“Ngồi một chỗ mà thấy ngoài muôn dặm”
Với tầm quan sát và tư duy phân tích của một ký giả, học giả và nhà du lịch, Phạm Quỳnh vừa mô tả những điều tai nghe mắt thấy vừa đưa ra những lời nhận xét, bình phẩm: “Đến nửa đường thời có đền Trình, ở dưới chân núi, về bên tay phải lối đi vào; đấy là thờ các vị sơn quân canh rừng núi, giữ cửa chùa, ai vào chùa phải tới đấy trình diện trước nên gọi là “đền Trình”. Tức như vào cửa quan lớn phải hỏi cậu lính hầu vậy. Bọn mình cũng ghé thuyền lên đưa danh thiếp cho các cậu “ba mươi” xin vào hầu bà Công Chúa (vì đức Bà Quan Âm theo tục truyền thủa bình sinh tức là con gái vua)”…
Sau khi thăm viếng những đền Trình, Thiên Trù (“bếp trời”, Chùa ngoài), qua khu “chùa Trong”, giếng Giải Oan, Cửa Võng, Trấn Song, lên đến động Hương Tích, nhà hoạt động xã hội trong Phạm Quỳnh lên tiếng phản biện: “Mới thò đầu vào chỉ thấy khói hương xông sặc ngào ngạt, nước mắt nước mũi chan chứa, không nhận ra người vật gì cả, chỉ trông lố nhố một lũ bóng nhấp nhô như trên màn chớp ảnh vậy. Lại thêm tiếng chuông, tiếng trống, tiếng mõ, tiếng pháo, tiếng xóc thẻ, tiếng cầu khấn, rộn rịp om sòm, thật là rức óc đinh tai. Cái cách thờ cúng của người mình cũng kỳ thay. Hình như thần Phật là của chung, đi lỡi được nhiều được phúc nhiều, nên tranh nhau mà cầu lỡi, tranh nhau mà thắp cho nhiều nến, đốt cho nhiều hương, mỗi người làm như vậy, thành ra đám họp chợ, không phải là nơi cầu nguyện. Ôi! Cái lòng tín ngưỡng của người mình phát biểu ra một cách thật là thô bỉ sỗ sàng thay!”…
Đến đoạn kết chuyến du ngoạn, Phạm Quỳnh thêm một lần chiêm nghiệm và nhấn mạnh cảm xúc: “Khi trở ra chùa ngoài thời trời đã về chiều, khí đã mát mẻ. Đi xuống không nhọc bằng trèo lên. Khi lên thời mỗi bước như phải nâng cả mình lên, nên chồn chân và mỏi vế; khi xuống thời cứ thuận dốc mà như ở trên đẩy người xuống, đi mau lắm. Ra gần đến chùa ngoài thời trông thấy dãy núi ở bên tay trái có mấy lớp nhà cao làm kiểu Tây, cheo leo ở sườn núi, đứng xa tưởng cái nhà mát của người Tây nào. Hỏi ra mới biết rằng đấy là “chùa Tiên”, trên cũng có cái động nhỏ, cái nhà Tây có lầu đó tức là nhà “khách sạn” tiếp phụ vào chùa. Động với nhà cũng tầm thường cả, không có gì là đẹp, nhưng đứng trên ấy rộng trông được cả khắp miền núi non đó, thứ nhất là gồm được cả cái qui mô của “chùa ngoài”, kể cũng đã to lớn thật. Lại đứng đấy mà ngắm con đường vào “chùa trong”, thật như một dải lụa vòng quanh núi, mà người đi là một lũ kiến bò”…
Nhìn chung, có thể coi du ký Trảy chùa Hương của Phạm Quỳnh đã hòa quyện phẩm chất, tư thế học giả, nhà khảo cứu, bản lĩnh trí thức, nhà văn và nghệ sĩ, giúp người đọc bốn phương “ngồi một chỗ mà thấy ngoài muôn dặm”, hiểu rõ hơn về một thời Hương Tích – xứ Đoài – Hà Nội…
“Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt”
Thăm thẳm một hang
xếp đặt”…
Trảy hội chùa Hương
