Một vấn đề đang được dư luận quan tâm là quy định thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô. Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan thấy rằng, việc quy định về chế độ tiền lương, thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô là cần thiết, tương đồng với chính sách đặc thù đang được Quốc hội cho thí điểm thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác.
Quy định này nhằm giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô bảo đảm đời sống, yên tâm công tác, cống hiến lâu dài, có hiệu quả cho sự phát triển của Thủ đô. Do đó, đề nghị giữ nội dung này như Chính phủ trình để báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi) vấn đề chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô là cần thiết. Ảnh: Quốc hội |
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, hiện nay các cơ quan hữu quan đang khẩn trương triển khai thực hiện chủ trương cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 104/2023/QH15 của Quốc hội, nên vấn đề này cần được đặt trong tổng thể cải cách tiền lương mới của cả hệ thống chính trị nói chung. Do đó, đề nghị không quy định về thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô trong dự thảo Luật.
Theo Dự thảo Luật, cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm 100% chi thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội quản lý được hưởng thu nhập tăng thêm căn cứ theo năng lực, hiệu quả công việc.
Đồng thời, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định sử dụng nguồn tăng thu và nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện chế độ chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô; tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của Thành phố.
Phát biểu thảo luận về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi) vấn đề chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô là cần thiết. Nghị quyết 07 cũng đã nêu rõ một số địa phương cân đối được ngân sách có thể áp dụng chi thu nhập tăng thêm, ngoài quy định của Trung ương.
Các đại biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội |
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, quy định về thu nhập tăng thêm, việc quy định chế độ tiền lương, phụ cấp, tăng thu nhập thêm của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô là cần thiết. Cơ chế này đã được quy định cho Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác. Việc quy định này giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đời sống, yên tâm công tác, cống hiến lâu dài, hiệu quả cho sự phát triển của Thủ đô. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị giữ nội dung này như Chính phủ trình, có báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị cân nhắc bổ sung quy định trong Luật việc chi thu nhập tăng thêm cho một số cơ quan ngành dọc trên địa bàn Thủ đô.
Cũng liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức, về quản lý biên chế, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc có cơ chế để thành phố Hà Nội được chủ động hơn về biên chế, bảo đảm khả năng hoàn thành các nhiệm vụ, quyền hạn được giao là cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý biên chế đang được thực hiện tập trung, thống nhất theo Quy định số 70-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Theo đó, Bộ Chính trị là cơ quan có thẩm quyền quyết định tổng biên chế và biên chế dự phòng của hệ thống chính trị, quyết định cụ thể biên chế theo nhiệm kỳ 5 năm của các cơ quan, tổ chức, địa phương.
Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giao Hội đồng nhân dân Thành phố xác định số lượng biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức căn cứ vào danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của thành phố Hà Nội, bảo đảm tỷ lệ giữa tổng số biên chế so với tổng số dân không vượt mức tỷ lệ trung bình của cả nước để trình cấp có thẩm quyền quyết định.