Thời gian qua, công tác tiếp công dân, đôn đốc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm của HĐND thành phố Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực. Chất lượng xử lý các kiến nghị của cử tri, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được nâng lên; từ đó nhiều vụ tồn đọng, bức xúc, kéo dài trong nhân dân đã được giải quyết, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ chính trị ở các địa phương.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn tiếp công dân theo vụ việc, tháng 4/2023. |
Từ tháng 11/2021 đến tháng 1/2023, HĐND Thành phố nhận 717 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Thường trực HĐND Thành phố ban hành hơn 200 văn bản xử lý, chuyển đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị chậm giải quyết đơn thư của công dân và lưu 564 đơn (do trùng, không rõ nội dung, nặc danh, đã giải quyết hết thẩm quyền…). Thường trực HĐND Thành phố đã nhận được 66 văn bản trả lời theo phiếu chuyển đơn và 294 văn bản liên quan của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết chuyển đến.
Nổi bật trong công tác tiếp công dân từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến nay là các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố đã tiếp công dân đối với 18 vụ việc có nội dung phức tạp, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm trên địa bàn Thành phố. Đến nay, 9 vụ việc đã giải quyết xong và còn 9 vụ việc đang tiếp tục được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, được Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND Thành phố theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện, đảm bảo các vụ việc được giải quyết theo đúng quy định.
Thực hiện Nghị quyết 97 của Quốc hội về việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, từ ngày 1/7/2021 Hà Nội không tổ chức HĐND cấp phường ở các quận và thị xã Sơn Tây. Qua gần 2 năm thực hiện việc thí điểm không tổ chức HĐND tại phường, HĐND các quận, thị xã đã đảm bảo được việc giám sát các hoạt động của cả UBND quận, thị xã và UBND các phường trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường các hoạt động giám sát đối với hoạt động của UBND phường, tăng cường công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân để lắng nghe ý kiến, phản ánh kiến nghị của cử tri và nhân dân, đảm bảo thực hiện tốt quyền đại diện cho cử tri trên địa bàn đơn vị.
“Việc bỏ HĐND cấp phường, tạo áp lực cho cán bộ làm công tác tiếp dân tại HĐND quận nhưng công dân được gần lãnh đạo hơn, lãnh đạo quận được trực tiếp nghe những phản ánh của nhân dân qua buổi tiếp công dân, giúp giải quyết kịp thời những thắc mắc của người dân”, ông Bùi Đức Hùng – Chuyên viên Văn phòng HĐND và UBND quận Hai Bà Trưng chia sẻ.
Đánh giá chung về công tác này, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Chí Đoàn cho biết, UBND các phường đã nghiêm túc thực hiện việc đối thoại với nhân dân, thay cho hoạt động tiếp xúc cử tri của HĐND phường. Qua việc người đứng đầu đối thoại trực tiếp với Nhân dân, đã nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Từ đó, công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân cũng được đảm bảo tốt; số lượng đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, tính sau 1 năm thực hiện thí điểm, đã giảm 34% so với thời điểm trước đó.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng
Mặc dù đạt nhiều hiệu quả, nhưng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn một số hạn chế, vẫn còn nhiều vụ việc công dân gửi đơn đến các cấp chính quyền và nhiều ý kiến cử tri kéo dài vẫn chưa được xử lý dứt điểm, chưa có kết quả… Từ những khó khăn đó, một số quận, huyện đã chủ động đổi mới, áp dụng những mô hình hay nâng cao chất lượng hoạt động tiếp công dân.
Công tác tiếp công dân, đôn đốc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được đổi mới theo hướng gần dân, sát dân, giải quyết dứt điểm các vụ việc không để tồn đọng, kéo dài. |
Công tác tiếp công dân, đôn đốc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được đổi mới theo hướng gần dân, sát dân, giải quyết dứt điểm các vụ việc không để tồn đọng, kéo dài.
Ông Nguyễn Ngọc Phương – Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Phó Chủ tịch HĐND quận Hai Bà Trưng chia sẻ: “Lãnh đạo Quận ủy – HĐND – UBND quận đã chỉ đạo thường xuyên, kiểm tra, kiểm đếm công việc liên quan tới giải quyết đơn thư, phản ảnh, kiến nghị của công dân. Việc tiếp dân, giải quyết đơn thư đã được Chủ tịch UBND quận chỉ đạo lồng ghép với việc đánh giá, phân loại hàng tháng đối với cán bộ, công chức, đặc biệt là lãnh đạo quản lý tại các đơn vị.
Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tiếp công dân để tra cứu kịp thời các hồ sơ, tài liệu, văn bản liên quan tới vụ việc công dân đang có ý kiến để trả lời ngay công dân tại buổi tiếp công dân. Để công tác tiếp công dân đạt hiệu quả cao hơn nữa, cán bộ tiếp công dân thường xuyên được tham gia bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ định kỳ hàng năm”.
Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch HĐND quận Thanh Xuân cũng cho biết: “Công tác tiếp công dân, đôn đốc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được đổi mới theo hướng gần dân, sát dân và đôn đốc giải quyết dứt điểm các vụ việc không để tồn đọng, kéo dài. Thời gian tới, HĐND quận tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp HĐND; nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri, phối hợp giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân”.
Để chuẩn hóa hoạt động tiếp công dân, hiện nay Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND Thành phố đang triển khai xây dựng quy định tiếp công dân, trong đó quy định về trình tự các bước tiếp nhận, xử lý đối với đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh tại Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố Hà Nội kể từ khi nhận được đơn của cơ quan, tổ chức, cá nhân cho đến khi đơn được hoàn tất việc xử lý theo quy định của pháp luật.
“Công tác tiếp công dân, tiếp nhận, phân loại và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị là một nội dung khó, bao trùm tất cả các lĩnh vực, liên quan đến nhiều quy định pháp luật và qua nhiều thời kỳ. Vì thế, đòi hỏi mỗi đại biểu HĐND cần không ngừng nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư; chủ động xây dựng kế hoạch công tác, đảm bảo thời gian dành cho hoạt động của đại biểu dân cử; nâng cao chất lượng tiếp công dân và xử lý đơn thư.
Đồng thời, tăng cường hoạt động giám sát chuyên đề về lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cấp chính quyền cơ sở. Ngoài ra, các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành, trọng tâm là Luật Tố cáo năm 2018, gắn với việc thực hiện chế độ chính sách của nhà nước tập trung ở lĩnh vực thường phát sinh khiếu nại tố cáo như: Đất đai; giải phóng mặt bằng; quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; quy hoạch, xây dựng, quản lý nhà chung cư,… qua đó giúp người dân hiểu và đồng thuận với chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố và của địa phương”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chia sẻ.