Dự án đường Vành đai 4 có ý nghĩa, tác động lớn đến phát triển kinh tế

Tại tổ Hà Nội, qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội, cho rằng dự án có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế – xã hội.

Ngày 6/6, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và tiến hành thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông quan trọng, trong đó có dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội.

Tại tổ Hà Nội, qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội, cho rằng dự án có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế – xã hội.

Đồng thời, đến nay, các điều kiện về cơ sở pháp lý, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, nhu cầu thực tiễn và nguồn lực cơ bản đáp ứng yêu cầu, do vậy, việc triển khai dự án là hợp lý và cần thiết.

Dự án đường Vành đai 4 có ý nghĩa, tác động lớn đến phát triển kinh tế
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội bày tỏ sự nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội bày tỏ sự nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô và Dự án đường Vành đai 3 – thành phố Hồ Chí Minh.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố cho rằng, việc phân chia 7 dự án thành phần là hợp lý, trong đó, tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng đường song hành triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công.

Theo đại biểu Đinh Tiến Dũng, giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề khó khăn nhất đối với các dự án đầu tư công. Dự án Vành đai 4 có tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 1.341ha, trong đó, thành phố Hà Nội 741ha và cơ bản là đất nông nghiệp nên việc giải phóng mặt bằng thuận lợi.

Đối với cơ chế, chính sách chung của các dự án, trong đó có đề xuất cho phép trong giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án; việc khai thác mỏ khoáng sản được thực hiện đến khi hoàn thành dự án… Trên cơ sở đề xuất, Ủy ban Kinh tế đề nghị chỉ áp dụng các cơ chế này trong 2 năm 2022 và 2023.

Tuy nhiên, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, việc chỉ áp dụng cơ chế này trong 2 năm 2022 và 2023 là không phù hợp về thời gian, vì đã qua 6 tháng đầu năm 2022 rồi Quốc hội mới thảo luận để thông qua. Vì vậy, cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư tham gia dự án. Hiện nay, Hà Nội đang đẩy nhanh việc phân tuyến cắm mốc, tính toán giá đền bù giải phóng mặt bằng để ngay sau khi Quốc hội thông qua là tiến hành triển khai.

Dự án đường Vành đai 4 có ý nghĩa, tác động lớn đến phát triển kinh tế
Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho biết, qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, cử tri và nhân dân rất quan tâm đến dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho biết, qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, cử tri và nhân dân rất quan tâm đến các dự án giao thông, đặc biệt là dự án Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh và Vành đai 4 – Vùng Thủ đô và tin tưởng, kỳ vọng dự án sớm được Quốc hội thông qua.

Đại biểu phân tích, dự án có tác động lớn đến phát triển kinh tế, vì đường Vành đai 4 gần như là trục xương sống về giao thông giúp kết nối, phát triển các hành lang kinh tế khác, trong đó có hành lang kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Côn Minh (Trung Quốc).

Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho biết, dự án cầu Thanh Trì và Vành đai 3 đã thiết kế với 5-6 nghìn lượt xe/giờ nhưng đến nay công suất tăng lên gấp 8 lần nên liên tục xảy ra tình trạng kẹt xe. Vì thế, đại biểu đoàn Hà Nội nhất trí cao khi dự án Vành đai 4 đã rút kinh nghiệm từ những bất cập, bài học liên quan đến cầu Thanh Trì, đường Vành đai 3 đã được tính toán và áp dụng vào thiết kế vào dự án Vành đai 4, bởi đây không chỉ là dự án vành đai liên tỉnh, mà còn là vành đai đô thị, với lưu lượng giao thông rất cao.

Cũng theo đại biểu, một trong những điểm rất quan trọng của đường Vành đai 4 là tái cấu trúc lại đô thị, và đây không phải là bài toán riêng của Vùng Thủ đô Hà Nội, mà có lẽ của rất nhiều các siêu đô thị trên thế giới như Philipin, hay Tokyo trước đây… đều phải hình thành nên Vùng Thủ đô, đều triển khai đô thị vệ tinh. Khi dự án đi vào hoạt động, sẽ góp phần giãn được dân trong vùng lõi di chuyển ra ngoài.

Vì thế đường Vành đai 4 khi ra đời không chỉ là vành đai liên tỉnh mà còn là xương sống, tuyến tách giao thông liên tỉnh khỏi giao thông nội đô, toàn bộ các tuyến quá cảnh, trung chuyển sẽ qua Vành đai 4 để kết nối 6 cao tốc với 8 quốc lộ, 9 đường trung chuyển. “Tôi cho rằng dự án rất quan trọng, gần như là cứu cánh, lối thoát cho ùn tắc giao thông”, đại biểu nói.

Dự án đường Vành đai 4 có ý nghĩa, tác động lớn đến phát triển kinh tế
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng việc đầu tư hai tuyến đường vành đai này cho Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn có ý nghĩa chính trị, đối ngoại sâu sắc.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng đồng tình với sự cần thiết triển khai dự án, nhấn mạnh việc đầu tư hai tuyến đường vành đai này cho Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn có ý nghĩa chính trị, đối ngoại sâu sắc. Theo đại biểu, chúng ta vẫn nói về GDP tăng trưởng, kinh tế phát triển nhưng khi du khách tới Việt Nam, thứ ấn tượng với họ lại là hạ tầng giao thông, nó phản ánh sự phát triển của một đất nước. Vì vậy, nếu chúng ta tiến thêm được một bước về hạ tầng giao thông là rất đáng mừng.

Cũng theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Dự án Vành đai 4 khi đưa vào sử dụng sẽ như xương sống kết nối 7 tuyến đường cao tốc: Hà Nội – Hải Phòng; Hà Nội – Lào Cai; Hòa Lạc- Hòa Bình; Hà Nội – Thái Nguyên; Cầu Giẽ – Ninh Bình; Đại lộ Thăng Long; Nội Bài – Bắc Ninh. Đồng thời, tạo không gian cho 5 đô thị vệ tinh phát triển, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế lớn từ nông nghiệp sang công nghiệp đồng nghĩa với việc thu hút phát triển khu công nghiệp…

Dự án đường Vành đai 4 có ý nghĩa, tác động lớn đến phát triển kinh tế
Đại biểu Vũ Tiến Lộc tin tưởng dự án Vành đai 4 sẽ được Quốc hội thông qua.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, dự án Vành đai 4 không chỉ có ý nghĩa với địa phương, mà tạo ra kết nối trong cả nước. Một trong những “điểm nghẽn” là liên kết vùng, mà các tuyến đường cao tốc, giao thông kết nối là điểm rất quan trọng để tháo gỡ, thúc đẩy liên kết vùng. Hiện Hà Nội đã quá tải về giao thông, nên vô cùng cần thiết sự đột phá bằng dự án Vành đai 4 để giải tỏa trong lõi.

Đại biểu tin tưởng, dự án Vành đai 4 sẽ được Quốc hội thông qua, do đó, Hà Nội nên chuẩn bị trước một bước để sớm triển khai dự án ngay sau khi được thông qua chủ trương.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đánh giá cao sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đầu tư cho 5 dự án, đặc biệt là dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô. Khẳng định những giá trị mà dự án Vành đai 4 mang lại rất lớn trong kết nối, mở rộng không gian phát triển, giảm tải giao thông…, đại biểu mong muốn dự án được sớm đầu tư và thực hiện quyết liệt, hiệu quả.

 

Phương Thảo
https://laodongthudo.vn/du-an-duong-vanh-dai-4-co-y-nghia-tac-dong-lon-den-phat-trien-kinh-te-141215.html