Để Thủ đô có “nguyên khí” mạnh, phải “mở khóa” chính sách thu hút nhân tài

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, nên trong chiến lược phát triển Thủ đô không thể thiếu chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao như một khâu đột phá bảo đảm cho sự thành công. Vì vậy, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần xây dựng các cơ chế đặc thù tương xứng, cụ thể và khả thi về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Với vị thế Thủ đô, Hà Nội là nơi tập trung đông nhất các cơ quan khoa học lớn, nhiều trường đại học, cùng với đó là sự hội tụ của đông đảo đội ngũ cán bộ khoa học, trí thức ở hầu khắp các lĩnh vực. Đây thực sự là tiềm năng vô cùng to lớn, là thế mạnh nổi trội của Hà Nội mà không phải địa phương nào trong cả nước cũng có được. Nếu Hà Nội có cơ chế, chính sách trọng dụng, thu hút hiệu quả nguồn lực đặc biệt này sẽ tạo ra sự phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều). Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất một số giải pháp trọng tâm, đột phá trong việc thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tài năng đặc biệt trong một số lĩnh vực; chính sách tìm kiếm, phát hiện, đánh giá, sử dụng, bổ nhiệm nhân tài…

Cần chính sách đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài
Những năm qua, một trong số những hình thức thu hút nhân tài mà thành phố Hà Nội triển khai thường xuyên là tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Thành phố.

Góp ý về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ) nhấn định, việc Luật Thủ đô năm 2012 chỉ có một câu tại khoản 2 Điều 13 nêu về chính sách trọng dụng nhân tài mà không có nội hàm nào đi kèm thì dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có hẳn một điều là Điều 17 quy định về nội dung này, cho thấy một sự tiến bộ rất rõ và khẳng định tầm quan trọng của vấn đề.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, quy định tại Điều 17 còn chưa rõ, chưa đầy đủ và cần phải hoàn thiện để việc triển khai được khả thi và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, không thể chỉ đưa ra một số ưu đãi và chờ người tài tự đến với mình mà phải chủ động tìm kiếm, phát hiện, từ đó lôi kéo để thu hút họ. Chính phủ nhiều quốc gia, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các cơ sở nghiên cứu, vườn ươm công nghệ đã chủ động tìm kiếm, phát hiện nhân tài từ rất sớm, khi họ còn đang là học sinh, sinh viên, sẵn sàng hỗ trợ kinh phí học tập, trả lương, ký cam kết tuyển dụng từ trước khi ra trường. Vì vậy, nếu chỉ thu hút, trọng dụng nhân tài là chưa đủ mà cần phải có chính sách để tìm kiếm và phát hiện nhân tài.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thiết kế 2 khoản, khoản 1 là về thu hút, trọng dụng nhân tài và khoản 2 là về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô. Đối tượng thu hút bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài có năng lực vượt trội, trình độ chuyên môn cao, tài năng đặc biệt trong một số lĩnh vực và có kinh nghiệm thực tiễn, có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô. Các đối tượng là công dân Việt Nam sẽ được hưởng các chế độ đãi ngộ như được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức và hưởng các chế độ, chính sách do Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định; được ký hợp đồng vào làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập; các đối tượng là người nước ngoài được ký hợp đồng để thực hiện một số nhiệm vụ trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục với chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp.

Nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đã quy định các chính sách hỗ trợ từ ngân sách Thành phố để đầu tư cho việc phát triển cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia có đa cấp học; đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên của Thủ đô. Bên cạnh đó, hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao… phục vụ cho định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hút đầu tư nước ngoài. Đây có thể xem là các nội dung rất quan trọng, nhằm tạo ra “cú hích” trong cơ chế thu hút, trọng dung và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Thủ đô.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất xây dựng một chương riêng với tên “Đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”; đồng thời nghiên cứu bổ sung thêm một số quy định: Xây dựng chính sách thông tin truyền thông về phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; bổ sung cơ chế, chính sách về phát hiện sớm nhân tài, từ đó có lộ trình hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng vào những ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm cần thiết cả trong khu vực công và các khu vực quan trọng khác; bổ sung cơ chế, chính sách về xây dựng môi trường làm việc công bằng, chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, tạo mọi điều kiện để người tài phát triển, cống hiến, thực hiện bằng được phương châm “4 không” (không được, không thể, không muốn và không dám tham nhũng).

Ngoài ra, cần xem xét bổ sung chính sách hỗ trợ nhà ở như mua, thuê, thuê mua, điều kiện làm việc tại nhà, các chế độ hỗ trợ khác cho gia đình, vợ, con người có tài để giúp họ yên tâm cống hiến, làm việc; cân nhắc chính sách thử nghiệm cho phép chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã khẳng định được tài năng, kinh nghiệm của mình tại các nước phát triển, các cơ sở nghiên cứu uy tín cao, các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới có thể được phép nắm giữ các vị trí lãnh đạo điều hành tại các tổ chức, đơn vị dự án, đề án nghiên cứu thuộc các trường đại học, các viện nghiên cứu, các trung tâm đổi mới sáng tạo, đơn vị sự nghiệp công. Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, các nước như Malaysia hoặc Thái Lan đang làm rất tốt việc này.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cũng nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội cần phải có chế độ, chính sách đặc thù để có cơ chế tốt, cơ chế thoáng, từ đó thu hút được nhân tài về phục vụ cho Thành phố. Tuy nhiên, trong quy định tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có những nội dung ghi rất chung chung là Hà Nội phát triển nguồn nhân lực nói chung, mà chưa giải thích được rõ ràng căn cứ pháp lý cho những đối tượng thuộc diện chưa có quy định.

Đại biểu Phạm Văn Hòa lấy ví dụ như đào tạo học sinh, sinh viên nhưng đối tượng học sinh, sinh viên này có cơ chế đặc thù như thế nào và đối tượng học ra sao. Thời gian qua, ở một số nơi, ngân sách hỗ trợ đào tạo sinh viên nhưng đào tạo xong không về nước mà ở nước ngoài luôn, hoặc có về cũng không phục vụ cho cơ quan quản lý nhà nước mà lại phục vụ cho doanh nghiệp tư nhân.

“Tôi thống nhất nhưng phải có quy định cụ thể để ràng buộc về phục vụ cho Thành phố như thế nào, ra làm sao trong thời gian bao nhiêu năm để mang lại hiệu quả, không phải như trước đây”, đại biểu Phạm Văn Hòa lưu ý.

T.P