Giới hạn về phạm vi, đối tượng, điều kiện, thời gian
Các nội dung liên quan đến Quỹ đầu tư mạo hiểm và Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô là những nội dung quan trọng, mới, được quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Theo đó, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là việc ứng dụng, thử nghiệm các mô hình mới được giới hạn về phạm vi, đối tượng, điều kiện, thời gian và chịu sự kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong một số lĩnh vực mà chưa được pháp luật quy định, cần được thí điểm để tạo đột phá về giá trị và hiệu quả.
Cho phép thành phố Hà Nội áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong một số lĩnh vực và không áp dụng trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Điều kiện, phạm vi, thời gian thử nghiệm các giải pháp công nghệ mới gồm: Các giải pháp công nghệ mới thuộc lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực công nghệ trọng điểm của thành phố Hà Nội.
Toàn cảnh hội thảo. |
Ưu tiên các giải pháp công nghệ mới có thể tiến hành thử nghiệm trong khu công nghệ cao của Thành phố. Thời gian thử nghiệm giải pháp công nghệ mới tối đa là 3 năm. Căn cứ vào tình hình thực hiện thử nghiệm thực tế, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có thể điều chỉnh thời gian thử nghiệm.
Tham luận về đề xuất cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây, ông Trần Thế Trung, Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT cho rằng, công nghệ trí tuệ nhân tạo là một trong các trụ cột của cách mạng công nghiệp 4.0, có tiềm năng đem lại sự bứt phá cho hoạt động của doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước Việt Nam, một đòn bẩy để giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình và tiến lên thành quốc gia thịnh vượng.
Những năm gần đây chứng kiến ngày càng nhiều những đột phá trong công nghệ trí tuệ nhân tạo, tuy nhiên từ thực tiễn trong việc đưa các tiến bộ công nghệ này vào hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam, ông Trung cho rằng, đã nảy sinh một số điểm tắc nghẽn mà một cơ chế thử nghiệm có kiểm soát có thể khai thông.
Cụ thể gồm những lĩnh vực: Công nghệ trí tuệ nhân tạo giao tiếp có sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh; công nghệ định danh điện tử có sử dụng sinh trắc học. Các công nghệ này được đề xuất có hành lang pháp lý với cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho phép triển khai ở các doanh nghiệp, bao gồm các lĩnh vực hoạt động ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, chứng khoán, bán lẻ, giao vận, trên hạ tầng điện toán đám mây (hạ tầng on-cloud)…
Khai thông những điểm nghẽn phát sinh từ thực tiễn
Theo ông Trần Thế Trung, các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây được ban hành bởi nhà nước có tiềm năng khai thông những điểm nghẽn phát sinh từ thực tiễn ứng dụng các công nghệ này, tạo tiền đề để doanh nghiệp và cơ quan nhà nước bứt phá trong hiệu quả hoạt động nhờ ứng dụng những thành tựu công nghệ mới nhất.
Đề xuất cơ chế thí điểm, thử nghiệm có kiểm soát cho một số lĩnh vực kinh doanh mới ứng dụng máy bay không người lái tại Thủ đô, TS. Trần Thiên Phương, Công ty cổ phần công nghệ thông minh MiSmart cho biết, máy bay không người lái (UAV hay drone) là một công nghệ mới nổi với nhiều ứng dụng thực tế rất tiềm năng và hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, bao gồm nông nghiệp, lâm nghiệp, điện lực, viễn thông, xây dựng, an ninh công cộng, vận tải, cứu nạn cứu hộ…
Đề xuất cơ chế thí điểm, thử nghiệm có kiểm soát cho một số lĩnh vực kinh doanh mới ứng dụng máy bay không người lái tại Thủ đô. Ảnh: theo VGP |
Tuy nhiên, việc sử dụng UAV tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế do các quy định pháp lý chưa rõ ràng và thiếu tính linh hoạt. Để thúc đẩy mạnh sự phát triển của công nghệ UAV tại Việt Nam (hẹp hơn là trong phạm vi Hà Nội), đặc biệt là các lĩnh vực mới, đang là xu hướng của thế giới như cứu nạn cứu hộ, chữa cháy, vận tải hành khách (taxi bay chở khách), vận tải hàng hoá (taxi bay chở hàng)… cần có sự bổ sung cụ thể, kịp thời của các chính sách thí điểm, thử nghiệm và đặc thù vào Luật Thủ đô (sửa đổi).
Cần được thiết kế phù hợp với thực tiễn của Hà Nội
TS Trần Thiên Phương đề xuất, thứ nhất, cần bổ sung lĩnh vực máy bay không người lái (UAV) là 1 đối tượng được phép áp dụng thí điểm, thử nghiệm (sandbox) có kiểm soát.
Thứ hai, mở rộng địa điểm thí điểm, thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ UAV không nên chỉ giới hạn tại các khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo… Bởi, việc giới hạn thử nghiệm có kiểm soát tại khu công nghệ cao có thể không phù hợp để giúp phát triển công nghệ.
Có một số ứng dụng cần được ứng dụng trong không gian thực tế, có cư dân sinh sống thì mới có hiệu quả, như: chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, vận tải hành khách… Quy định cụ thể các khu vực này phải được trang bị các cơ sở hạ tầng, thiết bị cần thiết để hỗ trợ việc thử nghiệm UAV, đồng thời được giám sát chặt chẽ các rủi ro về an toàn, an ninh quốc phòng, hạn chế tác động tiêu cực cho xã hội.
Việc xây dựng cơ chế thử nghiệm (sandbox) cụ thể cho lĩnh vực UAV để đảm bảo khi Nhà nước cho doanh nghiệp thí điểm, các mối nguy hiểm hay rủi ro có thể được kiểm soát. Các tác hại xấu của công nghệ, sản phẩm được khoanh vùng và xảy ra chỉ trong phạm vi hẹp của “hộp” (box) và không ảnh hưởng bên ngoài. Sau thời gian thí điểm tốt có thể điều chỉnh, mở rộng mô hình công nghệ.
Thứ ba, doanh nghiệp trong nước thử nghiệm sản phẩm UAV cần được hỗ trợ tối đa 30% tổng kinh phí từ ngân sách với điều kiện doanh nghiệp phải mô tả chi tiết kết quả đầu ra công nghệ, hiệu quả kinh tế khi cung ứng ra thị trường Hà Nội và các lợi ích lan tỏa mà xã hội nhận được từ công nghệ họ mang lại sau khi hoàn thành thử nghiệm. Doanh nghiệp cũng cần mô tả các khả năng rủi ro, xây dựng phương án hợp lý về xử lý, khắc phục các vấn đề xảy ra trong quá trình thử nghiệm và cam kết không ảnh hưởng đến cộng đồng, xã hội.
Ví dụ chính sách thí điểm trong cứu nạn, cứu hộ, TS Trần Thiên Phương cho rằng, đây sẽ là một giải pháp quan trọng giúp nâng cao hiệu quả và an toàn cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn, tăng cường khả năng quan sát từ trên cao, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn; tiết kiệm thời gian và chi phí…
TS Trần Thiên Phương đề nghị, để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh doanh ứng dụng UAV tại Hà Nội, cần có sự hỗ trợ của các chính sách của Nhà nước. Các chính sách này cần được thiết kế phù hợp với thực tiễn của Hà Nội, đảm bảo tính linh hoạt, sáng tạo, khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, phát triển và ứng dụng UAV. Các chính sách này cần được triển khai thí điểm, thử nghiệm tại một số quận/huyện nhất định, trước khi áp dụng rộng rãi trên cả Thành phố.