Kết luận số 80-KL/TƯ ngày 24/5, Bộ Chính trị đã nhấn mạnh nội dung: “Tăng cường kết nối vùng, nhất là kết nối về giao thông, logistics để phát huy thế mạnh hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, hàng không, đường sắt của Thủ đô Hà Nội, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa Hà Nội với các địa phương trong vùng và cả nước”.
Trong khi đó, Nghị quyết số 15- NQ/TW của Bộ Chính trị định hướng: “Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước cùng phát triển”. Qua đây khẳng định vị trí, vai trò cũng như trách nhiệm rất lớn của Hà Nội với cả nước về việc liên kết, phát triển vùng.
Liên quan nội dung trên, theo Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV chiều 28/5, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến ĐBQH và từ thực tiễn triển khai các quy định về phát triển Vùng Thủ đô theo Luật Thủ đô năm 2012, Dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng thiết kế có một chương riêng về liên kết, phát triển vùng trong đó thể hiện rõ hơn vai trò của Thủ đô Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy liên kết, phát triển, là cực tăng trưởng của vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng động lực phía Bắc và của cả nước. Đồng thời xác định các chính sách ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng được triển khai trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác, không chỉ giới hạn trong Vùng Thủ đô.
Theo đó, mục tiêu, nguyên tắc liên kết, phát triển vùng trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), quy định Thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, vùng trung du miền núi phía Bắc có trách nhiệm liên kết, phát triển theo các chương trình, dự án phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, hệ thống quy hoạch quốc gia. Thủ đô Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy liên kết, phát triển vùng và cả nước.
Việc liên kết, phát triển vùng phải bảo đảm nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, Luật Thủ đô và các luật, Nghị quyết của Quốc hội có quy định liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng; đồng thuận, bình đẳng, công khai, minh bạch. Thực hiện phối hợp, liên kết phát triển thông qua kế hoạch, chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Việc chủ trì tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án được giao cho địa phương có nhiệm vụ, quyền hạn liên quan hoặc chịu tác động nhiều nhất đến lĩnh vực, nhiệm vụ cần phối hợp, liên kết.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng nêu rõ các chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng là chương trình, dự án được triển khai trên địa bàn 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, trong đó có Thành phố Hà Nội, thuộc danh mục dự án trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch ngành quốc gia được cấp có thẩm quyền phê duyệt, có quy mô lớn, có vai trò tạo động lực, sức lan tỏa và kết nối phát triển kinh tế, xã hội cho vùng, thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận trong các lĩnh vực: Hạ tầng giao thông vận tải; Bảo vệ môi trường, xử lý chất thải; Phát triển nông nghiệp; Phát triển du lịch.
Việc đề xuất chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng được thực hiện như sau: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo HĐND cùng cấp xem xét, đồng thuận về việc thực hiện chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng và đề nghị giao 1 UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện chương trình, dự án và chịu trách nhiệm làm đầu mối trong việc triển khai chương trình, dự án. Căn cứ văn bản đồng thuận của HĐND Thành phố Hà Nội và của HĐND các địa phương có liên quan, UBND Thành phố Hà Nội đại diện các địa phương thực hiện việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc giao 1 UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện chương trình, dự án.
Về thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng sử dụng vốn đầu tư công có tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng. HĐND cấp tỉnh của địa phương được giao làm cơ quan chủ quản quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng sử dụng vốn đầu tư công có tổng mức đầu tư dưới 20.000 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư dự án liên kết, phát triển vùng đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; UBND cấp tỉnh quyết định đầu tư dự án liên kết, phát triển vùng do HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư.
Chính quyền Thành phố Hà Nội, chính quyền địa phương các tỉnh tham gia vào chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng có trách nhiệm phối hợp, huy động nguồn lực để thực hiện chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng. Bảo đảm việc bố trí vốn và tổ chức thực hiện chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng theo đúng tiến độ được phê duyệt; quản lý, duy tu, bảo trì đối với phần công trình thuộc chương trình, dự án sau khi đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nằm trên địa bàn của địa phương mình.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng quy định chính quyền Thành phố Hà Nội có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, vùng trung du miền núi phía Bắc đề xuất, triển khai thực hiện chương trình, dự án liên kết phát triển vùng trong từng lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều 47 của Luật Thủ đô (sửa đổi).
Như vậy có thể khẳng định, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về liên kết, phát triển vùng đã thể chế kịp thời những chỉ đạo, mục tiêu của Trung ương, đồng thời thể hiện rõ hơn vai trò của Hà Nội để trở thành vùng động lực của cả nước./.
Theo Nghị quyết số 81/2023 của Quốc hội, Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh; Vùng trung du và miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên và Hòa Bình.
Quyết định số 198/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và Bắc Ninh.
Trung Kiên