Di tích đình Mỗ Xá, thôn Mỗ Xá, xã Phú Nam An

Thôn Mỗ Xá, xã Phú Nam An, huyện Chương Mỹ, Hà Nội có một cụm di tích cổ được xây dựng từ lâu đời, đây chính là nơi sinh hoạt văn hóa công cộng của toàn thể làng Mỗ Xá. Cụm di tích này được gọi theo tên thôn là đình – chùa Mỗ Xá. Chùa còn có tên chữ là “Linh Quang tự”. Ngoài ra nhân dân còn gọi theo tên nôm là đình – chùa Mụ.

Mỗ Xá là một làng Việt cổ nằm gần sông Đáy. Nơi đây gần ngã ba Ba Thá, nơi gặp nhau giữa sông Đáy và sông Bùi. Đầu thế kỷ XIX, Mỗ Xá thuộc tổng Văn La, huyện Chương Đức, trấn Sơn Nam thượng. Triều vua Tự Đức nhà Nguyễn huyện Chương Đức đã đổi thành huyện Chương Mỹ thuộc tỉnh Hà Đông. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, Mỗ Xá thuộc xã Phú Nam An. huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông, sau là Hà Tây, nay là Hà Nội. Xã có địa giới phía Đông giáp xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) và Văn Võ, phía Tây và phía Nam giáp xã Hòa Chính, phía Bắc giáp xã Văn Võ (thuộc huyện Chương Mỹ).

Theo cuốn thần phả sao lại vào năm Bảo Đại ngũ niên (1930) và truyền thuyết lưu truyền trong dân thôn thì đình Mỗ Xá thờ các vị thành hoàng là: (1) Đỗ Lương chi thần đại vương (2) Tuấn Lương chi thần đại vương (3) Độc Cước chi thần đại vương (4) Ý Chinh phu nhân và Nhân Lộc công chúa.

Đình và chùa làng Mỗ Xá được xây dựng trên cùng một thửa đất, trông về hướng Tây. Ngôi chùa được làm phía bên trái ngôi đình, hơi lùi lại phía sau. Đình được xây dựng theo bố cục chữ quốc với các hạng mục kiến trúc chính như: Đại bái, Hậu cung và 2 dãy tả hữu mạc. Đình cũng có hệ thống sân lát gạch, tường bao quanh đất đai khu di tích và vườn trồng cây ăn quả.

Đại bái đình Mỗ Xá gồm 5 gian được làm kiểu tường xây, hồi bít đốc, tay ngai với hai mái chảy lợp ngói ri cổ. Các bộ vì đỡ mái Đại bái được làm theo hai kiểu thức khác nhau chút ít trên mặt bằng 6 hàng chân cột. Trang trí trên kiến trúc Đại bái được làm công phu, tỉ mỉ theo một cách thống nhất là: vân mây cách điệu hình hoa, lá lật hổ phù, chữ tiện. Các kẻ chuyển, xà nách được soi gờ chỉ và chạm thưa, nét to, khoẻ. Các con rường cụt được chạm dầy, nét nhỏ và mềm mại hơn. Nhìn chung các nét chạm đều theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn với lối chạm nổi, nông, mềm mại. Không gian giữa Đại bái phía bên trong có treo 2 bức hoành phi lớn, một đôi câu đối gỗ lòng máng, một hương án trên có đặt long ngai, bát hương, hai bên là bộ bát bửu gỗ. Các dị vật này đều được chạm khắc công phu, tỉ mỉ và được sơn son thếp vàng rực rỡ.

Hậu cung đình Mỗ Xá là một ngôi nhà ngang 3 gian nằm song song với Đại bái, cách Đại bái một khoảng sân lọng nhỏ. Hạng mục công trình này được người xưa kiến trúc theo kiểu thức chồng diềm 2 tầng 3 mái chảy (1 mái sau, 2 mái trước). Ba phía Hậu cùng là tường gạch xây cao, đầu hồi bít đốc. Ở hàng chân cột cái phía trước, bên trên xây tường dưới là hệ thống cửa bức bàn với 3 lối đi chính ngăn Hậu cung thành 2 phần: hiện cung và cung cấm. Bờ nóc Hậu cung đắp bờ định có trang trí lưỡng long chầu nguyệt, đầu bờ nóc xây đấu, bờ dải liền với tường hổi có xay giật cấp kiểu tam giác vuông. Ở về hai phía hồi Hậu cung có hai dãy nhà tả hữu mạc nối liền Hậu cùng với Đại bái thành hình chữ quốc. Đây là 2 dãy nhà ngang, tường xây hồi bít đốc với các bộ vì kiểu kèo kẻ quá giang đơn giản. Một bên nhà dùng làm nơi đặt bàn ghế tiếp khách, một bên là nơi để kiệu và một số vật dụng khác của đình.

