Để nông nghiệp Thủ đô cất cánh

Tận dụng nhiều lợi thế sẵn có, những năm qua, Hà Nội đã thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, qua đó giúp tái cơ cấu ngành và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Để nông nghiệp Thủ đô “cất cánh”
Hà Nội là một trong hai trung tâm kinh tế lớn, có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Thời gian qua, Thành phố đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Nhờ việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay toàn Thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, đầu tư thiết bị hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trên thị trường. Mô hình trồng hoa lan công nghệ cao của anh Ngô Minh Trưởng, xã Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai) được coi là hình mẫu của mô hình nông nghiệp đô thị hiện đại.

Chia sẻ về lý do đầu tư mô hình trồng hoa lan Hồ Điệp công nghệ cao, anh Trưởng cho hay: “Hoa lan Hồ Điệp du nhập vào Việt Nam khoảng 20 năm nay, hoa Tết thường nhập khẩu từ Trung Quốc về, sau này phát triển các mô hình tự trồng, tự kích hoa tại Việt Nam. Trước đây, người trồng thường mang lên huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) để xử lý mầm hoa nhưng chi phí tăng cao, qua các khâu vận chuyển khiến chất lượng hoa bị ảnh hưởng, do đó tôi luôn trăn trở, muốn tìm lối đi khắc phục những khó khăn đó”.

Để nông nghiệp Thủ đô “cất cánh”
Năm 2019, nhận thấy nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm hoa lan cao cấp, anh Trưởng mạnh dạn thuê đất tại xã Mỹ Hưng để trồng thử nghiệm mô hình. Anh đầu tư hơn 7 tỷ đồng để cải tạo, san lấp và xây dựng hệ thống nhà lưới, nhà màng… trồng lan Hồ Điệp. Để phát triển mô hình lan Hồ Điệp công nghệ cao, anh Trưởng phải học hỏi công nghệ từ nước ngoài, trau dồi kỹ thuật, kinh nghiệm. Trên diện tích 1.500m2, vụ thu hoạch đầu tiên, hoa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, bán ra vào đúng dịp Tết Nguyên đán.

Từ thành công ban đầu, đến nay anh Trưởng mở rộng diện tích vườn trồng lên 2.500m2, trồng 80.000 cây lan Hồ Điệp. Toàn bộ diện tích trồng lan đều được anh Trưởng đầu tư đồng bộ, xây dựng hệ thống nhà lưới, nhà màng, làm mát. Quy trình khép kín, từ nhiệt độ, ánh sáng đến việc chăm sóc, tưới nước cho lan… đều được anh đầu tư bài bản, khoa học, thực hiện tỉ mỉ, chỉn chu đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật cao, giúp cây sinh trưởng tốt, tránh được sâu bệnh, mang lại hiệu quả sản xuất cao.

Việc ứng dụng công nghệ cao không những giúp anh Trưởng chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu còn đồng thời giúp giảm chi phí nhân công lao động, từ đó giảm được giá thành sản xuất.

Chia sẻ về sự khác biệt của mô hình trồng lan công nghệ cao, anh Trưởng cho biết: “Lan Hồ Điệp thường nở tự nhiên vào mùa xuân, qua dịp Tết Nguyên đán, do đó muốn hoa nở đúng dịp Tết, phục vụ thị trường, người trồng phải nắm được kỹ thuật, cần xử lý cây, hoa sớm hơn. Mô hình trồng công nghệ cao mặc dù đòi hỏi trình độ kỹ thuật, vốn đầu tư lớn nhưng đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn so với mô hình trồng thông thường. Trên diện tích nhỏ nhưng trồng được số lượng lớn, nhờ khống chế được ánh sáng, nhiệt độ, chất lượng hoa đồng đều hơn”.

Để nông nghiệp Thủ đô “cất cánh”
Không chỉ có mô hình trồng hoa lan công nghệ cao mà trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ cho nông dân xây dựng mô hình sản xuất công nghệ cao trồng măng tây xanh hữu cơ, rau trong nhà lưới, nho Hạ Đen… trong đó nhiều sản phẩm đã đáp ứng tiêu chuẩn VietGap.

