Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội dài khoảng 112,8km kết nối Hà Nội với 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các địa phương khác tạo không gian phát triển mới của Thủ đô, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại…
Đặc biệt, đường Vành đai 4 còn tăng cường khả năng kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh, thành phố khác trong vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ đô Hà Nội có 7 tuyến đường Vành đai, kết nối nội bộ và thông thương với các tỉnh, thành lân cận. Thế nhưng, thực tế hiện nay, các tuyến đường từ Vành đai 3 đổ lại, tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra. Dễ thấy, tại các tuyến đường cửa ngõ và những trục dẫn vào trung tâm Thủ đô, nhất là các dịp nghỉ lễ, tết khi nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách tăng vọt thì đều tạo nên những điểm ách tắc lớn với thời gian kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Bởi vậy, Vành đai 4 khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết nhu cầu giao thông trực tiếp cho khu vực đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh của Hà Nội, phân giải mạnh mẽ áp lực cho Vành đai 3 đã quá tải trầm trọng.
Người dân quận Hà Đông nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4. |
Hà Nội đã xác định mục tiêu đến năm 2025 là xây dựng Thủ đô phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Phấn đấu đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh – thông minh – hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững, là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế.
Để đạt được những mục tiêu này, được biết Thành phố sẽ tập trung tạo bước đột phá về thể chế gắn với điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng để giao thông đi trước mở đường.
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho rằng, ngoài việc giảm tải cho các trục Vành đai hiện có, Vành đai 4 sẽ mở ra những điều kiện để kết nối các đô thị vệ tinh trong chùm đô thị của Hà Nội.
Đồng nhất quan điểm này, nhiều chuyên gia giao thông cũng nhấn mạnh, đầu tư cho Vành đai 4 để mở rộng không gian lưu thông là hết sức cần thiết. Thực tế, lưu lượng giao thông của Hà Nội đang tập trung ở nội thành, bởi vậy phải có biện pháp kéo giãn. Và kéo giãn bằng cách đầu tư các trục đường hướng tâm và Vành đai. Nói cách khác, giao thông Hà Nội là giao thông hướng tâm và các đường Vành đai.
Khi người và phương tiện di chuyển trên các đường hướng tâm mà không có các đường Vành đai thì phương tiện bắt buộc phải đi vào các trục nội thành, sau đó mới chuyển sang các đường khác. Và như vậy, bên cạnh gây ùn tắc cho nội thành nó còn cho thấy sự lãng phí lớn nhân lực khi mỗi ngày phải “tiêu tốn” hàng giờ để vượt ách tắc đến nơi làm việc.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Tầm quan trọng và sự cần thiết đầu tư Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội là không thể phủ nhận. Theo ghi nhận, tại Hà Nội, đường Vành đai 4 sẽ đi qua 7 quận huyện gồm: Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín, Hoài Đức. Sau khi đi qua các huyện ngoại thành của Hà Nội, tuyến Vành đai 4 sẽ cắt qua sông Hồng tại cầu Mễ Sở và đi sang địa phận tỉnh Hưng Yên.
Với quyết tâm khởi công dự án đúng kế hoạch đề ra, cả hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội vào đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhận được sự ủng hộ và đồng thuận của người dân đã giúp cho công tác giải phóng mặt bằng của dự án đến nay đang bảo đảm tiến độ đề ra. Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, công tác giải phóng mặt bằng dự án đã đạt kết quả tích cực.
Đến nay, đã di chuyển được 6.007/10.921 ngôi mộ, đạt 55%. Các địa phương đã phê duyệt phương án và thu hồi đất được 537,270/798,043ha đất, đạt 67,32%; trong đó, huyện Sóc Sơn thu hồi được 46/48,23ha; huyện Mê Linh được 114,30/145,66ha; huyện Đan Phượng được 30,73/74,8ha; huyện Hoài Đức được 138,30/239,63ha; quận Hà Đông được 51,14/68,25ha; huyện Thanh Oai được 59,31/86,94ha; huyện Thường Tín được 97,49/134,54ha.
Hiện, Ban Quản lý dự án đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật-dự toán xây dựng hạng mục di chuyển điện cao thế từ 110KV đến 500KV; đang trình thẩm định phê duyệt phương án kỹ thuật thi công dự toán rà phá bom mìn. Dự kiến tháng 6 tới bàn giao 80% để khởi công dự án và bàn giao 100% mặt bằng trước 31/12 năm nay.
Huyện Hoài Đức tổ chức hội thi dân vận khéo trong thực hiện dự án đường Vành đai 4. |
Đáng chú ý, để đưa dự án “về đích” nhiều cách làm sáng tạo đã được triển khai. Chẳng hạn, mới đây, Huyện ủy Hoài Đức đã tổ chức Hội thi Tuyên truyền “Dân vận khéo trong thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn huyện Hoài Đức” tại cụm số 1 và 2, gồm những xã có đường Vành đai 4 đi qua.
Thông qua các tiểu phẩm bình dị, dễ hiểu Hội thi đã góp phần đẩy mạnh tuyên truyền đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn huyện Hoài Đức hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 trên địa bàn huyện; nhất là đối với các hộ gia đình, cá nhân có đất trong diện phải thu hồi; trong đó tập trung vận động nhân dân đồng thuận thực hiện bàn giao đất để giải phóng mặt bằng, di chuyển mộ chí, tạo được sự thống nhất trong nhận thức, hành động của nhân dân để công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án được hoàn thành đúng và vượt tiến độ trên địa bàn huyện.
Thông tin về công tác giải phóng mặt bằng thực hiện Vành đai 4 vượt tiến độ, tại hội nghị trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai dự án đường bộ cao tốc do Bộ Giao thông vận tải chủ trì cùng các bộ, ngành và một số địa phương trong cả nước vừa được tổ chức theo hình thức trực tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô đang được Hà Nội triển khai quyết liệt.
Với dự án này, Hà Nội áp dụng 4 nhóm giải pháp chính cho công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, không chỉ là tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần độc lập mà Hà Nội còn triển khai đồng thời công tác này một số công việc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Hà Nội cũng đã giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng trực tiếp cho các quận, huyện có tuyến Vành đai 4 đi qua triển khai, vốn bố trí được phân bổ cụ thể cho từng địa phương. Nhờ những giải pháp quyết liệt, chủ động như vậy, hiện tại khối lượng giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô trên địa bàn đã đạt 70%, dự kiến đạt 80% trước khi khởi công (vượt chỉ tiêu 10%). Giải phóng mặt bằng đã thực sự trở thành bệ phóng cho dự án tăng tốc ngay từ những bước đầu tiên. |