Để ngôn ngữ giao tiếp dẫn dắt văn hóa ứng xử: Vì sao “vi rút” nói bậy, văng tục sống lâu và lan nhanh?

 Nói tục không chỉ là hành vi không đẹp, “căn bệnh” này ngày càng phổ biến đến nỗi ta có thể dễ dàng bắt gặp những câu nói tục, chửi thề hoặc những biến thể của nó ở bất cứ đâu. Đáng nói, người thường xuyên sử dụng phần đông lại là những người trẻ. Họ hồn nhiên coi việc nói tục, chửi thề như một phương pháp để giải tỏa căng thẳng, giảm stress, thậm chí đơn thuần là cách để “hòa nhập” với một nhóm bạn.

Kỳ 2:

Vì sao nên nỗi?

Khi đặt bút viết về câu chuyện nói tục, chửi thề, có người đã hỏi tôi rằng: Nói tục có từ bao giờ? Quả thực đây là câu hỏi không dễ trả lời. Bởi nói tục, chửi thề vốn tự nó không mang ý nghĩa đẹp đẽ, nó là cái phần không hay trong cuộc sống mỗi người, và hẳn nhiên ở xã hội nào cũng có.

Chẳng hạn, lần giở lịch sử ở nước ta, từng có nhiều hình phạt về tội đánh nhau, chửi nhau được ban hành ở thời nhà Lê. Chửi nhau, mắng nhau hẳn người ta sẽ dùng những từ ngữ không sạch sẽ và dĩ nhiên điều đó sẽ bị xử lý. Nói cách khác, ngay từ rất sớm, nói tục, chửi thề đã được xác định là hành vi không đẹp và những hình phạt là hình thức tuyên chiến của nhà nước với một căn bệnh kinh niên.

Cùng với tốc độ phát triển của một Thủ đô, đô thị lớn hiện đại, Hà Nội đang biến đổi mạnh mẽ về mọi mặt. Người Hà Nội mang phong cách hiện đại, lối ứng xử tự tin, giới trẻ giỏi vận dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào học tập, nghiên cứu, kinh doanh, sản xuất…

Bên cạnh sự phát triển, mặt trái của quá trình mở rộng giao lưu, hội nhập dường như cũng có những tác động không nhỏ. Minh chứng dễ thấy là không ít sự phai nhạt trong ứng xử văn hóa, đạo đức, nét thanh lịch truyền thống qua nhiều biểu hiện trong cuộc sống hằng ngày.

Kỳ 2: Vì sao “vi rút” nói bậy, văng tục sống lâu và lan nhanh?
Dạy dỗ trẻ lời ăn, cách nói ngay từ nhỏ sẽ giúp trẻ định hình lối sống lành mạnh, có văn hóa. (Ảnh chụp trước thời điểm dịch)

Bản thân người viết đã không ít lần được nghe những băn khoăn: “Sao bọn trẻ nói tục nhiều thế?” và “Tại sao ngồi trên ghế nhà trường nhưng những học sinh, sinh viên vẫn nói tục?”. Quanh câu chuyện này, trong dịp trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban Quốc gia đổi mới Giáo dục đào tạo, ông chỉ ra rằng, việc nói tục, chửi thề đôi khi được người trẻ hiểu lệch lạc và ngộ nhận rằng đó là cái mốt, cái xu hướng thời thượng. Hay nói dễ hiểu là, trong một nhóm nếu bạn chơi với tôi, chúng ta chơi với nhau mà ai không nói tục, chửi thề, nghiêm chỉnh quá thì bị trách, sẽ lạc lõng và không hòa nhập. Từ những suy nghĩ đó, người ta dần hình thành thói quen thiếu văn hóa.

Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề giáo, cô giáo Đặng Hoàng Hà (Trường Tiểu học Giáp Bát, quận Hoàng Mai) cũng có chung quan điểm với Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm. Theo cô giáo Đặng Hoàng Hà, việc nói tục, chửi thề của học sinh trong tình hình hiện nay diễn ra khá phổ biến. Nói tục chửi thề không còn là câu nói bộc phát, lỡ mồm mà đã thành thói quen hay nghiêm trọng hơn là câu cửa miệng của một bộ phận học sinh, sinh viên.

