Độc đáo Lễ kết chạ làng

Hàng năm, cứ vào độ mồng 7 tháng Giêng, những người con của làng Phú Mỹ và làng Kiều Mai lại nô nức trở về quê tham dự Lễ hội Kết chạ. Lễ hội cũng là dịp để người dân cùng nhau kết tình giao hiếu, nối tiếp truyền thống lâu đời của hai làng.

Tục lệ từ đời xưa truyền lại

“Hội làng Phú Mỹ, Kiều Mai/Tháng Giêng em đến, tháng Hai chị về” là câu ca dao được lưu truyền qua hàng trăm năm nói về tục kết chạ của hai tổ dân phố Phú Mỹ và Kiều Mai (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm). Phú Mỹ và Kiều Mai vốn là những ngôi làng cổ nằm bên dòng sông Nhuệ đầy chất thơ, một làng bên Tả, một làng bên Hữu. Sống trong cùng một không gian ấy khiến hai làng có mối liên hệ chặt chẽ.

Việc kết chạ giữa Phú Mỹ – Kiều Mai được các chức sắc hai làng cùng ký vào bản Khoán ước ngày Mười tháng Tư, năm Cảnh Hưng thứ Sáu (1745). Hiện, Khoán ước này còn được được lưu giữ tại hai tổ dân phố (Phú Mỹ – Kiều Mai).

Độc đáo Lễ kết chạ làng
Lễ hội Kết chạ Phú Mỹ – Kiều Mai được công nhận là di tích văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Kết chạ Phú Mỹ – Kiều Mai bắt nguồn từ tục kết chạ giữa hai làng để giao hữu, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống. Tại đình Phú Mỹ, dân làng phụng thờ bà Ả Lã Nàng Đê – một nữ tướng giỏi của Hai Bà Trưng cùng nhiều vị thiên thần, nhân thần có công với vùng đất. Còn đình làng Kiều Mai thờ Thành hoàng làng Đào Trường – vị tướng thời Vua Hùng thứ 18, người có công đánh giặc phương Bắc.

Bản khoán ước năm xưa ghi rõ: “Hằng năm, vào ngày Bảy tháng Giêng, làng Kiều Mai sửa lễ hoặc rước Thánh vị (của Thành hoàng làng) đến Phú Mỹ để dự lễ khánh hội tại làng Phú Mỹ; ngày Hai mươi tháng Hai, làng Phú Mỹ sửa lễ hoặc rước Thánh vị đến Kiều Mai để dự lễ khánh hội tại làng Kiều Mai”. Nghi lễ rước Thánh vị sang làng bên dự hội còn gọi là Hội giao hiếu.

Lễ hội quy mô lớn, mỗi làng sẽ rước hai kiệu, gồm: Một long đình và một kiệu bát cống, đầy đủ tự khí, với số người của đoàn rước hai làng tương đương nhau, lên đến 300 người/đoàn rước, gồm các phụ lão, đội tế nam, đội tế nữ, đội chấp kích, quân kiệu nam, quân kiệu nữ, đội múa lân, rồng, nhạc lễ, đại diện chính quyền phường, tổ dân phố, đội ngũ phục vụ cho các hoạt động của lễ hội…

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, ngay cả khi thay đổi địa giới hành chính, làng Phú Mỹ được chia thành các tổ dân phố thuộc phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, còn làng Kiều Mai thuộc về phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, những tục lệ xưa vẫn được người dân gìn giữ.

Ông Trần Quang Định, Trưởng Tiểu ban quản lý Di tích đình Kiều Mai cho hay, theo lệ làng xưa, năm nào “hòa cốc phong đăng” (được mùa), hai bên sẽ họp bàn kết tình giao hiếu, phụng nghênh thánh giá hai làng vào dịp lễ hội. Nếu trước đây, các cụ thường đợi năm nào được mùa, nhưng hiện nay lễ rước lớn được tổ chức 5 năm một lần.

Trong những ngày diễn ra Hội giao hiếu, ngoài lễ rước còn có phần hội với các trò chơi dân gian như cờ bỏi, bắt vịt, bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt lợn, thi xôi cây và đặc biệt là hát cửa đình. Ngày nay, tục thi xôi cây, bịt mắt bắt lợn không còn nhưng hát cửa đình trong ngày hội là hoạt động văn hóa hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân đến xem.

Giữ gìn và phát huy nét đẹp truyền thống

Được gắn kết bởi tục kết chạ nên người dân Phú Mỹ, Kiều Mai luôn coi nhau như anh em và thường xuyên hỗ trợ nhau. Bà Nguyễn Ngọc Dung, đại diện Tổ dân phố Kiều Mai chia sẻ: “Người dân Phú Mỹ – Kiều Mai gắn kết với nhau không chỉ qua các hoạt động lễ hội mà còn hỗ trợ nhau trong cuộc sống và sản xuất.

Khi Kiều Mai có dịch bệnh làm chết nhiều trâu, bò, người Phú Mỹ mang trâu sang cày giúp, và ngược lại, khi Kiều Mai có hỏa hoạn, Phú Mỹ huy động góp tre, nứa, rơm rạ và nhân công sang giúp người dân Kiều Mai dựng lại nhà. Đó là truyền thống tốt đẹp mà người dân hai làng luôn giữ gìn và phát huy”.

Độc đáo Lễ kết chạ làng
Hình ảnh đoàn rước nam trong lễ hội Kiều Mai – Phú Mỹ năm 2020. Ảnh: M.T

Có thể thấy, Lễ Kết chạ Phú Mỹ – Kiều Mai đến nay vẫn được duy trì, thực hành theo truyền thống và bảo lưu giá trị. Đây là một phong tục tốt đẹp trong mối quan hệ liên kết các làng xã trong xã hội Việt cổ truyền, góp phần củng cố khối đại đoàn kết cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Tục kết chạ giữa hai làng là một biểu hiện sinh động về mối quan hệ độc đáo này. Lễ hội tồn tại đến nay như một “hóa thạch” về hình thức liên làng truyền thống giữa lòng đô thị, đảm nhiệm chức năng liên kết phố – phường.

Tham gia lễ hội là dịp để dân làng nhớ về quê hương bản quán, thắt chặt tình đoàn kết, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của hai cộng đồng, góp phần gìn giữ những phong tục, truyền thống tốt đẹp, giáo dục truyền thống cho các thế hệ kế tiếp. Với giá trị tiêu biểu trên, Lễ Kết chạ Phú Mỹ – Kiều Mai đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Để giữ gìn và tiếp tục phát huy tục kết chạ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bắc Từ Liêm Lê Thị Thu Hương cho biết: Quận Bắc Từ Liêm luôn quan tâm, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong nhân dân về tầm quan trọng của các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Về phía quận Nam Từ Liêm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long khẳng định, giai đoạn 2021-2022, Ủy ban nhân dân quận đã đầu tư, tu bổ, tôn tạo đình Phú Mỹ với ngân sách khoảng hơn 17 tỷ đồng, thiết thực bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Lễ Kết chạ Phú Mỹ – Kiều Mai”.

Thắm Lê