Thụy Ứng là một trong bốn làng của xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội. Ngoài nghề làm ruộng, làng có nghề làm lược sừng nổi tiếng là làng nghề duy nhất trên cả nước làm lược bằng sừng trâu, bò và đã đi vào ca dao của Thường Tín
Lược sừng Thụy Ứng chàng ơi!
Trăm nghề quê thiếp, thiếp mời chàng mua
Theo sách “Thường Tín đất danh hương”, nghề làm lược sừng ở Thụy Ứng được ra đời cách ngày nay khoảng trên 400 năm. Mặc dù không rõ tên tuổi thầy dạy nghề, nhưng dân làng đã làm bức ảnh chân dung ông tổ nghề bằng khảm trai, lồng trong giá gương, để thờ tại tam bảo chùa làng. Năm 1932 (Bảo đại năm thứ 7) dân làng đã hưng công, xây ngôi đền 3 gian ở cạnh chùa và rước ngài về thờ tại hậu cung. Năm 1997, dân làng trùng tu, nâng cấp đền thờ khang trang hơn. Hàng năm dân làng đều tổ chức cúng tế vào rằm tháng hai và rằm tháng tám rất trang trọng và theo nghi lễ dân gian. Những ngày thường, làng cử cụ từ đèn nhang, trông nom đền thờ.
Khởi đầu nghề làm lược bằng nguyên liệu gỗ trại non và gỗ nhãn, sau chuyển sang làm bằng sừng. So với làm lược bằng gỗ, làm lược bằng sừng, dụng cụ và công đoạn nhiều gấp đôi, kỹ thuật kiểu dáng đa dạng và phức tạp hơn nhiều.
Sừng trâu mua về, người thợ cưa thành từng khúc, tính từ ngọn đến gốc, mỗi khúc dài ngắn tùy thuộc vào độ dài của từng loại lược (từ 15 đến 20 phân). Sau đó dùng các ống tre tươi, có đường kính khác nhau, để lồng các ống sừng (riêng đoạn sừng đặc phải dùng loại cặp sắt) và đưa vào lăn hơ đều trên ngọn lửa rơm, khi lăn không được để sừng cháy. Khi thấy phần da mặt của sừng có ánh lửa xanh biếc là sừng chín. Lấy tay gỡ khúc sừng khỏi ống tre và đưa nhanh vào bàn ép, tránh để nguội ép dễ vỡ. Khi nướng được khúc thứ 2, nhấc khúc thứ nhất sang ngăn phụ, đặt khúc vừa hơ chín vào ngăn chính để ép tiếp. Nướng đến khúc thứ 3 thì khúc đầu đã ép đạt độ phẳng, đem nhúng vào thùng nước lạnh cho nguội và tránh bị đàn hồi.
Dùng cưa, dọc khúc sừng đã ép ra làm bốn hoặc sáu mảnh, dùng vời đẽo cho phẳng cả hai mặt trong và ngoài thành từng mảnh. Đẽo xong, lựa mảnh có độ dày quy định của lược (trên dưới 6 ly) gọi là lược một, không phải xẻ. Những mảnh có độ dài trên 8 ly trở lên phải xẻ. Dùng loại cưa mỏng hơn, loại cưa dọc để xẻ ra từng bản, mỗi bản là tiền thân một cái lược. Tùy độ dày mỗi mảnh, có thể xẻ được hai ba bản, riêng khúc ngọn xẻ được nhiều hơn. Khi xẻ xong, mang ngâm tất cả vào chậu nước khoảng một giờ rồi dùng bào (làng nghề gọi là phang) để bào nhẵn cả hai mặt. Khi bào phải tạo được một chiều dày (sống lược), một chiều mỏng (bụng lược)
Các bản đã bào nhẵn, lấy mẫu được làm bằng gỗ đặt lên mặt bản, dùng bút chì vạch xung quanh. Tùy theo mặt bản rộng, hẹp mà đặt mẫu bản các kiểu lược: lược thẳng, lược chuôi to, lược chuôi nhọn (đuôi chuột), lược múi bưởi….Vừa đâu đặt đấy sao cho tận dụng được bản sừng. Vạch xong mẫu, dùng cưa loại nhỏ bản và mỏng gọi là “cưa déo” theo vạch ngoài khuân mẫu, kiểu dáng chiếc lược để cưa.
