Để chính quyền đô thị vận hành thông suốt

Có thể nói, sau gần hai năm thực hiện thí điểm, việc tổ chức chính quyền đô thị tại 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây đang tạo nên những đổi thay, tiến bộ rõ nét trong quản lý, hoạt động của chính quyền cơ sở.

Thuận tiện hơn trong giải quyết thủ tục hành chính

Chị Nguyễn Thúy Hà, trú tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ cho hay, chị thường xuyên phải đi chứng thực bản sao giấy tờ cho công ty. “Gần hai năm nay, tôi thấy việc giải quyết thủ tục hành chính ở các phường nhanh hơn hẳn, tôi chỉ cần đợi 15-20 phút là được lấy hồ sơ ngay, chứ không phải hẹn ngày khác đến nhận như trước đây. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ cũng có thái độ lịch sự, hướng dẫn tận tình, nhiều Ủy ban nhân dân (UBND) phường đã trang bị máy tính, máy tra cứu dữ liệu, máy lấy số tự động… rất tiện cho giao dịch”, chị Hà cho biết.

Để chính quyền đô thị vận hành thông suốt
Thực hiện chính quyền đô thị, người dân làm thủ tục chứng thực tại các phường thuận tiện hơn. Ảnh: HL

Từ đầu năm đến nay, Đoàn kiểm tra công vụ thành phố Hà Nội đã kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại nhiều phường thuộc các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm…. Tại các phường được kiểm tra, việc giải quyết thủ tục chứng thực đều rất nhanh chóng, không có tình trạng chậm muộn.

Có thể thấy, việc Chủ tịch UBND phường ủy quyền cho công chức tư pháp hộ tịch trực tiếp ký chứng thực đã thực sự tạo nên cải cách lớn trong giải quyết thủ tục chứng thực bản sao – thủ tục chiếm số lượng nhiều nhất trong số các thủ tục hành chính được giải quyết ở cấp phường. Bà Vũ Thị Thủy – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy cho hay: Việc ủy quyền ký chứng thực đã giúp cho quy trình giải quyết thủ tục nhanh hơn, thuận tiện hơn. Qua việc triển khai thực hiện, đa số người dân trên địa bàn phường đều bày tỏ sự hài lòng vì hồ sơ được giải quyết nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Từ hiệu quả thực tiễn của việc thực hiện thí điểm, ông Phạm Thanh Cao – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, Sở Tư pháp Hà Nội sẽ đề nghị mở rộng quy định về ủy quyền ký chứng thực tại UBND các xã, thị trấn, nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi ích từ việc ủy quyền ký chứng thực.

Tinh gọn tổ chức bộ máy chính quyền các phường

Bên cạnh “điểm nhấn” về giải quyết thủ tục chứng thực cho người dân, việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, với việc không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp phường tại thành phố Hà Nội còn giúp tinh gọn tổ chức bộ máy chính quyền các phường. Mặc dù không tổ chức HĐND phường, nhưng quyền dân chủ và giám sát của người dân vẫn được đảm bảo, thông qua việc tăng cường hơn các hình thức giám sát trực tiếp của nhân dân, hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức chính trị xã hội.

UBND các phường cũng tăng cường tổ chức hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu với nhân dân. Sau mỗi hội nghị đối thoại, ngoài những kiến nghị, phản ánh được trả lời trực tiếp tại hội nghị, các ý kiến khác được tổng hợp, phân loại giao cho các công chức chuyên môn giải quyết, hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết… Nhiều ý kiến cho rằng, việc không tổ chức HĐND cấp phường cần thực hiện chính thức luôn sau khi kết thúc thí điểm.

Từ thực tiễn quản lý, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân cũng cho rằng, việc áp dụng chính quyền đô thị, đã bảo đảm được mục đích phục vụ người dân tốt hơn, thuận tiện, thông suốt hơn; hiệu lực quản lý và điều hành của chính quyền thống nhất. UBND phường được đề xuất các chương trình, dự án đầu tư công dùng vốn ngân sách Nhà nước; thực hiện chương trình, dự án đầu tư công theo phân cấp quản lý.

