Gia đình ông Phan Lạc Hùng đã nhiều đời gắn bó ở làng Hữu Bằng (huyện Thạch Thất, Hà Nội), nơi nổi tiếng với nghề mộc, buôn bán khắp các tỉnh thành. Hơn 50 năm gắn bó với “cái chày, cái đục”, ông Hùng luôn ấp ủ ý định muốn chế tác mô hình đình làng Hữu Bằng có tuổi đời lên đến 350 năm bằng gỗ gụ với kích thước nhỏ nhất có thể.
Sau 5 năm lên ý tưởng, tìm nguyên liệu và thực hiện, mô hình nặng 60 kg, có tỉ lệ 1/1.000 so với nguyên mẫu đã hoàn thành. Đến thời điểm hiện tại, đây là mô hình đình làng bằng gỗ gụ nhỏ nhất Việt Nam.
Ông Phan Lạc Hùng (67 tuổi) là người ở thôn Sen, xã Hữu Bằng. Quê hương ông có nghề gỗ truyền thống. Cả làng đều làm nghề mộc nhiều đời gắn bó với “cái chày, cái đục”. |
Đình làng Hữu Bằng thuộc xã Hữu Bằng, xưa được gọi với tên nôm là đình Kẻ Nủa, được công nhận di tích Lịch sử – Văn hóa năm 1989, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 30km về phía Tây. Nhà ông Hùng ở gần đình làng Hữu Bằng nên cả cuộc đời ông gắn bó với ngôi đình cổ kính này. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã giữ trong tâm một tình yêu đặc biệt đối với đình làng. Tình cảm đó thôi thúc ông Hùng thực hiện mô hình đình Hữu Bằng bằng gỗ “phiên bản siêu nhỏ”. |
Mô hình đình làng Hữu Bằng được lên ý tưởng trong 3 năm và mất hơn 2 năm để gia công. Đình đã có niên đại 350 năm nên không có bản vẽ. Do đó, những ngày mới lên ý tưởng, ông Hùng phải ghi nhớ mọi thông tin liên quan đến ngôi đình bằng cách quan sát. Mỗi ngày sau buổi tập thể dục, ông dành 30 phút để ngắm nghía tổng quan đình, dùng điện thoại chụp ảnh lại các chi tiết nhỏ, sau đó về nghiền ngẫm, tính toán cân nhắc cách làm. |
Để chế tạo ngôi đình bằng gỗ với tỉ lệ chính xác, ông Hùng cho biết, đầu tiên ông phải làm bản vẽ, kẻ diện tích khuôn viên ngôi đình. Lấy đình chính làm chuẩn, chia theo đúng tỉ lệ bản gốc. |
Mỗi ngày, ông dành 6 – 8 tiếng thao tác các công đoạn gia công phức tạp. Mỗi chi tiết phải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ từng chi tiết từ giải phẫu vật thể, tìm vật liệu thích hợp, gia công các chi tiết, sau đó lắp ráp, phối màu, phối cảnh… |
Các công đoạn đều được ông Hùng tự tay thực hiện, từ những chi tiết nhỏ nhất như làm tấm ngói bằng gỗ ép được cắt sao cho y hệt tấm ngói được lợp ở đình; đến cái mộng nhỏ trên cột được chế tác một cách tinh vi; khung cửa hình chữ thọ; đến công đoạn gắn keo, thêm cây tùng, cây cau siêu nhỏ. |
Ông Hùng đã rất tỉ mỉ để làm từ những chi tiết nhỏ nhất như tấm ngói bằng gỗ ép được cắt y hệt tấm ngói được lợp ở đình. Mô hình đình làng Hữu Bằng sử dụng khoảng 70.000 viên ngói. Mỗi ngày ông Hùng chỉ dập được 1.500 viên và mất khoảng 2 tháng mới làm xong chi tiết mái ngói. |
Những chi tiết dù là nhỏ nhất đều được chăm chút, theo khuôn mẫu đình ở đời thực. |
Việc chế tác những mô hình siêu nhỏ này đòi hỏi ở người thợ sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và khả năng ước lượng về tỉ lệ rất cao. Chính sự cần mẫn, tính thủ công cao, không bị phụ thuộc vào máy móc kỹ thuật đã tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm của ông Hùng. |
Sau năm 5 năm miệt mài, mô hình đình làng với tỉ lệ 1/1.000, nặng 60 kg đã hoàn thành. Điều ấn tượng nhất là mô hình thu nhỏ giống đến 95% so với nguyên mẫu. |
Bộ cửa sơn son thiếp vàng cũng giống y hệt về kiểu dáng và chất liệu, thậm chí có thể mở ra vào như bản thật. |
Sau khi hoàn thiện, mô hình đình làng của ông Hùng được nhiều người biết và đến chiêm ngưỡng. Có người ngỏ ý mua mô hình nhưng ông nhất quyết từ chối vì “đó không phải mục đích ban đầu định làm”. Với ông, công trình đình làng là nơi lưu giữ những ký ức đẹp của vùng quê nơi ông sống và lớn lên, và là cách để quảng bá du lịch địa phương. |
P.Ngân (laodongthudo.vn)