Để phố đi bộ thực sự là không gian văn hóa

Thủ đô Hà Nội đang dẫn đầu cả nước trong xu thế xây dựng các tuyến phố đi bộ, đây là điểm đến thú vị với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí hấp dẫn dành cho du khách và người dân. Tuy nhiên, trừ phố đi bộ Hồ Gươm phần nào đã đạt được kỳ vọng ở cả khía cạnh kinh tế và không gian văn hóa, thì tại các khu vực khác vẫn chỉ dừng ở mức “thỏa mãn sự tò mò”. Làm thế nào để các tuyến phố đi bộ không chỉ là “tuyến phố đi bộ” mà là không gian sáng tạo cộng đồng, không gian văn hóa là bài toán không hề dễ dàng.

Vẫn còn nhiều “sạn”

Trước hết cần khẳng định, bên cạnh những nỗ lực không nhỏ đến từ chính quyền quận Hoàn Kiếm thì không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận có quá nhiều lý do để thành công. Ngoài vị trí đắc địa, khu vực này còn có cả hệ sinh thái xung quanh như khu phố cổ, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Nhà thờ Lớn, Nhà hát lớn, quảng trường Lý Thái Tổ và đặc biệt hơn cả là hồ Hoàn Kiếm, những không gian bảo tồn cấp 1 nay lại được kết nối với nhau thành một thể thống nhất.

Theo thống kê, không kể ngày cuối tuần, trung bình mỗi ngày khu phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm đón khoảng 20.000 khách. Mỗi năm có hàng trăm sự kiện văn hóa quy mô lớn, với sự tham gia của các tỉnh, thành phố trong nước, các tổ chức quốc tế đã được tổ chức tại đây. Đây lại là tuyến phố đi bộ đầu tiên sau nhiều năm phát triển đã dần thành một thói quen của người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thu được, những hoạt động của phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm cũng đem đến ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt hàng ngày của người dân tại đây. Sự ô nhiễm về tiếng ồn, sự nhếch nhác của các quán hàng rong, sự lộn xộn của bãi gửi xe, sự thiếu hụt các nhà vệ sinh công cộng và ô nhiễm rác thải sau mỗi lần tổ chức phố đi bộ đang thực sự là những “hạt sạt”…

Để phố đi bộ thực sự là không gian văn hóa
Các hoạt động “hội chợ” tại tuyến phố đi bộ phố Trần Nhân Tông chưa thực sự thu hút người dân.

Còn tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn, kể từ khi khai trương nơi đây chỉ thu hút khách khi có các sự kiện văn hóa quy mô diễn ra. Ban ngày rất ít người lui tới vì nắng nóng do thiếu bóng cây xanh. Vào buổi tối cuối tuần, cả phố chỉ có thêm một vài quán ăn, quán nước và những cá nhân hoạt động nghệ thuật đơn lẻ. Không gian văn hóa phố Trịnh Công Sơn từng được kỳ vọng trở thành sân khấu cho nghệ thuật chèo, xẩm, dân ca… của các đoàn nghệ thuật đến từ nhiều nơi trên cả nước, nhưng không thành. Nhiều khi các nghệ sĩ biểu diễn trong tình trạng không có người xem.

Dẫu vẫn có nhiều vấn đề cần giải quyết nhưng dù sao các tuyến phố kể trên cũng đang dần xây dựng được bản sắc của mình, còn lại tuyến phố đi bộ phố Trần Nhân Tông thực sự là tuyến phố đi bộ như đúng nghĩa của nó. Hiện khu vực này ngoài việc được quây rào kết nối với công viên Thống Nhất thì chưa có điểm nhấn gì đáng kể. Theo đánh giá của người dân xung quanh, phố đi bộ không đặc sắc, việc mở các phiên hội chợ hàng tiêu dùng thậm chí còn làm cho mọi người thấy phản cảm hơn. “Ngoài những chiếc xe điện thuê theo giờ của các hàng rong, nơi đây chẳng có điểm vui chơi gì khác, cả khu vực chỉ có duy nhất 1 quán nước ngay sát cổng công viên. Ngoài ra, lúc đi vào tôi tìm mãi cũng chẳng biết bãi đỗ xe nằm ở đâu nên đành để tạm sát hàng rào, vừa cho trẻ con chơi vừa phải để mắt trông xe nên tâm lý cũng không thoải mái”, chị Vân Hương, quận Đống Đa, cho hay.

