Mạng lưới “Các Thành phố Sáng tạo UNESCO” được thành lập năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh quốc tế với việc lấy nguồn lực văn hoá và sáng tạo văn hoá làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg, ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó xác định Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của cả nước, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã xây dựng Hồ sơ “Hà Nội -Thành phố sáng tạo” đề cử tham gia Mạng lưới “Các thành phố sáng tạo của UNESCO”. Đến nay, tròn 2 năm Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới “Các Thành phố sáng tạo của UNESCO” ở lĩnh vực Thiết kế sáng tạo.
Ảnh minh hoạ. |
Quá trình tham vấn trong nước và quốc tế từ năm 2018-2019 đã chỉ ra và nhấn mạnh những lợi thế về truyền thống, nguồn lực, động lực trong thiết kế sáng tạo của Hà Nội, cũng như bối cảnh phát triển năng động của Thủ đô và đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế giai đoạn mới. Song song với việc xác định các nguồn nội lực, các đối tác cho rằng Hà Nội không thể bỏ qua việc xác lập vị trí tiên phong trong khu vực và các nền tảng có tính toàn cầu để định vị chiến lược phát triển của Thủ đô. Danh hiệu Thành phố sáng tạo mới của Hà Nội cũng như những định hướng mới cho chiến lược phát triển Thủ đô nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng cũng như các đối tác quốc tế, đặc biệt là các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán và các tập đoàn đa quốc gia vốn có sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho đổi mới cũng như chiến lược phát triển hướng tới chất lượng sống cao của đô thị.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Thị Mỹ Hoa, thực hiện cam kết với UNESCO sau khi Hà Nội chính thức trở thành Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực Thiết kế, Hà Nội đã và đang cụ thể hóa bằng các chương trình và kế hoạch hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của Thành phố, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm nâng tầm cho lĩnh vực sáng tạo thiết kế, nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng để từng bước hiện thực hóa các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội – Thủ đô sáng tạo. “Tham gia mạng lưới “Các thành phố sáng tạo của UNESCO” là bước đi đầu tiên nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn hơn cho Hà Nội. Chặng đường phía trước đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của Thành phố, từ các cấp, các ngành, địa phương, đặc biệt là vai trò của mỗi người dân Thủ đô để hiện thực hóa tầm nhìn, vì các mục tiêu phát triển bền vững” – bà Phạm Thị Mỹ Hoa nhấn mạnh.
Lấy con người làm trung tâm
Ông Michael Croft, nguyên Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cũng nhận định, khi tham gia Mạng lưới “Các Thành phố Sáng tạo của UNESCO”, Hà Nội có thể mở rộng hợp tác và trao đổi với các Thành phố Thiết kế khác như Seoul, Singapore, Kobe, Thượng Hải, Bandung trong khu vực; và các thành phố như Helsinki, Montreal, Berlin và Turino trên toàn cầu. Tuy nhiên, với tất cả những tiềm năng có được từ việc gia nhập mạng lưới này, sự hợp lực ở cấp địa phương mới là điều quan trọng nhất với Hà Nội. Đó là lý do Kế hoạch hành động do Thành phố đệ trình – phần chủ chốt của hồ sơ, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa cộng đồng, chính phủ, các trường đại học, khu vực tư nhân và bạn bè và đối tác quốc tế để hỗ trợ việc hiện thực hóa chiến lược phát triển của Hà Nội, nhằm thúc đẩy các sáng kiến và kết nối chúng để có được cách tiếp cận tập trung và chặt chẽ.
“Hà Nội đã giương cao ngọn đuốc của nền văn hóa hòa bình trong nhiều thập kỷ và giờ đây, với danh hiệu Thành phố sáng tạo, mọi người tái khẳng định cam kết của mình đối với sự phát triển lấy con người làm trung tâm. Đó là con đường đảm bảo rằng sự phát triển của thành phố không chỉ được tính bằng các số liệu thống kê và lợi nhuận, mà còn bởi những đặc điểm tốt đẹp nhất của con người, lòng trắc ẩn và sự sáng tạo của chúng ta – những điều chúng ta được trải nghiệm mỗi ngày khi đi trên những con phố và tương tác với những người con của thành phố tươi đẹp này”, ông Michael Croft khẳng định.
Tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc được tổ chức vừa qua, đưa ra giải pháp phát triển văn hoá của Thành phố, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nêu, định vị tầm nhìn rộng để hoạch định chiến lược phát triển văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; đồng thời, đảm bảo bố trí nguồn lực đầu tư phù hợp, tạo cơ chế thuận lợi thu hút nguồn lực xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển, để Thủ đô Hà Nội xứng đáng là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, nhất là thúc đẩy mạnh mẽ việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng “Thành phố sáng tạo”- Một động lực mới, thương hiệu mới được cộng đồng quốc tế ghi nhận năm 2019, gắn với mục tiêu phát triển Thủ đô với tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tập trung rà soát, bổ sung điều chỉnh Quy hoạch và chiến lược phát triển văn hóa Hà Nội phù hợp với giai đoạn phát triển mới; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” – 1 trong 2 Nghị quyết Chuyên đề quan trọng được Thành ủy (khóa XVII) xác định, gắn với phát triển thị trường văn hóa trên địa bàn Thủ đô./.