Để nông nghiệp Thủ đô “cất cánh”

Được sự hỗ trợ của Trung tâm khuyến nông Thành phố, Trạm khuyến nông huyện Đan Phượng, ông Nguyễn Hữu Hợi, xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình trồng nho Hạ Đen không hạt. Gia đình ông là một trong số những hộ trên địa bàn xã Đan Phượng tham gia mô hình trình diễn cây trồng giống mới năng suất chất lượng thích ứng biến đổi khí hậu của Trung tâm khuyến nông Thành phố.

Từ 600 gốc nho đầu tiên được trồng vào tháng 10/2020 đến tháng 11/2021 cây bắt đầu cho thu hoạch quả, gia đình ông thu được 3 tấn nho, trừ hết các khoản chi phí giống, phân bón, nhân công… thu lãi 300 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả, năm 2021 gia đình ông mở rộng diện tích trồng, từ 600 gốc nho ban đầu, hiện tại gia đình ông Hợi có 1.500 gốc trồng trên diện tích 4.500m2, sản lượng nho năm 2022 của gia đình đạt gần 5 tấn.

Chia sẻ về hiệu quả của mô hình và hướng phát triển trong thời gian tới, ông Nguyễn Hữu Hợi cho hay: “Nho Hạ Đen được trồng theo hướng hữu cơ, quá trình trồng đảm bảo đúng các yếu tố kỹ thuật, vườn nho cho năng suất cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích vườn, xây dựng quy trình trồng nho đáp ứng tiêu chuẩn VietGap”.

Để nông nghiệp Thủ đô “cất cánh”
Để nông nghiệp Thủ đô “cất cánh”
Những nền tảng khoa học, công nghệ không chỉ đang được nông dân ứng dụng vào các mô hình trồng trọt mà còn đang phát huy hiệu quả ở lĩnh vực chăn nuôi.

Câu chuyện khởi nghiệp của ông Trần Văn Thắng, xã Thọ An (huyện Đan Phượng) khiến nhiều người cảm phục. Năm 2022 ông Thắng vinh dự được bình chọn là 1 trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc.

Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại nằm trên cánh đồng xã Thọ An, ông Trần Văn Thắng cho biết, năm 2012, ông bắt đầu nuôi giống bò cỏ truyền thống. Năm 2014, ông mở rộng trang trại, các giống bò ngoại chất lượng cao như bò 3B, bò Brahman… đã được gia đình ông đưa vào chăn nuôi. Ban đầu gia đình ông nuôi với số lượng vài chục con, nhận thấy hiệu quả kinh tế mà mô hình đem lại, ông Thắng mở rộng mô hình có thời điểm số lượng bò trong trại lên tới vài trăm con.

Nâng cao hiệu quả chăn nuôi, ông đầu tư hệ thống uống nước tự động, áp dụng công nghệ sinh học, bảo vệ môi trường. Khu chăn nuôi của gia đình cách xa khu dân cư và được xây dựng với hệ thống xử lý môi trường bảo đảm an toàn cho chăn nuôi. Khi mô hình chăn nuôi thuận lợi, ông đầu tư cơ sở giết mổ, chế biến thịt bò.

Với mô hình chăn nuôi, phân phối khép kín, không phụ thuộc thương lái đã giúp ông Thắng giảm được nhiều chi phí, đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 15 – 20 lao động trong vùng.

Để nông nghiệp Thủ đô “cất cánh”
Ông Lê Hữu Giang, xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai) cũng là một trong số những nông dân đi đầu, mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm nông nghiệp truyền thống. Hiện ông Giang đang sở hữu trang trại nuôi gà đẻ lấy trứng với tổng đàn hơn 20.000 con. Ông đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm thay đổi phương thức sản xuất, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế thị trường.

