Triển lãm “Phạm Luận – Chân dung” đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với gần 60 tác phẩm, khiến người xem và giới nghề cảm nhận ông đang đối thoại với hội họa qua chân dung.
Chân dung là thể loại cơ bản của hội họa, hiếm có họa sĩ nào không đi qua. Phạm Luận cũng vậy, ông kể rằng, mình vẽ chân dung ngay những ngày đầu tiên của sự nghiệp, cách đây hơn nửa thế kỷ. Rồi ông trải qua nhiều chặng đường phiêu du cùng cây cọ, nổi danh với những bức tranh phong cảnh, là những cảnh phố Hà Nội đầy nắng, những cánh đồng hoa thơ mộng, những cảnh biển xanh mát… mang đậm dấu ấn của họa phái ấn tượng với vết bút, sơn, màu khỏe, dứt khoát. Ông đã có tới 23 triển lãm cá nhân, không chỉ ở trong nước mà tại nhiều quốc gia khác như Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Anh, Mỹ, Nhật Bản… Tranh của ông cũng nằm trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và nhiều bộ sưu tập nổi tiếng quốc tế. Song, đây là lần đầu tiên họa sĩ Phạm Luận giới thiệu với công chúng tranh chân dung.
Họa sĩ Phạm Luận chia sẻ rằng, muốn chọn tranh chân dung để đánh dấu cột mốc tuổi 70 của mình và là món quà tặng người thân, bạn bè, đồng nghiệp… “Một bức chân dung vẽ ở tuổi 20 khác với vẽ ở tuổi 50 và khác hơn nữa khi vẽ ở tuổi 70. Ở tuổi này, tôi thấy mình đạt độ chín để vẽ chân dung một cách nhẹ nhàng, thoải mái, không gò ép”, họa sĩ Phạm Luận tâm sự.
Triển lãm “Phạm Luận – Chân dung” gồm gần 60 tác phẩm sơn dầu. Phần lớn số tranh được vẽ trong 2 năm gần đây. Họa sĩ Lê Thiết Cương nhận định: “Phạm Luận giữ được thế mạnh khi chuyển từ phong cảnh sang chân dung. Tác phẩm của ông không bị sa đà vào tô màu và tả kể lối vờn tỉa khéo tay. Tranh vẫn có khối, có sáng tối nhưng là bằng mảng miếng, bằng những nhát bút cộm sơn, tự nhiên, trữ tình, ấm áp”.
Những bức tranh chân dung Phạm Luận vẽ đẹp nhất là về vợ, các con, bạn bè, đồng nghiệp thân thiết và chính mình, đơn giản vì ông “thuộc” họ nhất. Trong số này, có nhiều bức chân dung về văn nghệ sĩ nổi bật, quen thuộc với công chúng, như họa sĩ Lương Xuân Đoàn, họa sĩ Vi Kiến Thành, nhà thơ Trần Hữu Việt, họa sĩ Đào Hải Phong… Ông thường vẽ với bố cục đơn giản, để tập trung thể hiện tinh thần, nội tâm và vẻ bề ngoài sống động của nhân vật, được đúc kết từ rất nhiều năm kinh nghiệm cầm cọ. Bởi thế, khi thưởng lãm, người xem cảm nhận nhân vật như đang đứng cạnh mình, chia sẻ, trò chuyện.
Ở một số bức tranh, họa sĩ Phạm Luận kết hợp vẽ cả phong cảnh và chân dung, tạo nên những tác phẩm mang dấu ấn riêng. Đặc biệt, bên cạnh tranh chân dung cá nhân, họa sĩ còn đem đến cho công chúng tranh chân dung nhóm – một thử nghiệm mới của ông.
Nhưng, để lại nhiều ấn tượng trong triển lãm là các chân dung tự họa. Có tới hàng chục bức tự họa và mỗi tác phẩm lại có cách tạo hình khối và sắc thái khác nhau. Có bức họa sĩ Phạm Luận sử dụng sự tương phản của những mảng màu lạ như xanh ô liu, cam, phớt hồng với điểm nhấn màu trắng để tái hiện làn da hằn dấu vết thời gian. Có bức ông sử dụng nét bút ngắn, nhanh tạo nên các nếp nhăn trên vầng trán cao, ánh mắt xa xăm, trầm ngâm khiến người xem cảm nhận ông đang suy ngẫm về hướng đi sắp tới trên con đường nghệ thuật, hoặc đang trăn trở tìm những điều mới, những ý tưởng tốt hơn trong sáng tác…
Họa sĩ Phạm Luận chia sẻ rằng, bước qua tuổi 70, ông sẽ không đặt những mục tiêu lớn mà dành thời gian suy ngẫm, vẽ những điều mình thích. Song, như họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định: “Phạm Luận càng vẽ, càng đi, càng khác. Không gian hội họa của riêng ông luôn để ngỏ muôn cửa vào, lối ra khó biết…”. Thế nên, có thể một thời gian nữa, công chúng yêu nghệ thuật lại được chiêm ngưỡng những mới mẻ trong hội họa của ông.
Yên Nga