Đề xuất chính sách để xây dựng Hà Nội thành trung tâm khoa học, đổi mới sáng tạo

Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đặt ra mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á.

Sáng 21/9, Bộ Tư pháp và UBND thành phố Hà Nội đã phối hợp tổ chức hội thảo “Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo của Thủ đô”, nhằm đề xuất chính sách cho sửa đổi Luật Thủ đô. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu và Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đồng chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo có bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại diện Bộ Tư pháp, lãnh đạo các Sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội và các chuyên gia, nhà khoa học.

Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo

Đề xuất chính sách phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo của Thủ đô, UBND thành phố Hà Nội đặt ra mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á.

Đề xuất chính sách để xây dựng Hà Nội thành trung tâm khoa học, đổi mới sáng tạo
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết, Thành phố đề xuất trong thu hút nguồn lực phát triển khoa học và công nghệ Thủ đô, được quy định mức thu nhập tăng thêm đối với công chức, viên chức công tác trong ngành khoa học và công nghệ, các nhà khoa học, chuyên gia đang làm việc cho Thủ đô.

Đồng thời, Thành phố được quy định các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ trao quyền tự chủ trong quản lý để thu hút chuyên gia, nhà khoa học giỏi chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm hoặc đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ của Thủ đô. Các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Thủ đô Hà Nội đề xuất, đặt hàng.

Thành phố được thí điểm xét, phong tặng danh hiệu Công trình sư, Tổng Công trình sư cho các nhà khoa học và công nghệ làm việc ở Thủ đô; được thí điểm triển khai mô hình tổ chức đầu tư mạo hiểm có sử dụng một phần ngân sách Thành phố và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thu hút, thúc đẩy khởi nghiệp, ươm tạo doanh nghiệp, đổi mới công nghệ…

Được thí điểm hợp tác đầu tư, có chính sách hỗ trợ hình thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) ở một số doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực ưu tiên nhằm phát triển sản phẩm mới, mở rộng thị trường, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Đề xuất chính sách để xây dựng Hà Nội thành trung tâm khoa học, đổi mới sáng tạo
Đại biểu thảo luận tại hội thảo.

Áp dụng mức ưu đãi hỗ trợ cao nhất (tương đương các mức ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ cao) đối với các doanh nghiệp thực hiện đề tài, dự án ươm tạo công nghệ, đổi mới công nghệ có các sản phẩm tạo ra từ hoạt động ứng dụng công nghệ ươm tạo…

Điều chỉnh các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp công nghệ

Tham luận tại hội thảo, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các chính sách đề xuất cần cụ thể để thuận tiện cho đánh giá tác động. Dẫn ví dụ thành phố Cần Thơ xây dựng khu liên kết công nghiệp, bản chất là khu đổi mới sáng tạo doanh nghiệp, ông Thịnh cho rằng, Thủ đô cũng cần xây dựng một khu về đổi mới sáng tạo, vì muốn đổi mới sáng tạo cần có không gian. “Hà Nội đang trong giai đoạn hoàn thiện quy hoạch, cần bố trí không gian một khu vực khoảng vài trăm héc ta làm khu đổi mới sáng tạo”, ông Thịnh nói.

Ông Vũ Tuấn Anh, Phó trưởng Ban Khoa học công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn nhận, Thủ đô có rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học làm việc trên địa bàn, dù không là công chức, viên chức của Thủ đô. Thành phố cần có chính sách thu hút nguồn chất xám của các chuyên gia, nhà khoa học này và của cả nước. Đồng thời, cần quan tâm đến nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn lớn; có cơ chế gắn kết hoạt động khoa học công nghệ của địa phương khác với Hà Nội…

Ông Từ Minh Hiệu, Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng quan tâm đến chính sách khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn vào hoạt động đổi mới sáng tạo. Theo ông Hiệu, Hà Nội cần hỗ trợ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo ra dịch vụ tốt cho các Start-up triển khai hoạt động.

Hà Nội phải có đột phá về chính sách để có thể khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng sẵn có là ý kiến của ông Nguyễn Văn Yên, thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam.

Đề xuất chính sách để xây dựng Hà Nội thành trung tâm khoa học, đổi mới sáng tạo
Toàn cảnh hội thảo.

Cụ thể, Hà Nội cần tăng tỷ lệ chi ngân sách hàng năm cho chuyển đổi số và khoa học công nghệ. Trong Luật Thủ đô sửa đổi, cần cho phép Hà Nội có thể điều chỉnh các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp công nghệ. Thành phố cũng cần xem xét phương án sử dụng một phần vốn ngân sách cho khoa học công nghệ để đặt hàng hoặc hỗ trợ một phần chi phí để các doanh nghiệp công nghệ tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học công nghệ, đặc biệt là các công nghệ 4.0 như AI, BigData…

Để thúc đẩy sự phát triển của công nghệ AI, theo ông Yên, Hà Nội cần có cơ chế khuyến khích các cơ quan, đơn vị hành chính cấp dưới mạnh dạn sử dụng các giải pháp AI mà các doanh nghiệp trong nước đã cung cấp ra thị trường như chatbot, trợ lý ảo, điểm danh, kiểm soát an ninh, nhận dạng qua khuôn mặt…

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, việc đề xuất chính sách phát triển khoa học công nghệ sáng tạo của Thủ đô trong sửa Luật Thủ đô phải là những chính sách thật sự vượt trội và đặc thù riêng cho Hà Nội, để phát huy tiềm năng sẵn có của Hà Nội.

Để thực hiện các chính sách này cần nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp ưu đãi đặc thù trong thu hút phát huy nguồn lực sáng tạo cho Thủ đô, không nên chỉ giới hạn trong phạm vi địa phương; đảm bảo quyền tự chủ, tính dân chủ thông thoáng trong quản lý khoa học; khuyến khích thúc đẩy doanh nghiệp tham gia, xác định doanh nghiệp cần gì trong đổi mới sáng tạo như quản trị rủi ro…

Phương Thảo

Đề xuất chính sách để xây dựng Hà Nội thành trung tâm khoa học, đổi mới sáng tạo (laodongthudo.vn)