Một cách tương đồng với Lê Đình Thắng, nhà Hán học Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục kể rõ sau tiết Thanh minh, tháng mộ xuân, đầu năm Nhâm Tuất, Khải Định thứ bảy (1922) đã đến thăm núi Tử Trầm, sau đó viết thiên du ký Du Tử Trầm sơn ký (Nam phong tạp chí, số 59, tháng 5/1922, tr.392-401). Bên cạnh nhận định: “Xét ra hang Tử Trầm này thực là một nơi thắng tích ở thượng đô, cùng với hang Sài Sơn, hang Hương Tích cùng làm cái phong cảnh hay hớm lạ lùng chỗ dải con sông Hát vậy”, Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục có thêm bài thơ Nghĩ đề Tử Trầm sơn Long Tiên đỗng, trong đó đặt cảnh quan chùa Hương – Yên Sơn – Chúc Sơn – Sở – chùa Thầy – sông Hát vào tổng thể non nước xứ Đoài:
Huyền bí chuyện cầu tự
Đặc biệt hơn, từ Nam Bộ, ký giả Kim Oanh Nguyễn Háo Đàng (em ruột danh sĩ, nhà báo Nguyễn Háo Vĩnh, 1893 – 1941) đã ra thăm và viết du ký Chùa Hương Tích in trên Công luận báo (Sài Gòn, số 606/21, ra ngày 20/7/1923, tr.3) với tựa đề “Lời kính dâng – Tôi xin dâng mấy hàng dưới cho mẹ tôi đặng nhắc cho mẹ tôi nhớ cái cảnh mẹ tôi đã viếng năm xưa”… Trong du ký này, Kim Oanh Nguyễn Háo Đàng tích hợp thêm hai bài hát nói của Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh và tích truyện Phật Bà Quan Âm đầu thai làm con gái vua Trang Vương tu hành đắc đạo ở chùa Hương Tích. Sau đoạn dẫn giải, ký giả mô tả: “Trong động thì thờ hai mươi vị Phật toàn bằng đá. Gần đó có một hòn đá tròn và cao nghệu, người ta gọi là “Bịch thóc tiên” (vựa lúa của tiên). Lại có nhiều hòn đá nhỏ nhỏ giống như hình heo nằm lển nghển, người ta gọi là “Chuồng lợn (heo) tiên”. Trong động lại có một cái hang tối tắm lắm, người ta nói là chỗ tiên để tầm nên gọi là “nhà tầm tiên”. Động này là chánh để thờ Phật Quan Âm”…
“Hay hay đáo để…”
Qua hơn mười năm, ký giả Hà Đông có bài “Chẩy hội Chùa Hương” (Công luận báo, Sài Gòn, số 6515, ra ngày 16/4/1934, tr.2) xác định mùa lễ hội và chỉ vẽ lối đi: “Hai hôm chúa nhựt và thứ hai vừa rồi, nhơn ngày lễ Pâques các sở đều được nghỉ việc, lại nhằm vào ngày vía đức Phật Quan Âm nên thiện nam tín nữ các nơi chảy hội cực kỳ đông. Từ đầu hội đến giờ chỉ hai hôm lễ Pâques là số người chẩy hội đông đến thế. Nhứt là người Hà thành, người thì đi ô tô hãng, người đi xe nhà, xe thuê, người đi đường thủy lối Phủ Lý, tấp nập không thấy lúc nào trên bến đò suối ngớt khách. Các bác chở đò, các bác nhà trọ được một bữa đại phát tài”, có ý chê trách bọn lý dịch sở tại “ngồi kiểm soát thập phương cúng tiền”, “thu tiền cúng”, “còn làm nhiều điều tệ lắm” và mỉa mai hành vi đề chữ thô thiển: “Lại còn một điều nữa là nhiều ngài quá mến cảnh chùa, cao hứng đề tên họ đè cả lên bức hoành “Nam thiên đệ nhất động”. Chắc hẳn các ngài muốn quý tánh cao danh sẽ cùng động Hương Tích muôn năm cùng thọ, nhưng thiếu gì chỗ viết, sao lại viết đè lên một tấm hoành cổ tích như vậy? Thật là một điều tối bậy vậy”…
Tiếp tục in liền ba kỳ trên Công luận báo ở Sài Gòn (tháng 3/1936), ký giả Hà Đông Hiệp Sĩ có lời đề từ “Những điều mắt thấy tai nghe ở động Hương Tích” và lôi cuốn người đọc bằng diễn ngôn hòa đồng, đồng nhất tác giả – độc giả (ta, chúng ta, bọn chúng ta) và dẫn giải: “Chùa Hương chỉ gồm một đoàn những chùa, những động ở dãy núi Hương Sơn thuộc hạt Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông, Bắc Kỳ. Tục truyền rằng đó là nơi Phật Quan Âm tu luyện thành Phật, nên người ta tin rằng đó là nơi mà người ta kêu cầu làm sao đều