Để nông nghiệp Thủ đô “cất cánh”

Toàn bộ hệ thống chuồng nuôi được ông đầu tư một cách bài bản, có hệ thống thông gió, dàn lạnh, chuồng nhốt, máng ăn, uống… Các công đoạn từ thức ăn, nước uống… của hàng chục ngàn con gà gần như tự động hoàn toàn. Nếu như cho ăn thủ công cần đến 3 – 4 tiếng thì hiện nay hệ thống tự động đã “giải phóng” sức lao động rút xuống còn 1 tiếng rưỡi, không cần nhân công.

Mỗi chuồng nuôi được đánh số, cập nhật theo dõi qua sổ nhật ký điện tử nên lượng thức ăn, sức khỏe của vật nuôi được giám sát. Đặc biệt ông đã kết nối thành công thiết bị điện, máy đo nhiệt độ, độ ẩm với chiếc điện thoại thông minh. Bất kỳ sự cố nào về điện như mất điện đột ngột hay nhiệt độ cao sẽ được báo về điện thoại ngay lập tức. Nhờ đó, ông đã tiết kiệm được nhiều thời gian trong quy trình chăm sóc gà mái đẻ, hạn chế thấp nhất rủi ro gà bị ngạt khí.

Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền xã về hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng sản phẩm OCOP, trứng gà đẻ của gia đình ông Giang luôn có thị trường tiêu thụ ổn định. Với quy mô sản xuất, chăn nuôi và ấp nở trứng gia cầm như hiện nay, trung bình mỗi ngày trang trại gà của ông bán ra thị trường khoảng vài ngàn quả trứng. Gà đẻ ngày nào đều có đại lý đến trực tiếp mua, mang về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm.

Để nông nghiệp Thủ đô “cất cánh”
Các mô hình ứng dụng công nghệ cao tập trung nhiều tại các huyện Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng… với những mô hình hộ gia đình, số lượng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế.

Trong trồng trọt, công nghệ cao chủ yếu áp dụng các kỹ thuật canh tác vào sản xuất như ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới; công nghệ truy xuất nguồn gốc, công nghệ nhân nuôi tế bào thực vật quy mô công nghiệp, sử dụng máy bay điều khiển từ xa trong bón phân và phòng trừ dịch bệnh trên lúa… Trong chăn nuôi đã áp dụng hình thức chăn nuôi trong chuồng kín, có hệ thống làm mát giúp ổn định nhiệt độ, độ ẩm, chuồng nuôi, dây chuyền cho ăn tự động, uống nước tự động, công nghệ thụ tinh nhân tạo…

Để nông nghiệp Thủ đô “cất cánh”
Ứng dụng công nghệ cao mới chỉ được thực hiện chủ yếu ở từng khâu, chứ chưa ứng dụng đồng bộ trong sản xuất. Ở các khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến vẫn chưa áp dụng nhiều. Thành phố Hà Nội đã có những chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đã đạt được những thành công bước đầu. Tuy nhiên thành tựu đó chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Do đó, Hà Nội cần các chính sách đột phá hơn nữa để nông nghiệp công nghệ cao phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có.

“Để mô hình nông nghiệp công nghệ cao đạt hiệu quả, chúng tôi đã và đang trải qua nhiều khó khăn, vốn, thị trường tiêu thụ là câu chuyện cốt lõi… Hầu hết hiện nay, thị trường tiêu thụ đều do chính nông dân tự tìm kiếm, khai thác mở rộng và đều là những thị trường nhỏ lẻ, các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm còn thiếu. Chúng tôi mong muốn nhận được những chính sách hỗ trợ tích cực hơn nữa để nông nghiệp công nghệ cao ở thành phố Hà Nội phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có”, ông Nguyễn Hữu Hợi (chủ vườn nho Hạ Đen Hợi Hường) nhấn mạnh.

Để nông nghiệp Thủ đô “cất cánh”

Thực hiện nội dung: Nguyễn Hoa – Thiết kế: P.T

https://laodongthudo.vn/de-nong-nghiep-thu-do-cat-canh-158471.html