“Địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng

Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) với hơn 5.000 hiện vật, hình ảnh, tư liệu được lưu trữ, trưng bày nhằm tái hiện lại một thời những chiến sĩ cách mạng trong cả nước phải sống nơi “địa ngục trần gian” (nhà tù Phú Quốc). Nơi đây được xem là “địa chỉ đỏ” để các thế hệ đến tham quan, cùng nhau ôn lại một thời hào hùng của dân tộc.

Trong những ngày tháng 4 đầy nắng, khi cả nước hướng đến Ngày kỷ niệm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tôi tìm đến Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.

Tại Bảo tàng, từng đoàn khách lặng lẽ xếp hàng thắp nén hương thành kính tri ân các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

“Địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng
Bảo tàng hiện đang trưng bày, lưu giữ hơn 5.000 hiện vật, hình ảnh, tư liệu

Với tâm nguyện chính để tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh, tố cáo tội ác của chiến tranh đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ về những năm tháng chiến tranh, lòng kiên trung, dũng cảm bảo vệ Tổ quốc của thế hệ cha ông, ông Lâm Văn Bảng đã tặng 2.000m2 đất của gia đình để làm Bảo tàng.

Để làm phong phú các hiện vật, tư liệu, ông Bảng tập hợp một số cựu tù binh Phú Quốc và các nhà tù khác, liên hệ với Ban liên lạc tù binh ở các nơi để sưu tầm tài liệu, hiện vật.

Để sưu tầm được các hiện vật, ông cùng các thành viên trong Bảo tàng phải bỏ công sức, thời gian để đến gặp gỡ, thuyết phục các cựu chiến binh năm xưa. Với ông mỗi hiện vật là một câu chuyện dài, có khi là cả bước ngoặt của cuộc đời.

Bảo tàng chia làm hai khu với các gian trưng bày. Hiện nay, Bảo tàng đang trưng bày, lưu giữ hơn 5.000 hiện vật, hình ảnh, tư liệu, gần 6.000 cuốn sách thư viện tái hiện sự khốc liệt qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta và tinh thần bất khuất, kiên trung của các chiến sĩ cách mạng.

“Địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng
Với những hiện vật được sưu tầm, Bảo tàng đã tái hiện sự khốc liệt của hai cuộc kháng chiến của dân tộc ta và tinh thần bất khuất, kiên trung của các chiến sĩ cách mạng.

Hiện vật trưng bày tại Bảo tàng đều rất chân thực, sống động là góc khuất của bằng chứng tố cáo tội ác chiến tranh, là những tư liệu, tài liệu vô giá để giáo dục truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước, con người, nhắc nhở thế hệ trẻ hiểu sâu hơn công lao của Đảng, sự hy sinh của lớp người đi trước, phải đổi bằng xương máu để có được cuộc sống hôm nay.

Điểm khác biệt của Bảo tàng nơi đây so với các Bảo tàng khác là hướng dẫn viên tại Bảo tàng chính là các cựu tù binh năm xưa – những chiến sĩ cách mạng từng bị kẻ thù giam cầm.

Bảo tàng hoạt động với phương châm 4 tự: Tự nguyện, tự túc, tự quản, tự chịu trách nhiệm. Hiện nay Bảo tàng có 12 thành viên tham gia hoạt động chính. Các thành viên tham gia làm việc trên tinh thần tự nguyện, tình nghĩa với đồng đội đã hy sinh, họ hoạt động rất tích cực.

“Tất cả các thành viên mỗi người một việc đều rất nhiệt tình, tâm huyết, dành tình cảm đối với đồng đội đã hy sinh. Được gắn bó với Bảo tàng là niềm vui của tôi cũng như anh em cựu chiến binh.

Hy vọng những câu chuyện, công việc mà chúng tôi đang làm sẽ lan tỏa và truyền lửa đến các thế hệ mai sau, tiếp bước cha ông, bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc”, ông Lâm Văn Bảng (Giám đốc Bảo tàng) chia sẻ.

N.Hoa
https://laodongthudo.vn/dia-chi-do-giao-duc-long-yeu-nuoc-truyen-thong-cach-mang-139509.html