Chiều 3-10, Đoàn giám sát số 2 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn làm Trưởng đoàn đã làm việc với Quận ủy Hoàn Kiếm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Báo cáo với Đoàn giám sát về việc thực hiện các chương trình, nghị quyết trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, Chương trình 06-CTr/TU, Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy đã được Quận ủy, HĐND, UBND quận triển khai nghiêm túc qua việc kịp thời xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án và tổ chức triển khai hiệu quả gắn với các nhiệm vụ chuyên môn cụ thể của từng ngành, lĩnh vực.
Trong đó, công tác tuyên truyền, giáo dục, quảng bá được triển khai sâu rộng bằng nhiều hình thức, được đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm, hưởng ứng.
Từ năm 2021 đến nay, quận đã hoàn thành tu bổ, tôn tạo 5 di tích; xây dựng mới 2 trường học; thực hiện nhiều dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp trường học, trạm y tế, phòng khám của trung tâm y tế đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, quận tăng cường thu hút nguồn lực xã hội đầu tư, phát triển văn hóa tại một số công trình như, tu bổ đồ thờ tại đình Kim Ngân (phường Hàng Mã); tu bổ chùa Pháp Bảo Tạng (phường Hàng Đào); tu bổ cấp thiết đình Đông Môn tại số 8 Hàng Cân; bảo tồn tranh Hàng Trống…
Ngoài ra, quận đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành tổ chức các chương trình tham quan “Hành trình Di sản” cho du khách nhằm gìn giữ, phát huy giá trị di sản và quảng bá, giới thiệu các điểm đến trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, từng bước góp phần nâng cao nhận thức và tình yêu của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.
Cũng theo lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, quận luôn xác định các công trình kiến trúc lịch sử, văn hóa, không gian sáng tạo là thế mạnh có giá trị lớn, tạo đòn bẩy quan trọng tạo ra chuyển đổi cơ cấu, tỷ trọng kinh tế từ thương mại, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ sang thương mại, du lịch, dịch vụ. Vì thế, bình quân tốc độ tăng trưởng doanh thu thương mại – dịch vụ giai đoạn 2020-2023 ước đạt 9,8%, trong đó doanh thu ngành du lịch đạt 21,4 % (chỉ tiêu nhiệm kỳ 20%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 98,04% (đạt chỉ tiêu nhiệm kỳ 98-99%).
Với những nỗ lực đó, Hoàn Kiếm đã trở thành một điểm đến thân thiện, an toàn và thú vị, là nơi du khách ghé thăm khi đến Hà Nội. Đặc biệt là không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm là mô hình thành công về tổ chức phố đi bộ trong cả nước.
Bên cạnh những kết quả đó, Quận ủy Hoàn Kiếm cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, như: Các phường không có thiết chế văn hóa, thể thao. Quận không có đủ quỹ đất để đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao đạt yêu cầu. Các trường học có diện tích hạn chế, nhiều điểm lẻ, nằm trong ngõ nên gặp khó khăn trong việc quy hoạch, xây dựng để đảm bảo công năng đáp ứng yêu cầu của ngành giáo dục. Việc triển khai xây dựng dự án trong khu vực nội đô lịch sử hay khu vực ngoài đê còn những hạn chế nhất định về tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng và đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Trong khi đó, nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển văn hóa, du lịch chưa đáp yêu cầu; nhiều chuyên ngành lĩnh vực văn hóa khó tuyển dụng lao động…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, thành phố Hà Nội rất quan tâm đến phát triển văn hóa, du lịch; đã ban hành các chương trình, nghị quyết, phân cấp, ủy quyền thực hiện các thiết chế văn hóa; đồng thời bố trí nguồn vốn rất lớn cho 3 chương trình y tế, văn hóa, giáo dục. Ngoài kinh phí của thành phố, các quận, huyện, thị xã cũng dành kinh phí với tổng gần 100 nghìn tỷ đồng để đầu tư cho lĩnh vực này, trong đó có quận Hoàn Kiếm.
Ghi nhận những kết quả Quận ủy Hoàn Kiếm đạt được trong thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU nghiêm túc, trách nhiệm, bài bản, quyết tâm cao và có nhiều mô hình sáng tạo, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị quận thời gian tới cần rà soát các chỉ tiêu chung của thành phố; nỗ lực khắc phục những tồn tại, hạn chế để thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU đạt kết quả cao hơn nữa.
Trong đó, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị quận Hoàn Kiếm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền; rà soát chỉ tiêu, đưa ra lộ trình hoàn thành, đồng thời phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc.
“Quận cần tập trung tháo gỡ khó khăn về vốn, về xã hội hóa cho các dự án văn hóa, du lịch; đồng thời có giải pháp chỉnh trang, khai thác 2 bên sông Hồng, quản lý tốt hơn nữa phố đi bộ để Hoàn Kiếm luôn trở thành điểm đến thân thiện, an toàn của du khách”- đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Việt Tuấn
Để Hoàn Kiếm luôn trở thành điểm đến thân thiện, an toàn của du khách (hanoimoi.vn)