Đại biểu cũng kiến nghị, ban soạn thảo nên nghiên cứu việc đề xuất tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách. Theo đại biểu, việc tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách sẽ có nhiều thuận lợi để đại biểu có toàn thời gian nghiên cứu tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến đề xuất các chính sách và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội và phục vụ cho nhân dân một cách kịp thời, hiệu quả.
Tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn tỉnh Lâm Đồng) cũng cho rằng, việc tổ chức mô hình thành phố trong thành phố sẽ tạo bước đột phá cho Thủ đô phát triển trong giai đoạn tới.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn tỉnh Lâm Đồng) phát biểu thảo luận |
Đại biểu đánh giá cao trong năm 2023, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành nghị quyết rất ưu việt và đột phá đó là quản lý tài sản công. Đại biểu đề nghị tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên từ 25-30%. Đồng thời bố trí đội ngũ lãnh đạo HĐND phù hợp; có quy định đổi mới, cải tiến phương thức hoạt động của HĐND Thành phố; HĐND quận, thị xã tiếp tục thực hiện mô hình chính quyền đô thị để tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực trên địa bàn phường không tổ chức HĐND…
Về quy định thẩm quyền của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội, tại khoản 4 Điều 9 của dự thảo luật đã quy định khá cụ thể về nhiệm vụ của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, đại biểu cho rằng quy định như dự thảo Luật sẽ phù hợp với đặc thù và điều kiện thực tế.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn tỉnh Đắk Nông) cũng cho rằng, quy định đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền Thành phố trong quyết định một số nội dung thuộc tổ chức bộ máy, biên chế là một bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề cho thành phố thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù trong dự thảo.
Việc phân quyền cho HĐND Thành phố được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, quận, huyện, thị xã, tạo sự chủ động, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu kịp thời trong công tác quản lý nhà nước hiện nay. Tuy nhiên, cũng cần nghiên cứu quy định thêm một số điều kiện, yêu cầu đặt ra để đảm bảo sự thận trọng, chặt chẽ hơn đối với việc thành lập các cơ quan mới này.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn tỉnh Đắk Nông) đề xuất tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách |
Để cụ thể hóa yêu cầu tại Nghị quyết số 15, Điều 17 của Luật đã thiết kế một khoản về thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô. Đại biểu cho rằng, đây là nội dung quan trọng, tạo ra cú hích trong cơ chế thu hút, trọng dụng, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, để quy định có tính khả thi hơn, đại biểu cho rằng cần trao quyền cho HĐND Thành phố ban hành các văn bản quy định cụ thể hơn với các đối tượng cần thu hút, có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng, để có quy định về chế độ, chính sách cho phù hợp trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ, để thu hút, giữ chân được người tài đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô.
Góp ý cụ thể về số lượng đại biểu HĐND thành phố Hà Nội quy định tại khoản 2 Điều 9, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn tỉnh Yên Bái) bày tỏ thống nhất với dự thảo Luật quy định tăng số lượng đại biểu HĐND Thành phố từ 95 lên 125 đại biểu. Khi không còn HĐND quận, phường thì vai trò, trách nhiệm trong việc thẩm tra, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng sẽ do HĐND Thành phố đảm nhiệm. Do vậy, việc tăng số lượng đại biểu HĐND Thành phố là hợp lý.
Đại biểu tham dự kỳ họp sáng 27/11 |
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng trong dự thảo đang đề nghị tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên ít nhất 25% là chưa tương ứng với số lượng nhiệm vụ, quyền hạn được tăng thêm của HĐND thành phố Hà Nội. Do vậy, đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo cần xem xét nâng tỷ lệ đại biểu HĐND Thành phố hoạt động chuyên trách có thể lên ít nhất là 30 hoặc 40% như đối với đại biểu Quốc hội để đảm bảo hiệu quả hoạt động của HĐND Thành phố.
Đồng thời ngoài nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung thêm thẩm quyền cho Thường trực HĐND Thành phố trong việc cho ý kiến thống nhất với Ủy ban nhân dân Thành phố giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các kỳ họp của HĐND để tạo tính chủ động, linh hoạt trong thực hiện các nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.