“Thói quen này được xuất phát từ chính thế giới quan mà chúng ta mang lại. Trẻ sinh ra không tự có thói quen nói tục chửi bậy mà được học, được biết theo ngôn ngữ truyền miệng. Bước đầu chỉ là nghe thấy nói, sau đó nói thử. Đôi lần có thể ngượng miệng, sau dần không nhận được phản ứng từ người tiếp nhận ngôn ngữ, nói nhiều thì thành thói quen. Muốn bỏ được thói quen thì hành vi ấy không nên được diễn ra lặp đi lặp lại, không nên tán dương hay chấp nhận tiếp nhận ngôn ngữ nói tục chửi thề” – cô giáo Đặng Hoàng Hà nêu ý kiến.

Còn theo Tiến sĩ Ngôn ngữ và Văn hóa Nguyễn Đại Cồ Việt, việc nói tục chửi thề làm cho kỹ năng giao tiếp trở nên yếu kém vì những phát ngôn lệch chuẩn, từ đó khiến cho các cuộc giao tiếp trở nên thiếu lịch sự, đôi khi trở thành thảm họa. Lấy một ví dụ, trong một phòng làm việc, một người nói tục, cả phòng nói tục, cả công ty nói tục… rồi lan ra đến gia đình, cả ngoài xã hội.

Với sự nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này, Tiến sĩ Ngôn ngữ và Văn hóa Nguyễn Đại Cồ Việt cho rằng, hiện tượng nói tục, chửi thề ngày càng trở nên phổ biến khi đời sống và công nghệ ngày càng phát triển, nó có ở mọi lứa tuổi, mọi thành phần. Việc sử dụng những ngôn ngữ thiếu lịch sự, tục tĩu, phản cảm đang có xu hướng lan rộng và trở thành ngôn ngữ cửa miệng.

Mặt khác, văn hóa mạng với vô số hình ảnh, ngôn ngữ hỗn tạp, bừa bộn, thiếu chuẩn mực, vô văn hóa tràn lan khắp mọi nơi gây ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa giao tiếp của mọi tầng lớp trong xã hội. Sự yếu kém trong kiểm soát các mạng xã hội, game online, phim ảnh… có sử dụng yếu tố nói tục, chửi thề… cũng khiến cho loại “ngôn ngữ” này ngày càng thịnh hành.

Gìn giữ nét thanh lịch

Hà Nội, Thủ đô ngàn năm văn hiến, trái tim của đất nước. Ca dao từ xưa đã mô phỏng “Người thanh nói tiếng cũng thanh” để thấy rằng người Tràng An thanh lịch với nhận dạng đầu tiên là ngôn ngữ nhã nhặn, khiêm tốn. Chẳng thế mà những lời như “cảm ơn”, “cảm phiền”, “xin lỗi”… luôn khiến người nghe vừa lòng. Nói như vậy để thấy, việc giữ lại được những gì đặc trưng, phát huy hơn nữa lối ứng xử văn hóa, văn minh là hết sức cần thiết.

Trở lại với câu chuyện người trẻ nói tục, chửi thề, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, hiện nay, việc nói tục, chửi thề trong giới trẻ nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng là một biểu hiện kém văn minh, kém văn hoá, một tật xấu trong giao tiếp. Việc này dứt khoát phải từ bỏ, không thể để tồn tại. Nhà trường phải có trách nhiệm giáo dục với học sinh, cả học sinh lớn và học sinh nhỏ.

Kỳ 2: Vì sao “vi rút” nói bậy, văng tục sống lâu và lan nhanh?
Những chuẩn mực trong giao tiếp hàng ngày sẽ có tác động trực tiếp đến người trẻ. Bởi vậy, tăng cường kỹ năng sống, tăng cường kỹ năng trải nghiệm, sân khấu hóa các hành vi tiêu cực… sẽ giúp người trẻ nhận ra hành vi đúng sai. (Ảnh chụp trước thời điểm dịch)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ cũng chỉ ra một nguyên nhân khác khiến vấn nạn này lan rộng bởi xuất phát từ chính phía gia đình. Gia đình thiếu quan tâm giáo dục con cái về lời ăn, tiếng nói thật chuẩn mực ngay khi các em bắt đầu học nói. Nhiều người lớn trong nhiều gia đình chưa thật sự làm gương, thiếu gương mẫu trong giao tiếp, thậm chí nói tục, chửi thề một cách thoải mái trước mặt con cháu. Điều này khiến việc uốn nắn con trẻ gặp nhiều khó khăn.

