Đề cao thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nhân lực chất lượng cao

Chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là chính sách được kế thừa và phát triển từ quy định của Luật Thủ đô 2012. Điều 13 Luật Thủ đô 2012 quy định “Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội được ban hành chính sách trọng dụng nhân tài”.

Nhiều bất cập trong quy định cũ

Trên cơ sở quy định cũng như việc áp dụng một số quy định khác của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 quy định về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, các quy định này đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Nội dung của quy định mới chỉ tập trung vào việc thu hút nhân tài mà chưa quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phạm vi các đối tượng được áp dụng chính sách trọng dụng còn hạn chế; số lượng người được tuyển dụng nói chung còn khiêm tốn so với số người thực tế thuộc các nhóm đối tượng được thu hút; tiêu chí xác định để tuyển dụng, thu hút nhân tài chủ yếu là thông qua bằng cấp như: Tốt nghiệp đại học loại xuất sắc; có học vị tiến sĩ… mà chưa quan tâm đến những người có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn.

Đề cao thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nhân lực chất lượng cao
Sinh viên Trường Cao đẳng công nghệ cao Hà Nội trong giờ thực hành nghề. Ảnh minh họa

Đáng chú ý, chất lượng đội ngũ công chức, viên chức được tuyển dụng theo chính sách này, qua đánh giá của các cơ quan, đơn vị sử dụng thì hầu hết chưa có thành tích vượt trội, nổi bật so với những công chức, viên chức được tuyển dụng theo những quy định chung. Kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ một lần theo tinh thần của Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND còn thấp.

Ngoài ra, các đối tượng được tuyển dụng theo chính sách thu hút của Thành phố không được hưởng thêm chính sách ưu đãi nào khác về lương và thu nhập so với các cán bộ, công chức, viên chức khác. Đặc biệt, Thành phố chưa thu hút được các nhóm đối tượng như: chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân… do chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc thích hợp.

Kết quả trên cho thấy chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài của Thành phố chưa đủ sức hấp dẫn, về cơ bản chưa đáp ứng được mục tiêu như mong muốn. Chính vì vậy, để đáp ứng được yêu cầu phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra nhiệm vụ cần “có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế”.

Nhiều điều khoản thu hút nhân tài trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Để cụ thể hóa yêu cầu tại Nghị quyết 15, Điều 17 dự thảo Luật đã thiết kế 2 khoản, khoản 1 là về thu hút, trọng dụng nhân tài và khoản 2 là về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô. Đối tượng thu hút bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài có năng lực vượt trội, trình độ chuyên môn cao, tài năng đặc biệt trong một số lĩnh vực và có kinh nghiệm thực tiễn, có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô.

Các đối tượng là công dân Việt Nam sẽ được hưởng các chế độ đãi ngộ như được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức và hưởng các chế độ, chính sách do HĐND thành phố Hà Nội quy định; được ký hợp đồng vào làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập; các đối tượng là người nước ngoài được ký hợp đồng để thực hiện một số nhiệm vụ trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục với chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp.

Đề cao thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nhân lực chất lượng cao
Những người thợ có tay nghề cao hội tụ, tranh tài tại Hội thi thợ giỏi thành phố Hà Nội năm 2023 do UBND và LĐLĐ thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức. Ảnh minh họa

Nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đã quy định các chính sách hỗ trợ từ ngân sách Thành phố để đầu tư cho việc phát triển cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia có đa cấp học; đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên của Thủ đô; bên cạnh đó, hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao…phục vụ cho định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hút đầu tư nước ngoài. Đây có thể xem là các nội dung rất quan trọng, nhằm tạo ra “cú hích” trong cơ chế thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Thủ đô.

Để quy định có tính khả thi hơn, nhiều ý kiến cho rằng cần trao quyền cho HĐND Thành phố ban hành văn bản quy định cụ thể hơn các đối tượng cần thu hút, có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ.

Để thu hút và giữ chân được người tài, cũng cần lưu ý đến một số điều kiện đảm bảo khác như xây dựng môi trường làm việc dân chủ, thân thiện, có sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau. Một môi trường làm việc khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới, tạo điều kiện cho người tài thăng tiến và cống hiến chính là yếu tố quyết định để giữ chân và phát huy tiềm năng của nhân tài. Bởi lẽ, môi trường mà ở đó, họ được khẳng định chính mình, bộc lộ năng lực sở trường, được tôn trọng và trọng dụng là điều quan trọng hơn cả đối với nhân tài, thậm chí còn có vai trò, ý nghĩa quan trọng hơn cả chế độ đãi ngộ, lương bổng.

Nên có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội

Ở góc độ tổ chức Công đoàn, đại diện cho đoàn viên, người lao động, nhiều cán bộ Công đoàn Thủ đô đã có những ý kiến góp ý sâu sắc vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nhất là những ý kiến góp ý liên quan chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nhân lực chất lượng cao. Chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ) huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Thủy cho rằng, nên đưa vào Dự Luật cơ chế chính sách thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao cụ thể như: Tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp thủ khoa các trường đại học, tốt nghiệp đại học, thạc sĩ du học tự túc ở nước ngoài về có nguyện vọng làm việc trong cơ quan Nhà nước với định mức lương khi vào làm việc gấp 3-5 lần mức lương hiện tuyển dụng công chức, hưởng lương ngạch bậc theo quy định hiện hành. Đồng thời tập trung vào một số lĩnh vực cần nhân lực chuyên sâu như quy hoạch quản lý đô thị; giao thông đô thị; quản lý xử lý môi trường; khoa học, công nghệ; công nghệ vật liệu mới…

Chung quan điểm này, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Trương Hải Yến bày tỏ: Về chính sách thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực, đây là một chính sách đúng đắn, cần thiết mà Hà Nội đã thực hiện nhiều năm qua nhưng chưa có hiệu quả. Nguyên nhân do chính sách đãi ngộ chưa tốt, chưa có sức thu hút và chưa sử dụng đúng nhân lực… gây lãng phí nhân tài. Vì vậy, đề nghị bổ sung một số nội dung trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm quy định sự ràng buộc giữa quyền và trách nhiệm cá nhân người lãnh đạo, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong tuyển dụng nhân tài; tránh việc lạm dụng chức quyền để tuyển dụng sai quy định và vụ lợi.

Còn Chủ tịch LĐLĐ huyện Thanh Trì Nguyễn Danh Huy đề nghị Luật sửa đổi nên tập trung vào những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội và cụ thể trong thu hút nhân tài, ví dụ như chính sách cơ chế thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, đi sâu tập trung vào một số lĩnh vực cần nhân lực chuyên môn sâu, cao (như lĩnh vực quy hoạch quản lý đô thị; giao thông đô thị; quản lý xử lý môi trường; y tế, giáo dục, khoa học công nghệ…).

“Nguồn nhân lực chất lượng cao có thể là những chuyên gia, nhà khoa học ở những nước tiên tiến, những người có kinh nghiệm làm việc chuyên môn có thực tế, để họ có thể chủ động thực hiện những chương trình, kế hoạch đáp ứng sự phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố” – ông Nguyễn Danh Huy nêu.

Tú Anh