Công đoạn tiếp theo là cắt răng lược, tùy theo mỗi kiểu lược đẻ dùng các loại cưa cắt răng: loại lược thẳng, một nửa cắt răng thưa, một nửa cắt răng mau, loại lược chuôi to, lược múi bưởi cắt răng to, mạch rộng hơn. Phần cưa răng đòi hỏi người thợ phải tạo được sự cân đối giữa các phần chuôi, răng, mạch rãnh sao cho hài hòa, thanh thoát. Sau đó đến phần chuốt (dụng cụ có hình như cái dũa răng cưa) sao cho cân đối vào rãnh lược. Nếu đặt lệch, khi đẩy một cạnh răng lược sẽ bị vẹt, cạnh răng bên lại chỉ lướt qua. Thợ khi đẩy chuốt phải đẩy từ giữa rãnh răng đến ngọn để tạo ngọn răng lược nhọn, gốc răng để vuông. Đến đây, toàn bộ công đoạn chính đã hoàn thành xong một chiếc lược.
Còn lại công đoạn phụ là trang trí chiếc lược sửa các đầu bị chéo răng, sửa sống lược cho vuông hoặc tròn, hoặc thứa hình dóng trúc và khéo chỉ rãnh chân răng lược. Cuối cùng, dùng cào con nạo ngang dọc cho thật nhẵn, sau đó kẻ vân hoa sống lược và dùng giấy nháp loại nhỏ nhất, chùi cho lược được bóng đẹp, mát mắt người tiêu dùng. Thợ sản xuất được một chiếc lược đẹp hay xấu là do tay nghề quyết định. Nhưng bí quyết lại do sự kiện tạo đồ nghề như các loại cưa to, nhỏ; các kiểu chuốt ngắn, dài, vời đẽo, phang (bào), nạo và các loại dụng cụ nhỏ khác….Tất cả đều mang đặc trưng của làng nghề Thụy Ứng. Đặc biệt cách tạo dụng cụ, đồ nghề sắc ngọt, để làm lược, đòi hỏi kỹ thuật rửa cưa, mài chuốt nhiều loại khác nhau để khi chuốt răng lược được nhọn. Nếu ngọn răng chuốt hơi gợn sẽ làm bật các lớp thớ của sừng (trong nghề gọi là bị vang). Riêng cái vời phải mài bằng đá loại tốt hơn,thường để mài dao kéo.
Nhờ bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú của những nghệ nhân làng Thụy Ứng, sản phẩm mỹ nghệ Thụy Ứng không chỉ có lược sừng mà những người thợ đã cho ra đời hàng loạt những sản phẩm tinh xảo như: Khung tranh, ảnh nghệ thuật, long phượng, tẩu thuốc, quân cờ, môi thìa… được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Sản phẩm của làng đã xuất khẩu ra nước ngoài như Trung Quốc, Nhật, Pháp, Đức,.. Làng nghề có điều kiện để phát triển. Ngoài lược sừng, một số hộ đã nhập gỗ nhíp (loại nhựa gỗ do Mỹ và Nhật sản xuất) để làm ra nhiều sản phẩm đẹp, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của khách hàng
Từ sản xuất bằng thủ công đến nay, người thợ Thụy Ứng đã sản xuất theo dây chuyền công nghiệp: Dùng máy cưa để cắt sừng, dùng máy thủy lực để ép các đoạn sừng và móng sừng thành phôi, dùng máy cưa để tách phôi, dùng khuôn mẫu các loại để cắt déo bằng máy, dùng mô tơ, điện để chà cho nhẵn hình dáng chiếc lược, …Dù được cơ giới hoá một số khâu, nhưng điều quyết định chất lượng sản phẩm vẫn là bàn tay, khối óc sáng tạo của người thợ thủ công Thụy Ứng.
Ngoài nguyên liệu sừng, làng còn dùng xương trâu bò để làm thắt lưng, dùng vỏ con chai chai làm túi xách, dùng lông trâu bò làm bàn chải….
Duy Khương (t/h)/MASK