Trên các bức tường của hàng loạt mặt bằng đắc địa bị bỏ hoang ở quận 1 như Hai Bà Trưng, Nguyễn Văn Trỗi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thị Minh Khai, Hai Bà Trưng, Lý Tự Trọng, Cách Mạng Tháng Tám, Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu… chi chít những tờ quảng cáo “cho thuê chính chủ”, không chỉ quảng cáo những địa điểm này mà còn ở những nơi khác.
Một mặt bằng nhưng có đến hàng chục số điện thoại tự xưng là “chính chủ”. |
Để xem ai là “chính chủ” của một căn nhà gắn biển cho thuê trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), phóng viên Báo Lao động Thủ đô gọi vào số điện thoại 0909657.xxx và được một người đàn ông nghe máy, tự nhận mình là chính chủ, khẳng định những người khác chỉ là môi giới, nếu thuê nhà từ họ thì giá sẽ thấp hơn những người môi giới kia. Tuy nhiên cũng số điện thoại này, lại được tự nhận là chính phủ trên biển quảng cáo gắn một căn nhà khác ở đường Võ Văn Tần, Hai Bà Trưng.
Đáng chú ý, có một số trường hợp khi gọi tới thì ngay lập tức họ nhận mình chỉ là môi giới và gửi cho phóng viên một số điện thoại khác, nói rằng đó là số điện thoại chính chủ của căn nhà đó. Nhưng khi gọi vào các số điện thoại này lại “lộ ra” nhiều “chính chủ” khác.
Anh Hoàng Văn Thọ (chủ kinh doanh thời trang, ngụ quận 3) cho biết, thời gian qua anh đang có nhu cầu tìm kiếm mặt bằng để mở cửa hàng kinh doanh thời trang, nhưng do giá quá cao nên đến nay vẫn chưa tìm ra nơi phù hợp. Bên cạnh đó, những nơi đang rao cho thuê mặt bằng xuất hiện nhiều người tự nhận là “chính chủ” nên anh không biết phải liên hệ với ai để có được giá tốt nhất.
“Mặt bằng đẹp ở khu vực trung tâm đang có nhiều, nhưng giá thì lại không thấp như tôi nghĩ. Để có được giá thuê tối ưu, tôi phải liên hệ được với chính chủ thực sự. Còn nếu liên hệ với môi giới, giá thuê nhà có thể bị đôn lên hoặc sẽ bị mất phí môi giới với số tiền không nhỏ. Do vậy, việc tìm được mặt bằng tốt là một chuyện, nhưng để tìm được chính chủ mới là chuyện khó”, anh Thọ chia sẻ.
Thực tế, tình trạng môi giới mặt bằng, nhà cho thuê tự nhận là “chính chủ” diễn ra rất phổ biến ở TP.HCM và một số thành phố lớn khác. Muốn giảm chi phí, người thuê phải tốn thời gian và công sức để xác thực thông tin “chính chủ” dán trước cửa nhà. Nếu không tìm ra chủ nhà hoặc môi giới “ruột” của chủ nhà, thì người thuê phải đối mặt với việc bỏ thêm chi phí, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh và vướng vào nhiều loại giấy tờ, thủ tục không đáng có.
Tương tự, chị Nguyễn Hạnh, chủ tiệm hoa trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3 cho hay, do muốn mở rộng mặt bằng nên chị đang tìm kiếm mặt bằng khác ở đường Cộng Hòa, quận Tân Bình. Có nhiều mặt bằng dán số điện thoại tự cho chính chủ nhưng đến khi gặp mặt thì mới biết là “cò”, môi giới. Dẫn tới việc thiếu thông tin chính chủ để thực hiện các thủ tục thuê nhà cũng như thương thảo giá thuê hợp lý, rất mất thời gian đi lại, thậm chí phiền toái khi các môi giới liên tục gọi điện rao mời với giá rất cao.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao động Thủ đô, anh Nguyễn Văn Sơn, chuyên viên truyền thông của một công ty bất động sản ở TP.HCM cho biết, việc môi giới dán nhiều số điện thoại trước cửa nhà là do chủ nhà đã liên hệ nhờ vả trước đó. Còn nếu chủ nhà cho thuê không làm việc với môi giới thì họ sẽ không dán số điện thoại. Phí cho môi giới mà các chủ nhà phải trả khi tìm được khách thuê thường giao động từ 0,5-1 tháng tiền thuê nhà, tuỳ theo giá trị thuê và thời gian ký hợp đồng với khách thuê.
“Khi chủ nhà có nhu cầu cho thuê nhà, họ sẽ liên hệ với bên công ty môi giới bất động sản. Sau khi đạt được thỏa thuận về mức giá cho thuê, đối tượng cho thuê… thì hai bên ký hợp đồng. Người môi giới khi đó sẽ dán trước cửa nhà số điện thoại của họ và số điện thoại chủ nhà, nếu có khách liên hệ tới thì họ sẽ sắp xếp gặp chủ nhà, chốt được hợp đồng thì chủ nhà sẽ trả phí hoa hồng cho môi giới”, anh Sơn chia sẻ.
Tuy nhiên cũng có trường hợp khi chủ nhà rao tin cho thuê trên mạng xã hội, môi giới nhà đất sẽ chủ động liên hệ để đặt vấn đề với chủ nhà. Nếu đạt được thỏa thuận, những môi giới đó sẽ tiếp tục rao tin ở những trang web, mạng xã hội của họ. Hoặc các môi giới sẽ chia sẻ thông tin lẫn nhau, nếu ai tìm được khách thì sẽ được hưởng hoa hồng được cắt lại từ môi giới ban đầu – người làm việc trực tiếp với chủ nhà.
“Hiện nay tình trạng đăng tin vô tội vạ, quảng cáo bát nháo ở phân khúc mặt bằng, nhà cho thuê đang tác động không nhỏ đến việc cho thuê mặt bằng, đồng thời ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Vì vậy, các nhà quản lý cần có biện pháp giám sát chặt chẽ hơn thông qua các quy định cụ thể liên quan đến vấn đề quảng cáo trên đường phố”, đại diện một chủ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tại TP.HCM chia sẻ.
Mới đây, Ban chỉ đạo 138 TP.HCM đã yêu cầu Ban Chỉ đạo 138 quận, huyện, thành phố Thủ Đức đồng loạt tổ chức lễ ra quân tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bóc, xóa các quảng cáo sai quy định tại nơi công cộng trên địa bàn. Vận động người dân, doanh nghiệp thực hiện ký cam kết không in ấn, tham gia dán, vẽ, treo, phát hành… các quảng cáo sai quy định, giữ gìn vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.
Công an TP.HCM cũng đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm tra các cơ sở dịch vụ photocopy, in ấn, nhắc nhở, vận động chủ cơ sở không in ấn các sản phẩm quảng cáo dùng để dán, treo, gắn trái phép tại nơi công cộng.
Đồng thời tăng cường kiểm tra nhân hộ khẩu, nắm hộ, nắm người, nắm nhân thân lai lịch, di biến động của các đối tượng nghi vấn hoạt động dán quảng cáo trái phép… để phối hợp các đơn vị chức năng xử lý khi cần thiết.