    

Đình Mỗ Xá, xã Phú Nam An được xây dựng từ lâu đời và đã được trùng tu nhiều lần. Hiện tại đình mang phong cách kiến trúc và điêu khắc thời Nguyễn, tuy vậy đình còn bảo lưu được nhiều di vật độc đáo và hiếm quý có niên đại từ đầu thế kỷ XVII cho đến nay.

Về kiến trúc, đình Mỗ Xá có quy hoạch kết cấu của một ngôi đình cổ, tọa lạc trên thế đất đẹp hướng càn tú, đằng sau là mắt. rồng ở làng Mỗ Xá. Nghệ thuật trang trí điêu khắc trên kiến trúc gỗ ở đình Mỗ Xá được thể hiện rõ nét qua các bức chạm khắc trên toàn bộ khung nhà vơi niên đại ở đầu thế kỷ XX, tuy nhiên nó lại mang được những nét đặc trưng của mỹ thuật thời Nguyễn. Đề tài trang trí phong phú như: rồng, phượng, lân, sư tử… các hoa văn: may, lá lật, thông, mai, cúc, trúc… và các họa tiết dân gian khác.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình Mỗ Xá là nơi cất giấu tài liệu, là cơ sở cách mạng, là nơi hội họp của chính quyền, của dân thôn. Các cuộc thi đua sản xuất, chiến đấu cũng như tiễn đưa con em mình đi bộ đội đều xuất phát từ mái đình thân yêu này.

Từ khi xây dựng đến nay ngôi đình đã được tu sửa nhiều lần, lần trùng tu lớn nhất vào năm 1991 nên hiện tại ngôi đình còn tương đối vững chắc. Qua các lần tu sửa kiến trúc cổ vẫn còn bảo tồn nguyên vẹn.

      

Tuy nhiên do ảnh hưởng của hai cuộc chiến tranh lớn và một thời kỳ ý. thức giữ gìn bảo vệ di tích chưa tốt nên các di vật ở đình bị mất mát nhiều. Ngày nay với tinh thần đóng góp tự nguyện và công đức của khách thập phương vẫn đề này đang được khắc phục dần.

Lễ hội truyền thống làng Mỗ Xá được mở vào các ngày từ 22 đến 25 tháng Giêng âm lịch hàng năm, trong đó chính hội là ngày 24 tháng Giêng. Để chuẩn bị vào ngày hội từ ngày 22 tháng Giêng, các quan viên, dân làng đem 5 cỗ kiệu để phụng nghinh thần sắc từ các quán về đình, hạ kiệu, rước sắc vào cung để tế lễ. Đi cùng với đoàn rước kiệu là bát bửu, cờ quạt, tàn, tán, phường bát âm thổi các điệu với kèn, trống đàn, nhị, sáo và đội múa lân do dân tự tổ chức.

Vào các năm phong đăng hòa cốc, làng Mỗ Xá còn mời các dân kết nghĩa ở Văn La (xã Văn Võ), Mục Xá (Cao Dương – Thanh Oai) và Thương Lao đến dự. Mỗi làng được mời rước kiệu đến 01 ngày, tế thần lễ thánh xong tai rước về. Ngày cuối cùng 25 tháng Giêng tất cả các làng đều rước kiệu đến bãi dưới để dự tế yến.

Ngoài ngày lễ hội chính, trong một năm làng còn tổ chức các ngày kỷ niệm khác như ngày 09/6 là ngày hóa của Nha tướng Đỗ Tuấn Lương; Ngày 15/7 ngày hóa của hai mẹ con bà hoàng hậu và ngày 06/11 ngày hóa của vị Đỗ Chúc Lang. Trước kia dân làng chỉ tổ chức làm giỗ và tế ở đình, mới đây làng lấy ngày 15/7 tổ chức cho các cụ bà dâng hương. Các ngày tuần tiết, ngày tết trong năm như: lễ thượng điền và hạ điện, lễ cơm mới, lễ hạ nêu, tết Nguyên đán, tết đoan ngọ, tết trùng thập… cũng có lễ ở đình – chùa làng.

 Đình Mỗ Xá có ý nghĩa nhiều mặt về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đã góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Với ý nghĩa đó chính quyền và nhân dân địa phương đang có phương án sử dụng ngôi đình là trung tâm sinh hoạt văn hóa chính trị của toàn dân. Những ngày thường có hội họp của các đoàn thể. Những ngày lễ trong hội làng được tổ chức theo phong tục cổ truyền của quê hương, hình thức diễn hội luôn biến đổi đáp ứng được tính dân tộc, tính khoa học và đại chúng… thông qua đó tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương cho mỗi công dân càng hăng say lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lan Anh – Đào Vinh / nguoihanoi.com.vn