ kín” được 78% số gia đình trên địa bàn.

Tích cực xây dựng chính quyền số, công dân số

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố Hà Nội đã nhận thức nghiêm túc, sâu sắc, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp, giải pháp để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân trong triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 Thành phố, bảo đảm kịp thời, đúng tiến độ.

Tính đến ngày 10/6/2023, tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố là 1.875 thủ tục hành chính, trong đó cấp Sở, cơ quan tương đương Sở là 1.385 thủ tục, cấp huyện là 339 thủ tục và cấp xã là 151 thủ tục. Các sở, ngành Thành phố đã phê duyệt 428 quy trình; các quận, huyện, thị xã ban hành 1.684 quy trình; cấp xã ban hành 2.962 quy trình và 113 quy trình liên thông cấp xã và huyện.

Đẩy nhanh chuyển đổi số để hướng đến xã hội số
Người dân được nhận kết quả ngay mà không cần giấy hẹn khi làm thủ tục hành chính tại phường Thụy Khuê vào ngày thứ Hai. Ảnh: N.Hoa

Hà Nội là một trong các tỉnh/thành phố đầu tiên đảm bảo đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Các chỉ số xếp hạng, đánh giá liên quan đến chuyển đổi số năm 2022 được nâng cao, trong đó có chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) xếp thứ 24/63 tỉnh/ thành phố, tăng 16 bậc so với năm 2021.

Tính đến ngày 28/6/2023, toàn Thành phố đã kích hoạt 4.220.601/6.220.864 tài khoản định danh điện tử, đạt tỉ lệ 67,8%. Bên cạnh việc ban hành các chương trình, kế hoạch để triển khai các nhiệm vụ cụ thể, UBND Thành phố đã tập trung chỉ đạo để trong thời gian ngắn, các hệ thống lớn, dùng chung toàn thành phố đã hoàn thành gồm: Hệ thống thông tin báo cáo; hệ thống quản lý văn bản và điều hành; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.

Cùng với đó là các quy định, quy chế kèm theo để đảm bảo vận hành, khai thác các hệ thống thông tin như: Quy chế đảm bảo an toàn thông tin trong hoạt động cơ quan Nhà nước Thành phố đã hoàn thành trong quý I/2023; quy chế hoạt động hệ thống thư điện tử Thành phố. Trung tâm Dữ liệu chính của Thành phố đang được tập trung triển khai để sớm đưa vào khai thác, sử dụng trong quý IV/2023…

Về công tác chuyển đổi số, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết, Thành phố đã xây dựng, ban hành các quy chế quản lý, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của thành phố, ban hành quy định về mức phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến với mức thu bằng “0” áp dụng cho các tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ thực hiện các dịch vụ công theo hình thức trực tuyến, thực hiện đến hết ngày 31/12/2025.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, một số quận, huyện đã nhận thức vai trò của chuyển đổi số và chủ động trong việc đề xuất, triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số. Việc khai thuế điện tử đã được áp dụng phổ biến với tỷ lệ 99,5% doanh nghiệp đang hoạt động khai thuế qua mạng; trên 99,1% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử; 100% hồ sơ hoàn thuế được xử lý điện tử. Đến nay, Thành phố đã cấp được 12.188 chữ ký số cho cán bộ, công chức. Thành phố đã thực hiện kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan, đơn vị trực thuộc thành phố với các bộ, ngành theo quy định.

Nguyễn Hoa

Đẩy nhanh chuyển đổi số để hướng đến xã hội số (laodongthudo.vn)