Hiện Công đoàn ngành Y tế Hà Nội đang quản lý trên 26.000 đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, với 108 Công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc. Trải qua quá trình phát triển, các cấp Công đoàn trong toàn ngành Y tế Hà Nội đã luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự nỗ lực cống hiến của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ra sức thi đua trong lao động, học tập và công tác; tận tụy, sáng tạo không ngừng đổi mới toàn diện, nâng cao y đức, trình độ chuyên môn.
Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Hà Nội Trịnh Tố Tâm tặng quà cho các bác sĩ tuyến đầu chống dịch tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: Minh Khuê |
Đặc biệt, theo Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Hà Nội Trịnh Tố Tâm: Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết Đại hội Công đoàn Thành phố lần thứ XVI và Đại hội Công đoàn ngành Y tế Hà Nội lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2018-2023), ngành Y tế Thủ đô đã nỗ lực phấn đấu để đạt được nhiều thành tích trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Phần lớn các chỉ tiêu cơ bản về sức khỏe của nhân dân trên địa bàn Hà Nội đều đạt được những mục tiêu và chỉ tiêu đề ra.
Trong đó, ngành Y tế Thủ đô đã chủ động phòng chống dịch bệnh mới nổi như Ebola, Zika, Covid-19; các dịch bệnh thường gặp như sốt xuất huyết, chân tay miệng,… Đồng thời, sẵn sàng và đáp ứng tốt công tác y tế phục vụ các sự kiện, hội nghị quốc gia, quốc tế diễn ra trên địa bàn Thành phố. Hệ thống y tế cơ sở không ngừng được củng cố, hoàn thiện cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ.
Trong công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn Thủ đô có nhiều chuyển biến rõ nét. Ngành Y tế Thủ đô đã và đang nỗ lực tiên phong đi tắt, đón đầu trong nhiều chuyên khoa mũi nhọn, ứng dụng nhiều thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến vào chăm sóc và phục vụ sức khỏe nhân dân. Các đơn vị luôn quan tâm đầu tư, ứng dụng các trang, thiết bị, kỹ thuật công nghệ cao như phẫu thuật nội soi, áp dụng máy xạ trị gia tốc điều trị ung thư, thụ tinh trong ống nghiệm; ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật tim mạch can thiệp như mổ tim hở, thay van tim, ghép tạng trên cơ thể người… Đó cũng là kết quả nổi bật trong phong trào “Nghiên cứu khoa học, Sáng kiến – sáng tạo” mà cao điểm là hưởng ứng Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phát động.
Thời gian qua đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã xội, ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của ngành. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội và các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, các bệnh viện đã huy động tất cả mọi nguồn lực, đặc biệt là nhân lực đáp ứng truy vết người bệnh, điều tra dịch tễ, xét nghiệm, xử lý môi trường, thu dung, cách ly, khám điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19… Cán bộ y tế phải tăng cường tối đa về thời gian, cường độ làm việc, thậm chí không có ngày nghỉ.
Nhằm động viên, khích lệ các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc tại các đơn vị trong tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19. Công đoàn ngành Y tế Hà Nội đã luôn đồng hành, bám sát cơ sở, có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo, hỗ trợ trực tiếp, kịp thời cho đoàn viên, người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Điển hình như chương trình “Chuyến xe siêu thị 0 đồng”, “Túi an sinh Công đoàn”; hỗ trợ cho các đơn vị, lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch…
Song song với đó, Công đoàn ngành đã trích Quỹ Xã hội từ thiện tổ chức thăm hỏi, động viên các nhân viên y tế tại các đơn vị tuyền đầu chống dịch. Riêng trong năm 2021, Công đoàn ngành quyết định khen thưởng đột xuất cho 44 tập thể và 103 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống dịch Covid-19. Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, Công đoàn ngành cũng đề xuất với LĐLĐ Thành phố khen thưởng đột xuất cho 15 tập thể và 20 cá nhân; Công đoàn Y tế Việt Nam cũng đã khen thưởng cho 12 cá nhân và Công đoàn ngành Y tế Hà Nội tiếp tục khen thưởng đột xuất cho 187 cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Với nhiệm vụ trọng tâm là đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, hằng năm, Công đoàn ngành còn chủ động phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị, các CĐCS thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thông qua việc phối hợp tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức; hội nghị người lao động. Thông qua hoạt động này, các chế độ chính sách của người lao động đều được rà soát, kiểm tra và thực hiện đầy đủ, nhiều đơn vị còn quan tâm tới hỗ trợ thu nhập tăng thêm, chế độ ngày lễ, Tết… cho người lao động. Bên cạnh đó, các CĐCS luôn duy trì thực hiện tốt chế độ bảo hộ lao động, cung cấp các phương tiện bảo hộ lao động an toàn cho người lao động theo quy định.
