10 năm trước, Luật Thủ đô được ban hành với mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại, an ninh, an toàn, tiêu biểu cho cả nước, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng. Luật đã quy định những chính sách mới có tính đặc thù, những tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định nghiêm ngặt hơn nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc của Thủ đô trong thời gian trước đây và cả hiện nay như: vấn đề quy hoạch, chỉnh trang đô thị, đô thị hóa, phát triển nhà ở, phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trước sức ép di dân cơ học tăng nhanh dẫn đến ùn tắc giao thông, quá tải về hạ tầng, ô nhiễm môi trường…
Một góc Hồ Gươm. Ảnh: Nguyễn Công |
Tuy nhiên, qua 9 năm thi hành Luật cho thấy, việc thực hiện các mục tiêu mà Luật Thủ đô hướng đến còn nhiều khó khăn, thách thức. Các cơ chế, chính sách trong Luật Thủ đô chưa phát huy được hiệu quả, tác động khá khiêm tốn đến sự phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô. Nhiều vấn đề phát triển của Thủ đô còn chưa thực sự được giải quyết bằng quy định của Luật Thủ đô và những bất cập, vướng mắc về thể chế nói chung đang làm chậm tiến trình phát triển, xây dựng Thủ đô.
Đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội – PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhìn nhận, từ khi ban hành Luật Thủ đô năm 2012 đến nay, thực tiễn cuộc sống đã có quá nhiều sự thay đổi. Chính vì thế, cần sửa đổi, ban hành Luật Thủ đô để tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển tương xứng với vị thế và tiềm lực vốn có.
Góp ý kiến xây dựng Luật Thủ đô, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhìn nhận, trong suốt chiều dài lịch sử, từ khi Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Tràng An – Ninh Bình ra Thăng Long – đất Rồng bay đến hôm nay, Thủ đô Hà Nội luôn có lợi thế hơn hẳn các địa phương khác về nguồn nhân lực có chất lượng. Tuy vậy, lợi thế đó cũng chưa đủ khả năng đáp ứng yêu cầu công nghiệp và hiện đại hoá Thủ đô. Do đó, phải có chính sách ưu tiên đầu tư cho việc đào tạo nâng cao năng lực cho công dân Thủ đô, và cùng với đó là chính sách thu hút sử dụng nhân tài từ các cơ quan Trung ương và các địa phương cả nước.
Là một người con của Hà Nội, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, GS.TSKH Đặng Hùng Võ mong muốn Luật Thủ đô sớm được sửa đổi và đưa ra được chính sách đặc thù, tạo cơ sở để Hà Nội khai thác được vốn hóa đất đai hiệu quả nhất, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội…
Đúng như góc nhìn của các chuyên gia, nhà khoa học, công cuộc xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” đang đặt ra những yêu cầu mới cao hơn và để đạt mục tiêu này, Hà Nội cần có cơ chế pháp lý mới. Đó phải là những chính sách đặc thù, vượt trội, thật sự khả thi, giúp cho Thủ đô khơi dậy và phát huy được tiềm năng, thế mạnh riêng có của mình. Và việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô cùng các văn bản quy định chi tiết đang được đặt ra một cách cấp bách. Đây cũng là nhiệm vụ được nêu rõ trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
“Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”
Với kinh nghiệm có được từ thi hành Luật Thủ đô năm 2012, từ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, căn cứ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được Thành phố nỗ lực phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện.
Các chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật hướng tới tạo cơ chế để hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền Thành phố tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển, quản lý Thủ đô trong giai đoạn mới. Tăng cường phân quyền, phân cấp cho Thành phố nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm; có cơ chế kiểm soát quyền lực, thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Các cơ chế, chính sách mới phải có tính chất đặc thù, vượt trội về mặt thể chế, phù hợp với vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, phù hợp điều kiện thực tiễn và mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” để hướng đến 4 định hướng trụ cột lớn: Chính quyền đô thị; cơ chế tài chính ngân sách và thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển Thủ đô và Vùng Thủ đô; phát triển đô thị – nông thôn; phát triển văn hóa – xã hội và khoa học – công nghệ…
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố cho biết, 9 chính sách được đề xuất sửa đổi, bổ sung vào Luật là những nội dung mới, hướng đến việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp đặc thù, vượt trội, phù hợp với tình hình thực tiễn, định hướng phát triển đất nước, Thủ đô trong giai đoạn mới…
Đặt tạm sang một bên những thách thức vẫn còn, cùng với cả nước, Hà Nội đang đón Xuân mới với sự khởi sắc của kinh tế xã hội sau thời gian dài đại dịch, với tình cảm, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước từ tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị. Chắc chắn rằng, khi có thêm “tấm áo pháp lý” mới – Luật Thủ đô sửa đổi dự kiến được ban hành trong năm 2023, sẽ tạo thể chế phù hợp để Hà Nội bứt phá, sớm đạt mục tiêu xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
Để triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, thực hiện tốt vai trò hạt nhân Vùng Thủ đô điều kiện cần là phải đẩy nhanh việc sửa đổi Luật Thủ đô, tạo cơ sở pháp lý, nền tảng để Hà Nội phát triển xứng tầm khu vực và thế giới. |