Để văn hóa giao thông là “cuốn sách mở” về người Hà Nội văn minh

Đại thi hào Huy gô từng nói: “Thành phố là cuốn sách mở”. Vì vậy, để du khách cảm nhận được nét văn hóa Việt Nam nói chung, về Hà Nội hào hoa, văn minh nói riêng, ngoài kiến trúc đô thị hãy bắt đầu bằng văn hóa giao thông.

Lấy cái đẹp dẹp cái xấu

Tai nạn giao thông là việc không ai hoặc tổ chức, đơn vị nào mong muốn xảy đến. Tuy nhiên, theo thống kê của các cơ quan chức năng, đa số các vụ tai nạn giao thông xảy ra xuất phát từ ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện.

Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn giao thông là do vi phạm các quy tắc an toàn như: Không giữ khoảng cách an toàn; không tập trung khi lái xe dẫn đến không chú ý quan sát các biển chỉ dẫn giao thông; phóng nhanh, vượt ẩu; dừng, đỗ xe tùy tiện mà không có cảnh báo đối với các phương tiện khác…

Để văn hóa giao thông là
Xây dựng văn hoá giao thông từ người lớn sẽ góp phần vun bồi và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật ngay từ thế hệ trẻ.

Thực tế, trên đường phố, không khó để bắt gặp hình ảnh một bộ phận người tham gia giao thông phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, đi vào đường cấm, đường ngược chiều gây cản trở giao thông; đi xe không có biển số, điều khiển phương tiện mà không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, dùng ô khi điều khiển xe, vượt đèn đỏ, dàn hàng ngang hay đèo ba, đèo bốn, lạng lách, đánh võng, dừng đỗ xe không đúng nơi quy định, bóp còi inh ỏi hoặc vừa điều khiển phương tiện giao thông vừa nghe điện thoại. Khi xảy ra va quệt thì thoái thác trách nhiệm, cãi vã, thậm chí gây gổ, đánh nhau…

Ngày 19/2, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Đây là văn bản có ý nghĩa đặc biệt, góp phần cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa trong tình hình mới, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Thành phố; đồng thời, thiết thực triển khai ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Cần phải xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật, người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc.

Bản thân người viết cũng đã chứng kiến nhiều người điều khiển phương tiện giao thông cố nhoi lên để vượt đèn đỏ mà không muốn đợi dù chỉ vài giây. Vì muốn nhanh nên có những người đi xe lên cả vỉa hè, cho xe qua giải phân cách… Trong khi mỗi người chỉ cần ý thức một chút, nhường nhau một chút, sống chậm lại một chút thì vấn nạn tắc đường, tai nạn giao thông đã được hạn chế rất nhiều.

Việc tham gia giao thông thiếu chuẩn mực như trên có thể tựu chung ở góc độ nào đó cũng phản ánh lên sự thiếu văn hóa và làm xấu đi hình ảnh người dân Thủ đô trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế.

Văn hóa – theo các nhà nghiên cứu, đây là gốc của một xã hội văn minh, tiến bộ. Theo thống kê, trên thế giới có gần 200 định nghĩa về văn hóa. Theo nghĩa chung nhất, văn hóa là những cốt lõi, tinh hoa về mặt tinh thần của một cộng đồng dân cư hay của một dân tộc. Ban đầu nói đến văn hóa là người ta nói đến các lĩnh vực như: Văn hóa, văn học, văn nghệ, nghệ thuật, biểu diễn…. Tuy vậy, cùng với sự phát triển và tiến bộ của văn minh nhân loại, khái niệm văn hóa ngày càng được mở rộng sang mọi mặt của đời sống xã hội và được sử dụng trên nhiều lĩnh vực như: Văn hóa ẩm thực, văn hóa lễ hội, văn hóa du lịch, văn hóa tâm linh, văn hóa tín ngưỡng, văn hóa giao thông…

Luận giải vấn đề trên, chuyên gia giao thông Vũ Hồng Trường cho rằng, nội hàm của khái niệm “văn hóa giao thông” có thể tóm tắt ở bốn điểm chính. Cụ thể, một là nhận thức của người tham gia giao thông về ý nghĩa, tầm quan trọng của giao thông, những tác động của giao thông đối với việc phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao dân trí, bảo vệ môi trường. Để từ đó có hành vi ứng xử chuẩn mực.

Hai là, văn hóa giao thông được đánh giá thông qua tính tự giác, nghiêm chỉnh, nghiêm túc chấp hành luật lệ giao thông, chấp hành những quy định về tiêu chuẩn của phương tiện khi tham gia giao thông, điều kiện của của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.

Để văn hóa giao thông là
Tuân thủ các quy định khi tham gia giao thông là việc làm trực tiếp hình thành nên văn hóa giao thông.

