Để Thủ đô sớm trở lại cuộc sống bình thường

Nhìn một cách tổng thể, đến thời điểm hiện tại, cả Thủ đô đã và đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội một cách nghiêm túc. Điều này có ý nghĩa quan trọng để Thủ đô sớm kiểm soát dịch bệnh.

Đồng lòng thực hiện Chỉ thị

Theo số liệu thống kê, ở đợt dịch thứ 4 (tính từ ngày 29/4 đến sáng 3/8) Hà Nội đã ghi nhận 1.374 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 829 trường hợp ghi nhận tại cộng đồng, số ca mắc là đối tượng đã được cách ly 545 người. Theo các chuyên gia, dịch Covid-19 của Hà Nội đang diễn biến rất phức tạp, số ca nhiễm tăng nhanh trong những ngày gần đây. Trong đó, có rất nhiều ca được phát hiện qua sàng lọc ho, sốt khi đi khám. Vừa qua có một số ổ dịch như: Bệnh viện Phổi Hà Nội, nhà thuốc Đức Tâm, ổ dịch tại Công ty Thực phẩm Thanh Nga, các chợ… đã phát hiện số ca mắc đông. Điều này có nghĩa là đã có nhiều ổ dịch phức tạp, lây lan nhanh và rộng, nguy cơ rất lớn, còn nhiều ca bệnh còn đang ẩn trong cộng đồng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 17/CT-UBND về việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn. Cho đến nay, Hà Nội đã bước sang ngày thứ 11 trong 15 ngày thực hiện Chỉ thị. Có thể thấy, những ngày qua, công tác kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa bàn dân cư, chốt kiểm soát, chợ dân sinh… trên địa bàn đã được thắt chặt. Người dân hạn chế ra khỏi nhà, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra giấy đi chợ, kiểm soát từ đầu chốt, đo thân nhiệt, yêu cầu giãn cách tối thiểu theo quy định. Các hàng rong, chợ “cóc” đã bị cấm triệt để.

Để Thủ đô sớm trở lại cuộc sống bình thường
Trong những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra tại các chốt kiểm soát. Ảnh: Đinh Luyện

Sau vài ngày đầu bỡ ngỡ, đến nay người dân đã quen với việc đi chợ theo ngày, giờ quy định trên tấm thẻ được phát. Cả người mua và người bán đều yên tâm hơn vì được mua – bán hàng hóa thiết yếu trong điều kiện an toàn hơn, hạn chế tập trung đông người, góp phần cùng Thành phố phòng, chống tiến tới kiểm soát dịch bệnh. Có thể thấy, việc thực hiện nghiêm giãn cách xã hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác truy vết, điều tra, dập dịch… nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 đang căng thẳng như hiện nay.

Mới đây, đánh giá tình hình sau 1 tuần Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy công tác phòng, chống Covid-19 Thành phố Chu Ngọc Anh khẳng định, Chỉ thị số 17/CT-UBND đã phát huy hiệu quả, giúp bóc tách được nhiều ca F0 tiềm ẩn trong cộng đồng. Tuy nhiên, những ngày giãn cách còn lại có ý nghĩa rất quan trọng, chỉ có kiên trì thực hiện thật nghiêm, thành phố mới có cơ hội khu biệt và tìm ra hết F0.

Theo ông Chu Ngọc Anh, việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn theo Chỉ thị số 17/CT-UBND đã được hệ thống chính trị các cấp từ Thành phố xuống cơ sở cơ bản triển khai thực hiện tốt. Hầu hết người dân đã đồng tình, ủng hộ và chấp hành nghiêm nguyên tắc cách ly. Tình hình phòng, chống dịch Covid-19 có chuyển biến tích cực. Các lực lượng tuyến đầu với nòng cốt là công an, quân đội, y tế, cán bộ các cấp, các Tổ Covid-19 cộng đồng… không quản vất vả ngày đêm, luôn vững vàng, bền bỉ trên “phòng tuyến” chống dịch, là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân.

Đặc biệt, nhờ thực hiện cách ly, kết hợp với khai báo y tế hằng ngày, người dân Hà Nội đã giúp cơ quan y tế tăng cường xét nghiệm sàng lọc, truy vết, bóc tách thành công hàng chục ca F0 trong cộng đồng. “Điều này cho thấy, biện pháp giãn cách xã hội là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, hiệu quả. Nếu không áp dụng biện pháp này, với hệ quả lây lan từ các ca mắc trong cộng đồng nêu trên, thành phố không giữ được như hiện nay”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố đánh giá.

