Bên cạnh sự phát triển hệ thống điện, đường, trường trạm, Vân Hòa là xã có số lượng đàn bò sữa lớn của huyện Ba Vì, nghề chăn nuôi bò sữa được Vân Hòa xác định là trọng điểm để phát triển kinh tế ở địa phương. Nghề này mang lại nguồn thu ổn định, thậm chí có nhiều hộ đã vươn lên làm giàu.
Một trong các gia đình tiêu biểu chúng tôi đến thăm là gia đình chị Tạ Thị Năm (thôn Mồ Đồi) với mô hình chăn nuôi bò sữa. Nhiều năm chăm chút cho đàn bò, hiện tại quy mô chuồng trại của gia đình chị lên tới 50 con.
Diện mạo nông thôn từng bước thay da đổi thịt với sự phát triển kinh tế và đời sống người dân. |
Chị Năm cho biết, việc chăn nuôi hiện tại thuận lợi hơn nhiều với các chính sách khuyến nông của xã, huyện, hay việc vay vốn của Ngân hàng chính sách cũng dễ dàng tiếp cận hơn để đầu tư con giống. Với 7 tạ sữa cung cấp cho nhà máy mỗi ngày, gia đình chị có nguồn thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng/năm.
“Môi trường chăn nuôi ở thôn, xã có nhiều thay đổi tích cực, từ chăn nuôi nhỏ lẻ thành chăn nuôi quy mô lớn, tập trung hơn, hình thành chuỗi các hộ chăn nuôi cùng nhau phát triển. Đặc biệt đầu ra sản phẩm có đơn vị bao tiêu, người dân không cần loay hoay làm ra mà không biết bán cho ai”, chị Năm cho hay.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Vân Hòa cho hay, xã có khoảng hơn 3.000 hộ, gồm 2 dân tộc Kinh, Mường là chủ yếu, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 48% dân số. 15 năm sáp nhập về Hà Nội, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, thành phố Hà Nội và huyện Ba Vì, cơ sở hạ tầng của Vân Hòa có nhiều thay đổi, đời sống nhân dân được nâng cao, diện mạo nông được thay đổi và có nhiều khởi sắc. Nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở xã Vân Hòa cũng đã vươn lên thoát nghèo.
Mô hình chăn nuôi bò sữa của chị Tạ Thị Năm (thôn Mồ Đồi, xã Vân Hòa). |
Tính trong các năm 2018 – 2022, toàn xã có 109 hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số, thiếu đất sản xuất và nước sinh hoạt được nhận hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, 128 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ mỗi hộ một con bò sinh sản, 19 hộ được hỗ trợ trong chăn nuôi lợn Mường, gia cầm và trồng cây dược liệu, góp phần tạo việc làm, giúp các hộ có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Năm 2017, xã Vân Hòa có 409 hộ nghèo, 104 hộ cận nghèo; đến năm 2023, Vân Hòa chỉ còn 34 hộ nghèo (1,13%), 65 hộ cận nghèo (2,16%). Nhờ đó, bình quân thu nhập đầu người/năm của xã đạt 54,7 triệu đồng (tăng 2,4 triệu đồng/người/năm so với năm 2021). Hoàn thành vượt chỉ tiêu giao 7 tiêu chí, hoàn thành chỉ tiêu được giao 8 tiêu chí. Năm 2021, Vân Hòa được UBND thành phố Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2023.
Bên cạnh đó, việc phát triển các mô hình kinh tế gắn với du lịch, xây dựng thành công 27 sản phẩm OCOP trên địa bàn xã Vân Hòa đã góp phần tích cực tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Các hoạt động văn hóa, thể thao, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mường được chú trọng…
Những tuyến đường trở nên bắt mắt hơn với hoa; các bức tranh bích họa sáng, xanh, sạch, đẹp… |
Không chỉ riêng Vân Hòa, theo lãnh đạo huyện Ba Vì, nhờ sự đầu tư tập trung, hiệu quả, đến nay, toàn bộ 7 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện Ba Vì đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Các xã: Minh Quang, Khánh Thượng, Ba Vì, Vân Hòa, Yên Bài, Tản Lĩnh, Ba Trại đều không còn là xã đặc biệt khó khăn. Những chế độ, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Thu ngân sách năm 2022 của huyện đạt 511.700 triệu đồng, bằng 155,4% kế hoạch Thành phố giao, 104,6% kế hoạch huyện giao, bằng 145,65% so năm 2021.
Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 29 triệu đồng năm 2008 lên 55,6 triệu đồng người/năm năm 2022. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tích cực, bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,05% ( năm 2008) còn 0,58% (năm 2022), số trường đạt chuẩn quốc gia tăng đạt 84/110 trường, đạt tỷ lệ 0,765%. Công tác an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đúng quy định.
Các tiềm năng của Ba Vì được khai thác và đạt kết quả tích cực: Phát triển du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh với các điểm du lịch nổi bật như: Cụm đền Trung – Thượng – Hạ; các khu du lịch Khoang Sanh, Ao vua, Thiên Sơn Suối Ngà…
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, huyện tập trung phát triển, đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, nhanh, bền vững, đảm bảo vững chắc quốc phòng – an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc kinh tế, phát triển bền vững, chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh”…