Ba là, có thái độ, hành vi ứng xử đúng mực khi tham gia giao thông, thể hiện qua việc nghiêm khắc với những người vi phạm luật lệ giao thông như: Vượt đèn đỏ, đi không đúng làn đường… Ngược lại luôn giữ thái độ thân thiện, nhường nhịn mọi người tại các điểm ùn tắc, tại các nút giao thông và đặc biệt không sử dụng vỉa hè làm nơi để di chuyển bằng phương tiện cá nhân của mình. Sẵn sàng hỗ trợ những người yếu thế, những người bị va chạm, tai nạn giao thông trên đường đặc biệt là khi bản thân là đối tượng gây ra hoặc bị gây ra va chạm, tai nạn giao thông cần giữ bình tĩnh, có thái độ ứng xử lịch sự và luôn coi sức khỏe, tính mạng con người là trên hết.

Đáng chú ý, ông Vũ Hồng Trường cũng chỉ ra điểm thứ tư mang tính cốt lõi, thể hiện đỉnh cao của văn hóa giao thông chính là việc người dân có ý thức bảo vệ lợi ích của cộng đồng thông qua hành vi lựa chọn phương tiện đi lại hàng ngày. Hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân chiếm dụng lòng đường nhiều, gây ô nhiễm, nguy cơ tai nạn giao thông để chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng là phương tiện đi lại yêu thích vì sự phát triển bền vững của đô thị.

Tác động đến văn hoá ứng xử người Hà Nội

Tại Hà Nội, từ xưa dân gian đã có câu “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”, trong thi ca, văn hoá ứng xử người Hà Nội vẫn nổi tiếng với hai từ thanh lịch. Bởi vậy, không ít lần, tôi chứng kiến những người già, những người từ quê mới ra khi sang đường hoặc tìm đường trong nội đô được Cảnh sát giao thông tận tình chỉ dẫn, phân luồng phương tiện để đi lại thuận lợi.

Cũng không ít lần, trong những vụ tai nạn giao thông tôi chứng kiến cảnh người đi đường cùng nhau giúp đỡ người bị nạn. Người sơ cứu, người gọi cứu thương… và họ chỉ thực sự yên tâm khi người bị nạn được chuyển đi an toàn.

Bàn về câu chuyện xây dựng văn hoá giao thông, nhà văn Nguyễn Văn Học – người giành giải Nhì cuộc thi viết “Vì an toàn giao thông Thủ đô” do Ban An toàn giao thông Thành phố và Sở Giao thông vận tải phối hợp tổ chức chia sẻ, tham gia giao thông tuân thủ Luật cũng là một trong những động thái góp phần xây dựng văn hóa. Hơn hết, xây dựng văn hóa giao thông là xây dựng thói quen tham gia giao thông một cách có văn hóa. Muốn hình thành thói quen này, vai trò của công tác tuyên truyền, giáo dục là vô cùng quan trọng.

Thực tế, Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, do đó nỗi lo về mất an toàn giao thông trên đường đến trường của học sinh luôn thường trực. Đáng chú ý, hiện mô hình kết hợp tuyên truyền với xử phạt đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Cả phụ huynh và học sinh đã có ý thức hơn trong việc chấp hành luật lệ an toàn giao thông.

Ngoài ra, để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh, Công an thành phố và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng phối hợp, tổ chức tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các trường học và cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố. Đây là việc làm ý nghĩa, có vai trò quan trọng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn thành phố và xây dựng văn hóa giao thông trong học đường.

Văn hoá giao thông tạo dấu ấn về người Hà Nội thanh lịch
Ban An toàn giao thông Thành phố Hà Nội tuyên truyền văn hóa giao thông tới học sinh.

Theo ông Ngô Minh Hoàn – Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội, ở các lĩnh vực khác, việc hình thành văn hóa giao thông cần sự tuyên truyền, vận động kiên trì, thường xuyên, lâu dài theo các tiêu chí nhất định, theo từng đối tượng và loại hình giao thông. Chẳng hạn, để nhân rộng những “hạt nhân” có ý thức tuân thủ và chấp hành luật lệ khi tham gia giao thông, năm nào Công đoàn ngành cũng tổ chức Hội thi “tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ và kỹ năng lái xe mô tô giỏi, an toàn. Đây là hoạt động ý nghĩa, là sân chơi bổ ích, lành mạnh và thực tế giúp đoàn viên, công nhân viên chức lao động nâng cao kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông.

Đặc biệt, mỗi thí sinh tham gia hội thi đều sẽ là một tuyên truyền viên tích cực về an toàn giao thông và xây dựng thói quen trong việc thực hiện Luật Giao thông; biết xử lý các tình huống nếu xảy ra va chạm giao thông; lan tỏa kỹ năng, văn hóa giao thông.

Rõ ràng, bằng nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau nhưng tất cả tựu chung đều hướng đến đó là việc xây dựng văn hóa giao thông. Bởi khi mỗi người ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông sẽ trực tiếp góp phần tạo thêm hình ảnh đẹp cho Thủ đô. Mỗi người dân Thủ đô cần tuân thủ pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông ngay từ những hành động nhỏ, để chúng ta có một xã hội giao thông an toàn.

Đinh Luyện