Độc đáo nghi thức rước kiệu tại Lễ hội Đền thờ Hai Bà Trưng

Lễ hội Đền thờ Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh, TP Hà Nội) được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm là hoạt động văn hóa tâm linh nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của hai vị nữ Anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trưng Nhị cùng các tướng lĩnh dưới quyền trong cuộc khởi nghĩa đánh đổ ách thống trị của nhà Đông Hán, giành lại nền độc lập dân tộc vào những năm 40 – 43 sau Công Nguyên.

snapedit_1707755154954.png

Hình ảnh đoàn rước kiệu tại Lễ hội Đền thờ Hai Bà Trưng.

Lễ hội Đền Hai Bà Trưng năm Giáp Thìn sẽ được tổ chức từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 8 tháng Giêng tại khu di tích quốc gia dặc biệt Đền Hai Bà Trưng huyện Mê Linh. Lễ hội được tổ chức theo nghi thức Nhà nước và truyền thống địa phương gồm phần Lễ và phần Hội.

Trước đó, vào sáng ngày mùng 4 tháng Giêng, lễ “Tế trình” và nghi thức rước kiệu Hai Bà Trưng từ Đền thờ Hai Bà đến Đình làng Hạ Lôi sẽ được long trọng tổ chức theo truyền thống địa phương.

Ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng Ban lễ tân nghi lễ của Lễ hội cho biết, rước kiệu là nghi thức đặc biệt quan trọng đã trở thành định lệ trong phần Lễ. Tất cả sẽ có 5 cỗ kiệu, xuất phát từ Đền thờ Hai Bà Trưng có 3 cỗ gồm kiệu văn, kiệu Bà Trưng Trắc và kiệu Bà Trưng Nhị; xuất phát từ Đình làng Hạ Lôi có 2 cỗ gồm kiệu Thánh Cốt Tung và kiệu Tứ vị Thành Hoàng làng.

dsc03550.jpg
Chính giữa là hình ảnh kiệu văn tại sân Đền thờ Hai Bà.

Đặc biệt, nghi thức rước kiệu trong Lễ hội Đền thờ Hai Bà Trưng có phần “giao kiệu” mang ý nghĩa: nội gia tỷ muội, ngoại quốc quân thần (ở trong nhà là chị em, khi việc nước là vua tôi).

Theo đó, sau Lễ tế tại Đền thờ Hai Bà Trưng, từ trong sân Đền, kiệu văn sẽ được rước đi đầu rồi đến kiệu Bà Trưng Trắc đi trước, kiệu Bà Trưng Nhị đi sau; khi ra khỏi cổng Đền, kiệu Bà Trưng Trắc dừng lại phía bên phải đường để kiệu bà Trưng Nhị tiến lên đi trước (giao kiệu lần thứ nhất trong ngày mùng 4).

dsc03545.jpg
Ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng Ban lễ tân nghi lễ của Lễ hội Đền thờ Hai Bà Trưng bên cạnh cỗ kiệu của Thánh Cốt Tung tại sân Đền thờ Hai Bà.

Cùng thời điểm này, xuất phát bên phía Đình làng Hạ Lôi, đoàn rước kiệu Thánh Cốt Tung và Tứ vị Thành Hoàng làng cũng xuất phát và đi đến ngã tư cổng Đền để nghênh đón kiệu Hai Bà (với ý nghĩa: nghênh đón Hai Bà đi kinh lý về thăm quê hương). Khi đoàn rước kiệu về đến cổng Đình làng Hạ Lôi thì kiệu bà Trưng Nhị dừng lại phía bên phải đường để kiệu bà Trưng Trắc đi vào sân Đình trước (giao kiệu lần hai trong ngày mùng 4).

dsc03547.jpg
Cỗ kiệu của bà Trưng Trắc tại sân Đền thờ Hai Bà.

Đi hộ giá Hai Bà có các đội nghi trương gồm: cờ lệnh, đội cờ ngũ hành, đội cờ tứ linh, đội cờ thần tàn lọng, đội gươm trường bát bửu, đội nữ binh hộ giá, hai voi trắng, ngựa hồng, ngựa bạch… cùng các đội múa xênh tiền, đội múa lân vừa đi vừa múa trong tiếng nhạc lễ cung đình của dàn nhạc bát âm, hòa trong tiếng trống, tiếng chiêng, rộn rã, linh thiêng.

Sau khi đoàn rước kiệu đã tề tựu theo thứ tự tại sân Đình làng Hạ Lôi, ảnh chân dung Hai Bà, bài vị của Thánh Cốt Tung và Tứ vị Thành hoàng làng được rước đặt trên nhang án của Đình làng. Dân làng sẽ tổ chức tế lễ tại đình làng Hạ Lôi từ chiều ngày mùng 4 đến hết ngày mùng 5 với ý nghĩa là để chào đón Hai Bà Trưng về thăm quê hương.

dsc03548.jpg
Cỗ kiệu của bà Trưng Nhị tại sân Đền thờ Hai Bà.

Sáng ngày mùng 6 tháng Giêng, nghi thức rước kiệu được cử hành ngược lại, từ Đình làng Hạ Lôi về Đền thờ Hai Bà Trưng. Thứ tự các cỗ kiệu trong đoàn rước lại được sắp xếp như lễ rước từ Đền thờ Hai Bà sang Đình làng. Từ sân Đình làng đi ra, kiệu bà Trưng Trắc đi trước, kiệu bà Trưng Nhị đi sau; ra khỏi cổng Đình làng, kiệu bà Trưng Trắc dừng lại phía bên phải để kiệu bà Trưng Nhị tiến lên đi trước (giao kiệu lần thứ nhất trong ngày mùng 6).

Khi đoàn rước kiệu về đến cổng Đền thờ Hai Bà, kiệu bà Trưng Nhị dừng lại để kiệu bà Trưng Trắc tiến lên vào sân Đền trước (giao kiệu lần thứ hai trong ngày mùng 6).

Trong quá trình lễ rước kiệu, nhiều lần đội hình rước kiệu dừng lại, thực hiện động tác đổi vai nâng kiệu qua đầu ba lần cả năm cỗ kiệu. Động tác đổi vai nâng kiệu qua đầu của năm cỗ kiệu được thực hiện không đồng thời mà tiếp nối nhau, nên nếu nhìn tổng thể sẽ thấy hình ảnh các cỗ kiệu nhấp nhô giữa đội hình cờ súy, tựa như thân hình một con rồng đang uốn lượn, hòa quyện trong tiếng trống, tiếng chiêng của dàn nhạc bát âm cung đình rộn rã và uy linh. Đặc biệt, đội rước kiệu đều là đồng nam, đồng nữ được chọn từ các cháu đang là học sinh ở cấp học THPT trong xã.

Việc “giao kiệu” trong lễ rước kiệu là một nghi thức đặc sắc, độc đáo chỉ có tại lễ rước kiệu Lễ hội Đền Hai Bà Trưng./.

Hải Truyền

Độc đáo nghi thức rước kiệu tại Lễ hội Đền thờ Hai Bà Trưng (nguoihanoi.vn)