“Khi con trẻ nói tục, mình phải vạch rõ ra những lời nói như vậy toàn là những lời nói không đẹp, không nên dùng những ngôn từ như vậy. Các bậc cha mẹ cần phải chú ý tới con cái mình, giáo dục con cái mình. Trong cộng đồng mình thấy có những chuyện không đúng như vậy cũng phải nhắc nhở vì có nhiều bậc cha mẹ cũng nói tục, chửi thề bậy bạ thì con cái ảnh hưởng, làm sao giáo dục được. Do vậy, phụ huynh phải có trách nhiệm với con cái của mình. Bản thân nhà trường cũng vậy, phải là nơi hạn chế và định hướng, chỉ ra cho trẻ những điều hay, lẽ phải” – Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

Góp ý thêm về câu chuyện để văn hóa ứng xử, lời ăn tiếng nói không còn dung tục, Tiến sĩ Ngôn ngữ và Văn hóa Nguyễn Đại Cồ Việt cho rằng, nên chăng, các gia đình cần xây dựng văn hóa giao tiếp chuẩn mực và nghiêm khắc trong giáo dục lời nói và thái độ giao tiếp cho con em mình. Xã hội quyết liệt lên án, phê phán những hành vi thiếu chuẩn mực trong giao tiếp hàng ngày. Các cơ quan chức năng nên có sự kiểm soát chặt chẽ hơn các văn hóa phẩm trước khi phát hành. Đặc biệt cần kiểm soát chặt chẽ các chương trình phát sóng trực tiếp, ngôn phong của các nghệ sĩ, người nổi tiếng… có đồng bộ như vậy mới có thể ngăn “vi rút” nói tục.

Cô giáo Đặng Hoàng Hà cũng bày tỏ, muốn ngăn “vi rút” nói tục thì nói phải đi đôi với làm, lí thuyết phải đi đôi với thực hành mới có thể mang lại hiệu quả. Ngành Giáo dục, cụ thể hơn các cơ sở giáo dục cần tăng cường mở các lớp kỹ năng sống, tăng cường kỹ năng trải nghiệm, đi sâu vào các mặt còn hạn chế đối với từng địa phương. Không tổ chức một cách qua loa, hình thức, không đặt nặng vấn đề thành tích, phê bình mà nên thẳng thắn nhìn nhận điểm tốt và chưa tốt để tìm ra hướng khắc phục. Nên tổ chức các buổi tọa đàm, phản biện, hay sân khấu hóa các hành vi tiêu cực để chủ thể nhận ra hành vi đúng sai từ bài học trải nghiệm.

Nhìn vào văn hóa ứng xử của người Hà Nội hôm nay, có thể thấy, sự hội nhập, giao thoa của các luồng văn hóa. Nói tục, cho đến bây giờ cũng vẫn còn và không hề dễ dàng để loại bỏ nó. Tuy nhiên, ngạn ngữ có câu: Người ta sẽ trở nên tốt hoặc sẽ không ra gì, tùy theo nền giáo dục được hấp thụ.

Để con trẻ không bị ảnh hưởng bởi những ngôn từ dung tục, bản thân những người làm cha, làm mẹ, làm thầy không chỉ chuyên tâm uốn nắn lời ăn tiếng nói của con em mình mà quan trọng hơn, họ phải thật sự là tấm gương về sự lịch thiệp, là mẫu mực trong văn hóa ứng xử. “Mưa dầm thấm lâu”, cái đẹp nảy nở sẽ lấn át, đẩy lùi cái xấu.

(Còn nữa…)

Phạm Thảo – Phương Ngân / laodongthudo.vn