Ông Nguyễn Đình Khuyến – Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cũng nhìn nhận, việc Chủ tịch UBND phường ủy quyền ký chứng thực cho công chức tư pháp hộ tịch là một đột phá trong cải cách hành chính, được giải quyết hồ sơ ngay nên người dân rất phấn khởi.

“Mô hình chính quyền đô thị giúp cho việc điều hành quản lý của quận với các phường thuận lợi hơn, Chủ tịch UBND quận chủ động hơn trong sắp xếp bộ máy, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển công chức giữa các bộ phận quản lý, nên nếu có vị trí nào yếu kém thì điều chuyển được ngay. Tại các phường, Chủ tịch UBND phường trong vai trò là thủ trưởng cơ quan hành chính thì việc điều hành cũng rõ nét, hiệu quả hơn”, ông Khuyến cho biết.

Nhiều lãnh đạo UBND phường cũng chia sẻ, với những quy định mới trong mô hình chính quyền đô thị, họ có quyền tự quyết định và chịu trách nhiệm cá nhân về mọi vấn đề trong phạm vi thẩm quyền phường mình quản lý, do đó, việc quản lý tập trung thống nhất, chủ động hơn, quyết định nhanh được những vấn đề cấp bách tại địa phương…

Gỡ vướng về biên chế và cơ chế tài chính

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi không đồng bộ giữa công chức UBND và cán bộ khối Đảng, đoàn thể phần nào ảnh hưởng đến tâm tư của cán bộ khối Đảng, đoàn thể và thiếu sự đồng bộ, thống nhất quản lý biên chế cán bộ, công chức phường khi chỉ công chức thuộc UBND phường được liên thông thành công chức cấp quận. Theo mô hình quản lý mới, Chủ tịch UBND phường là thủ trưởng một cơ quan hành chính tương đương cấp phòng thuộc quận nhưng phụ cấp trách nhiệm lại chưa được hưởng tương đương…

Bên cạnh những kết quả đáng mừng trên, thực tiễn tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội cũng còn những khó khăn nhất định. Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, với cơ chế quản lý tài chính thí điểm đang thực hiện, các phường không chủ động được kinh phí khi phải xử lý ngay những vấn đề như về trật tự đô thị, giải tỏa vi phạm… Đây là vướng mắc lớn nhất.

Một khó khăn lớn, theo nhiều đơn vị là định biên công chức cho cấp phường. Theo quy định hiện hành, số biên chế công chức phường về cơ bản bằng mức bình quân công chức cấp xã, mà chưa có cơ chế chính sách đặc thù đối với các phường có quy mô dân số lớn. “Tuy Chủ tịch UBND quận được giao thẩm quyền chủ động, có thể cân nhắc bố trí phường này 14 người, phường kia 16 người tùy theo đặc thù, nhưng tại quận Tây Hồ, các phường đều là phường loại 1, trong khi đó lại có những phường rất đông dân, công việc quá tải, vẫn chỉ có 15 biên chế, nên có muốn “co kéo” cũng khó”, ông Khuyến cho biết.

Là quận có tốc độ đô thị hóa mạnh, dân số cơ học tăng nhanh, ông Nguyễn Công Hiệp, Trưởng phòng Nội vụ quận Hoàng Mai cho biết, từ thực tiễn thực hiện thí điểm, quận Hoàng Mai kiến nghị trong giao, phân bổ chỉ tiêu biên chế hành chính sự nghiệp hằng năm, bên cạnh việc giao số lượng biên chế theo vị trí việc làm, Thành phố cần quan tâm, tính toán đến các yếu tố thực tiễn của từng địa phương như dân số, tốc độ đô thị hóa; khối lượng công việc… để cơ sở phân bổ, giao chỉ tiêu phù hợp với từng địa phương.

Phương Thảo