Ghi nhận từ cơ sở cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, các địa phương, đơn vị đã và đang nỗ lực “vừa làm, vừa gỡ” nhằm giải quyết những khó khăn phát sinh trong quá trình giải phóng mặt bằng (GPMB) cho dự án.
Người dân xã Đông La, huyện Hoài Đức nhận đền bù giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4. |
Tại xã Đông La, dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, đoạn qua địa bàn có tổng diện tích đất thu hồi 32,33ha, trong đó có 25,09 ha đất nông nghiệp của 685 cá nhân, hộ gia đình; 0,53ha đất thổ cư của 91 hộ và 6,71ha đất công. Đến nay, xã đã hoàn thành 3 đợt chi trả bồi thường GPMB cho 392 hộ dân. Cầm trên tay số tiền hỗ trợ kinh phí đặc thù, bà Nguyễn Thị Vui, thôn Đồng Nhân, phấn khởi cho biết, gia đình bà được nhận trên 280 triệu đồng đối với diện tích thu hồi 626m2. Cùng chung niềm vui đó, ông Nguyễn Văn Dương, thôn Đồng Nhân, chia sẻ, gia đình ông có diện tích thu hồi 120m2, được nhận 50 triệu đồng. Ông mong muốn dự án sớm được khởi công xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, đi lại của nhân dân cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoài Đức Nguyễn Anh, Đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô đoạn đi qua Hoài Đức có chiều dài 17,1km, diện tích đất thu hồi 239,63ha thuộc 12 xã. Trong đó có 172,92ha đất nông nghiệp của 5.929 hộ; 0,66ha đất thổ cư 115 hộ; 1,32ha đất doanh nghiệp thuê sản xuất, kinh doanh; còn lại đất miếu, đất kênh mương. Thời gian qua, công tác GPMB dự án đường Vành đai 4 được cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến các xã triển khai nghiêm túc, chủ động, đạt nhiều kết quả tích cực, nhân dân đồng tình thực hiện. Qua thống kê đến ngày 18/4, có 3 xã Minh Khai, Dương Liễu, La Phù đã cơ bản hoàn thành công tác GPMB dự án. Các xã còn lại đang tiếp tục khẩn trương triển khai nhằm đảm bảo công tác GPMB theo đúng tiến độ cam kết.
Khí thế, quyết tâm về đích đúng tiến độ trong công tác GPMB Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội đang “nóng” ở tất cả 7 quận, huyện của Hà Nội mà tuyến đường đi qua. Cũng hiếm có dự án nào không chỉ cấp ủy, chính quyền mong sớm hoàn thành nhiệm vụ, mà đông đảo người dân cũng hồ hởi chờ ngày được bàn giao mặt bằng cho Nhà nước.
Sẵn sàng cho ngày khởi công
Để bảo đảm tiến độ triển khai dự án, kể cả những chi tiết “nhỏ” như vấn đề mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án luôn được chủ đầu tư, nhà thầu đặc biệt quan tâm. Vấn đề này từng xảy ra trong quá trình thi công các dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc – Nam (giai đoạn 1), khi nhà thầu thiếu nguồn đất đắp để thi công đường gom, đường đầu cầu… Có thể thấy, nếu vấn đề mỏ vật liệu thi công không được giải quyết, sẽ gây khó khăn cho việc hoàn thành toàn bộ dự án theo kế hoạch và Dự án đầu tư xây dựng Vành đai 4 cũng không phải ngoại lệ.
Trước tình hình này, Ban chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô giao Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hà Nội phối hợp với Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế giao thông vận tải – TEDI và các tỉnh có liên quan rà soát, xây dựng phương án về các mỏ vật liệu xây dựng để đưa vào hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án. Trong đó phải thể hiện đầy đủ địa chỉ cụ thể từng mỏ, từng vị trí, công suất, khả năng khai thác, cung cấp sản lượng theo tiến độ dự án, bảo đảm nguyên tắc ưu tiên tối đa sử dụng các mỏ gần nhất, dễ khai thác nhất và có giá thành rẻ nhất. Cùng với đó, Ban chỉ đạo đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về việc cho phép nhà đầu tư dự án thành phần 3 được áp dụng cơ chế đặc thù theo nội dung Điểm d, Khoản 1, Điều 3 Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội đối với dự án theo hình thức PPP-BOT.
Theo kế hoạch, dự kiến Hà Nội sẽ khởi công tại 4 vị trí gồm: Vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với quốc lộ 2, tại Km1+444 (thuộc địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn). Vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với đường Phương Bảng, tại Km28+000 (thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức). Vị trí giao cắt giữa trục phía Nam, tại Km45+700 (thuộc địa phận xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, cách đường Vành đai 3 khoảng 11km). Vị trí tuyến nối đê trục Thường Tín, tại Km56+750 (thuộc địa phận xã Ninh Sở, huyện Thường Tín). Riêng gói thầu số 11/TP2-XL sẽ không kịp khởi công trong tháng 6/2023 do vướng thỏa thuận thiết kế kỹ thuật với tuyến đường sắt Bắc – Nam, dự kiến sẽ khởi công chậm hơn các gói thầu khác khoảng 3 tháng. Hai tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên cũng đang rất nỗ lực để có thể khởi công đồng loạt các dự án trong tháng 6/2023.
Đến thời điểm này, sau hơn 10 tháng kể từ ngày Quốc hội thông qua chủ trương, tính đến ngày 27/4, Hà Nội đã phê duyệt phương án GPMB với diện tích 404,40/ 798,043ha, đạt 50,67%. Trong đó, huyện Sóc Sơn 43,62/ 48,23ha; huyện Mê Linh 80,40/145,66ha; huyện Đan Phượng 28,20/74,80ha; huyện Hoài Đức 99,20/239,63ha; quận Hà Đông 47,04/68,25ha; huyện Thanh Oai 47,68/ 86,94ha; huyện Thường Tín 58,26/135,54ha. Các quận, huyện đã di chuyển 5.958/10.921 ngôi mộ, đạt 54,56%. Trong đó, huyện Sóc Sơn 894/898 ngôi; huyện Mê Linh 370/370 ngôi; huyện Đan Phượng 706/1.678 ngôi; huyện Hoài Đức 1.463/3.370 ngôi; quận Hà Đông 239/2.256 ngôi; huyện Thanh Oai 476/503 ngôi và huyện Thường Tín 1.810/1.846 ngôi. Về phê duyệt phương án thu hồi đất đã thu hồi được 404,40/798,043ha, đạt 50,67%. Trong đó, huyện Sóc Sơn 43,62/48,23ha; huyện Mê Linh 80,40/145,66ha; huyện Đan Phượng 28,20/74,80ha; huyện Hoài Đức 99,20/239,63ha; quận Hà Đông 47,04/68,25ha; huyện Thanh Oai 47,68/ 86,94ha; huyện Thường Tín 58,26/135,54ha. Đến nay, tổng số tiền đã phê duyệt đền bù trên địa bàn thành phố Hà Nội là 3.051,77 tỷ đồng. |
Tuấn Dũng
Dự án đường Vành đai 4: Chạy nước rút cho ngày khởi công (laodongthudo.vn)