Cần định hướng rõ ràng

Qua tìm hiểu, các quận, huyện, thị xã cũng có ý tưởng tạo ra đặc trưng riêng khi xây dựng các không gian đi bộ mới nhưng ý tưởng vẫn chỉ là các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, sản phẩm thủ công truyền thống… Cá biệt, một số nơi còn tổ chức kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu như một cái “chợ” đúng nghĩa.

Nhìn từ không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ mới thấy sự cần thiết về tính thận trọng, khoa học trong việc tổ chức không gian đi bộ. Không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn với tên gọi đúng là tuyến phố đi bộ – không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ. Có nghĩa khi xây dựng không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ đã đưa biểu diễn nghệ thuật và ẩm thực đường phố làm trọng tâm để tạo ra đặc trưng, thu hút khách.

Thời điểm đầu, phố đi bộ Trịnh Công Sơn khá đông khách, phần vì mới lạ, phần vì người dân thiếu điểm vui chơi, các hoạt động cũng tương đối phong phú và nơi này có lợi thế khai thác không gian ven hồ Tây. Tuy vậy, cũng chỉ 2 năm đưa vào hoạt động, không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn bị “hụt hơi,” các hoạt động văn hóa nghệ thuật thiếu vắng hơn, các kiốt thưa dần, khách đến chơi cũng ít hơn. Trong khi đó, ở cách đó không xa, những điểm ăn uống, vui chơi tự phát tại không gian ven hồ Tây cũng của quận Tây Hồ lúc nào cũng ken đặc người dân và du khách từ sáng đến đêm.

Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh – Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, việc tạo ra điểm vui chơi, giải trí cho người dân và du khách, đồng thời tạo điều kiện cho bà con địa phương là điều cần thiết. Tuy nhiên, mỗi địa phương có một đặc thù khác nhau, từ kinh tế, xã hội, đến địa hình tự nhiên, khả năng quản lý. Đó chính là một thách thức. Ngay cả khi khảo sát người dân đồng thuận cao trong xây dựng không gian đi bộ nhưng khi tổ chức, vận hành không gian đó sẽ nảy sinh nhiều bất cập, mâu thuẫn với đời sống sinh hoạt của người dân. Vì vậy, chính quyền các địa phương nơi chuẩn bị tổ chức không gian đi bộ cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng, phải có sự đo lường mọi vấn đề. Trong quá trình đưa vào hoạt động cần có sự thử nghiệm cẩn thận trước khi đưa vào hoạt động chính thức.

Nhìn nhận về hướng phát triển các không gian phố đi bộ tại Hà Nội, nhiều chuyên gia nhận định, để khai thác hết tiềm năng của phố đi bộ, trước hết cần xác định rõ phương hướng phát triển để từ đó thiết kế đô thị, tạo được cảnh quan để người dân thưởng ngoạn. Việc ra đời các tuyến phố đi bộ chính là để kết nối nhiều không gian công cộng của một khu vực cũng như xâu chuỗi nhiều loại hình văn hóa cộng đồng với nhau. Đây chính là điểm kết nối của cả Chương trình 03 lẫn Chương trì 06 của Thành ủy Hà Nội, trong giai đoạn tiếp theo từ 2023-2025.

Tuấn Dũng

https://laodongthudo.vn/de-pho-di-bo-thuc-su-la-khong-gian-van-hoa-153136.html