Nghiêm túc giãn cách sẽ sớm kiểm soát dịch

Đồng tình với quan điểm của Thành phố trong việc thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch, ông Nguyễn Văn Hậu – Bí thư Chi bộ Khu dân cư 1, phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ, đây là lần thứ hai kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, Thủ đô thực hiện giãn cách nên ông không còn nhiều băn khoăn, lo lắng bởi tâm lý đã được chuẩn bị trước, sẵn sàng ứng phó và chấp hành mọi quy định của Chính phủ và Thành phố đặt ra. Đặc biệt, ngay từ khi dịch bùng phát trở lại, Khu dân cư số 1 đã nhanh chóng củng cố và hoàn thiện các nhóm Zalo liên gia đình, liên dãy nhà, liên ngõ để thuận tiện cho việc tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19.

Nói về việc người dân cần thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội để chống dịch, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, với đặc điểm của chủng Delta và Delta+ lây nhiễm mạnh, chu kỳ lây ngắn, việc người dân di chuyển, tiếp xúc là đang tạo điều kiện cho vi rút, mầm bệnh được lan tỏa dễ dàng hơn.

Do vậy, giãn cách xã hội là biện pháp cơ học giúp cố định vị trí F1, F0 trong cộng đồng, chờ đến khi được phát hiện, bóc tách.

“Tôi cho rằng, việc thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội rất đúng thời điểm, cần thiết và kịp thời. Việc giãn cách này được thực hiện nghiêm túc sẽ sớm khống chế dịch bệnh và đưa hoạt động kinh doanh sản xuất, cũng như cuộc sống, sinh hoạt của người dân trở lại bình thường”, ông Hậu chia sẻ.

Bà Hồ Thị Minh Tâm (Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm) cũng bày tỏ ủng hộ quyết định của chính quyền thành phố Hà Nội. Theo bà Tâm, dịch bệnh bùng phát đợt thứ 4 diễn biến rất phức tạp với độ nguy hiểm cao hơn, quy mô lây lan lớn hơn. Bản thân bà Tâm và gia đình luôn ủng hộ và chấp hành tốt các biện pháp phòng, chống dịch mà Nhà nước đã đề ra. “Ở nhà cách ly tuy cuộc sống có bất tiện trong sinh hoạt nhưng đây là việc làm cần thiết vì sức khỏe của chính mình và cho cả cộng đồng, góp phần cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh để tiếp tục phát triển kinh tế – xã hội và tiến lên phía trước”, bà Tâm cho biết.

Còn anh Nguyễn Văn Tuân (chủ một quán ăn trên phố Kẻ Vẽ, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) thì chia sẻ, việc kinh doanh, buôn bán của gia đình anh bị ảnh hưởng thiệt hại trong gần 2 năm nay. Mặc dù công việc bị ảnh hưởng nhưng tôi hoàn toàn đồng ý với chỉ đạo của thành phố Hà Nội, thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố để phòng, chống dịch Covid-19. “Trong những ngày qua, trừ khi đi mua thực phẩm, cả gia đình tôi đều ở nhà, không ra đường. Qua theo dõi từ các phương tiện thông tin truyền thông, tôi thấy Hà Nội đã và đang nỗ lực trong việc kiểm soát dịch bệnh. Chỉ khi nào dịch bệnh hết, cuộc sống của người dân mới có thể phát triển và ổn định, chúng tôi yên tâm làm ăn và sinh sống, lo cho đời sống của gia đình”, anh Tuân bày tỏ.

Nói về việc người dân cần thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội để chống dịch, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, với đặc điểm của chủng Delta và Delta+ lây nhiễm mạnh, chu kỳ lây ngắn, việc người dân di chuyển, tiếp xúc là đang tạo điều kiện cho vi rút, mầm bệnh được lan tỏa dễ dàng hơn. Do vậy, giãn cách xã hội là biện pháp cơ học giúp cố định vị trí F1, F0 trong cộng đồng, chờ đến khi được phát hiện, bóc tách.

Cũng theo ông Tuấn, tại thời điểm hiện nay, muốn phát hiện kịp thời ca bệnh, tiến tới cách ly, ngăn chặn và sớm khoanh vùng, dập dịch, cần tập trung vào 3 vấn đề quan trọng nhất: Đầu tiên là ý thức tự giác của người dân. Mỗi người dân cần phối hợp với ngành Y tế tuân thủ thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, đồng thời tuân thủ thông điệp “5K” của Bộ Y tế. Thứ hai là tăng cường hiệu quả, vai trò của Tổ Covid-19 cộng đồng “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Các Tổ Covid-19 cộng đồng cần tăng cường rà soát, khi phát hiện trường hợp có biểu hiện sốt, ho, cần thông tin đến lực lượng y tế địa phương để lấy mẫu xét nghiệm. Phát hiện sớm ca bệnh, sau đó cách ly bệnh nhân ra khỏi cộng đồng thì sẽ không còn nguy cơ. Thứ ba là tăng cường năng lực của hệ thống y tế, trong đó đẩy mạnh tiến độ giám sát, lấy mẫu xét nghiệm./.

Kim Tiến / laodongthudo.vn