Đánh giá về nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị từ đầu nhiệm kỳ, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Hà Nội Trịnh Tố Tâm cho biết: “Trong những năm qua, Công đoàn ngành luôn bám sát chỉ đạo của LĐLĐ Thành phố, đã tập trung chỉ đạo CĐCS triển khai các hoạt động, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Nội dung các hoạt động, nhiệm vụ bám sát tình hình thực tiễn, nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, chất lượng ngày càng cao, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của người lao động, góp phần ổn định và phát triển đơn vị”.
Chú trọng các phong trào thi đua
Không chỉ làm tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, thời gian qua, Công đoàn ngành còn chú trọng các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Theo đó, hàng năm, Công đoàn ngành đều xây dựng kế hoạch, tổ chức phát động thi đua, bám sát hướng dẫn của cấp trên và nhiệm vụ của ngành, trọng tâm là các phong trào thi đua có thế mạnh và chuyên môn đặc thù của ngành Y tế.
Điển hình như phong trào “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” gắn với xây dựng cơ sở Y tế Xanh – Sạch – Đẹp; “Nghiên cứu khoa học – sáng kiến, sáng tạo”; phong trào “Người tốt – việc tốt”; thực hiện tốt chủ đề “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”…
Phong trào nghiên cứu khoa học, sáng kiến sáng tạo cũng là thế mạnh của ngành Y tế. Tất cả các đơn vị đều xây dựng kế hoạch triển khai phong trào, gắn kết quả tham gia nghiên cứu khoa học, sáng kiến sáng tạo vào phấn đấu đạt các danh hiệu thi đua hàng năm. Xây dựng kế hoạch tổ chức hội thi, hội thao cấp cơ sở, cấp ngành, tham gia hội thao do Bộ Y tế tổ chức.
Điển hình năm 2019, đã có 41 tập thể của ngành Y tế Thủ đô đạt giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích tại Hội thao sáng tạo khoa học tuổi trẻ ngành Y tế lần thứ 27. Từ năm 2018-2022, đã có 4 công nhân của ngành Y tế Hà Nội được biểu dương Công nhân giỏi của Thành phố. 3 cá nhân được LĐLĐ Thành phố tặng Bằng khen phong trào nghiên cứu khoa học, sáng kiến sáng tạo.
Đặc biệt, trong năm 2022, Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” được các cấp Công đoàn tại Hà Nội, nhất là các cơ sở y tế tích cực hưởng ứng, đạt kết quả cao, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho cơ quan, đơn vị. Trong thời gian triển khai phát động giai đoạn I của chương trình, ngành Y tế Hà Nội đã có 1.370/1.995 đề tài, sáng kiến cấp cơ sở được đăng tải cập nhật trên hệ thống phần mềm Chương trình 1 triệu sáng kiến…
Với sự nỗ lực và cố gắng không mệt mỏi trong suốt thời gian qua, các cấp Công đoàn của ngành Y tế Hà Nội luôn xứng đáng với sự kỳ vọng của người lao động. Đặc biệt, với những kết quả đã đạt được, là minh chứng khẳng định vị trí và vai trò quan trọng của Công đoàn ngành Y tế Hà Nội. Trong đó, với việc thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm là đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động Công đoàn ngành cũng đã góp phần tích cực trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân./.