Những năm trước, vợ chồng anh Phạm Tiến Nhiệm (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) thường xây dựng kế hoạch nghỉ hè cho con theo từng giai đoạn. Trong đó, thời gian đầu, vợ chồng anh sẽ đưa con đi du lịch ít hôm rồi gửi về quê để con có cơ hội trải nghiệm cuộc sống thực tế, tăng thêm sự kết nối với ông bà, cô, dì, chú, bác. Thời gian còn lại, vợ chồng anh sắp xếp cho con tham gia các lớp học tiếng Anh, học bơi, võ thuật, kỹ năng sống… và cả ôn tập lại kiến thức cũ để chuẩn bị bước vào năm học mới. Thế nhưng, mùa hè năm nay, mọi kế hoạch đều bị xáo trộn và không thể thực hiện.
“Năm nay, dịch bệnh nên các con không thể đi chơi cũng không thể về quê với ông bà. Những ngày đầu của kỳ nghỉ, các con xem tivi, chơi điện thoại, máy tính cả ngày. Nếu dịch bệnh không khả quan hơn, các con phải ở nhà cả ngày sẽ rất chán. Bố mẹ vẫn phải đi làm nên việc phụ thuộc vào game online hay các thiết bị công nghệ là rất lớn” – anh Nhiệm bày tỏ.
Làm sao để các con có những ngày nghỉ hè an toàn, bổ ích trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp là vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm. (Ảnh: Q.A) |
Cùng quan điểm với anh Nhiệm, chị Hoàng Thị Vân (phường Việt Hưng, quận Long Biên) cho biết, nghỉ hè, các con không phải học, bố mẹ đi làm không có ai chơi cùng. Cả ngày bắt con ở nhà tự chơi quanh bốn bức tường sẽ rất bí bách, dễ khiến con lạm dụng tivi, các trò chơi điện tử và có cơ hội tiếp xúc với những kênh giải trí kém lành mạnh…
Giống như anh Nhiệm hay chị Vân, hiện tại, bài toán khó nhất đặt ra đối với các bậc phụ huynh là làm sao để các con có những ngày nghỉ hè an toàn, bổ ích trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Các con không cảm thấy nhàm chán khi ở nhà quá nhiều, đồng thời vẫn duy trì được những thói quen tốt, không chìm đắm vào không gian mạng và các thiết bị công nghệ…
Theo chị Nguyễn Thị Hồng (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm), dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, con nghỉ hè ở nhà, mọi kế hoạch đi chơi gia đình cũng bị hủy bỏ. Để con không cảm thấy buồn bã, nhàm chán, có môi trường vui chơi lành mạnh mà vẫn phòng dịch tốt, chị đã vạch ra kế hoạch cụ thể.
Hằng ngày, chị đều dành thời gian để giải thích cho con về mức độ nguy hiểm và khả năng lây nhiễm của dịch bệnh Covid-19, đồng thời cùng con chơi, cùng con học tập. Nhân thời gian này, chị cũng bồi dưỡng niềm yêu thích của con với việc đọc sách. Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, hai mẹ con đều cùng nhau đọc sách, bắt đầu từ những quyển truyện tranh ít chữ đến truyện thiếu nhi ngắn, sách khoa học thiếu nhi… Điều này vừa giúp các con học thêm được những điều mới mẻ, làm kỳ nghỉ hè bớt buồn chán, lại tăng sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.
Trong khi đó, chị Cao Thanh Hương (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) lại khuyến khích con tham gia những trò chơi vận động như nhảy dây, tập thể dục hằng ngày… để nâng cao sức khỏe. Ngoài ra, do không có điều kiện bố trí người ở nhà cùng con nên vợ chồng chị đặc biệt lưu ý dạy con các kỹ năng đảm bảo an toàn, kỹ năng tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp nguy hiểm… Sau mỗi ngày làm việc, vợ chồng chị đều dành thời gian buổi tối để trò chuyện cùng con để biết một ngày ở nhà của con diễn ra như thế nào, dành những lời khen ngợi, phần thưởng để khích lệ khi con hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Được biết, nhằm giúp học sinh có kỳ nghỉ hè an toàn, bổ ích trong điều kiện phải hạn chế ra ngoài do dịch bệnh Covid-19, các trường học trên địa bàn Thành phố đã tăng cường các biện pháp phối hợp với gia đình để quản lý, chăm sóc học sinh.
Chẳng hạn, tại Trường Tiểu học Phương Liệt (quận Thanh Xuân), nhà trường đã xây dựng kho học liệu trực tuyến. Giáo viên sẽ thông báo với phụ huynh, khuyến khích các em tham gia làm bài tập trắc nghiệm… Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức ngày hội đọc sách trực tuyến, nâng cao văn hóa đọc cho các em. Hay như tại Trường Trung học cơ sở Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng), nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm duy trì liên lạc và trao đổi với phụ huynh học sinh, lưu ý phụ huynh nhắc nhở con chỉ được ra khỏi nhà khi thật cần thiết.
Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) Nguyễn Thị Bích Nga, nhà trường đã lập danh sách các em học sinh theo Tổ dân phố, gửi Ủy ban nhân dân phường Nghĩa Tân để cùng phối hợp quản lý. Giáo viên chủ nhiệm các lớp cũng thông tin về các hình thức hoạt động hè để phụ huynh tham khảo, áp dụng cho phù hợp với điều kiện gia đình và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Là địa bàn có nhiều ao, hồ, Ủy ban nhân dân huyện Chương Mỹ cũng đã ban hành các văn bản về việc tăng cường công tác phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em; yêu cầu các nhà trường trên địa bàn phải thường xuyên nhắc nhở phụ huynh có biện pháp quản lý, giám sát học sinh, nhấn mạnh tới nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích, nhất là trong thời gian học sinh ở nhà để phòng, chống dịch.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, năm nay học sinh có phần thiệt thòi hơn bởi nghỉ hè trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy mà trách nhiệm của nhà trường, gia đình trong việc quản lý, giám sát học sinh khi nghỉ hè càng phải được nâng cao.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu các nhà trường, căn cứ từng độ tuổi, điều kiện thực tế địa phương, có hướng dẫn phụ huynh học sinh về cách phòng ngừa các nguy cơ tai nạn thương tích tại nhà; tăng cường các biện pháp phối hợp với gia đình để quản lý, chăm sóc học sinh; yêu cầu học sinh duy trì nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch. Cùng đó, giáo viên chủ nhiệm cần thường xuyên trao đổi với phụ huynh quản lý, nhắc nhở con cái phòng dịch nghiêm túc…
P.T / laodongthudo.vn