được Phật phù hộ cho trúng như vậy… Sự tin tưởng ấy chắc chắn, mạnh mẽ lắm, đã xô đẩy hàng ngàn, hàng vạn người dân, bất cứ đàn ông, đàn bà, giàu nghèo, sang hèn, tấp nập, lũ lượt kéo nhau tới nơi “linh tích” ấy, mỗi năm trong mấy tháng xuân, để cầu xin Phật nào Phúc, nào Lộc, nào Thọ… Vậy, thế các Ngài cũng bằng lòng đi chùa Hương chứ? Nào, chúng ta cùng thuê chung nhau một chiếc xe hơi ở một hãng thuê xe hơi Hà Nội, nếu chúng ta không ai có một chiếc xe hơi nhà”…
Từ đây tác giả đặc tả cảnh đi đò Suối Yến, Yến Vĩ với tất cả tâm trạng hiếu kỳ, vui thích, lo toan đời thường: “Kìa hàng năm bảy chục chiếc đò đỗ liền nhau như lá tre đang chực hàng ba, bốn… mươi bọn như bọn chúng ta xuống đò đi thăm chùa lễ Phật. Ngài đừng lắc đầu chê đò nhỏ. Mỗi chiếc đò dài và nhỏ như vậy mà người ta bắt nó mang nổi tới 4, 5 chục người. Ngài cũng đừng ngại đò chật quá! Đò đông thì đi ngay. Chiếc nào vắng thì họ đợi bao giờ đông khách mới nhổ sào đi đấy! Ngài đừng do dự nữa. Vì không đi đò, thì chúng ta không còn có cách nào đi tới chùa Hương. Thì chúng ta xuống đò. Ngồi đò, chúng ta có cái cảm tưởng đi xe hơi đó. Nghĩa là người ta có thể “ấn” được bao nhiêu người trong một chiếc đò thì người ta “ấn”, chẳng lo gì nặng, chẳng lo gì đắm đò”… Tác giả cũng khắc họa sắc nét cảnh quan và thực trạng chuyến đò chẩy hội giữa bến sông: “Chúng ta nếu thấy đò ta ngồi đi chậm hơn các đò khác nó vượt trước hoài, ta cũng đừng khó tính giục các cô hay bác lái. Đò ta to hơn một chút và đông người gấp đôi, đi nhanh hơn làm sao được. Cầu cho chúng ta khỏi bị ướt là may lắm rồi. Vả chăng ta có giục họ cũng uổng mà thôi. Những người chở đò ở đây có quyền lắm, nghĩa là họ có đủ lễ phép mời khách đi đò, khi đang lênh đênh ở giữa dòng suối “xuống” đi đò khác nếu hành khách có tỏ ý phàn nàn rằng đò đi như bò vậy. Trái lại, họ lại trách ta không niệm Phật nên đò đi chậm. Thôi ta để mặc cho đò đi. Ngước mắt lên nhìn quanh tứ phía, thì ta thấy núi non trùng trùng điệp điệp xa xa vây kín hết ba bề. Cảm tưởng của ta là cảm tưởng của người xưa lạc lối suối đào, hay hay đáo để. Chỉ khác là suối đây như một cái rạch con ở giữa làn ruộng chiêm đầy nước, chớ hai bên bờ không có núi, rừng chi”…
Bên cạnh những nhận xét, góp ý, phê phán kẻ khoe chữ, buôn thần bán thánh nơi đền miếu, danh thắng, Hà Đông Hiệp Sĩ tỏ ra tự hào, hoan hỷ trước vẻ đẹp thiên tạo và nhân tạo, giá trị nhân bản và chiều sâu văn hóa: “Đi sang bên kia, ta vào một nơi thờ rất tráng lệ, nguy nga. Tượng Phật không có mấy, ở giữa có ba pho tượng thánh mẫu. Đây là điện Mẫu, thờ bà chúa Liễu và nhiều vị khác. Tiếng đàn ngọt, hát hay làm cho chúng ta phải dừng chân lại một lúc lâu, sau khi đã xem ngắm hết một lượt những hoành phi, câu đối, những đồ thờ… Người ta hát văn. Người hát là một người đàn bà trông như một ả ca nhi. Người đàn ông đánh đàn có ngón đàn một tay tài tử… Dầu sao khi xem xét qua cảnh chùa này, chúng ta cũng cho là cảnh chùa đồ sộ, vĩ đại có một ở Bắc Kỳ. Vì chùa Thiên Trù hoặc gọi là chùa Trò là một nếp chùa nhân tạo ở sườn một ngọn núi, nơi mà đường vận tải khó khăn vô cùng. Đứng trước cảnh chùa lớn lao, kiến trúc công phu này, ta nghĩ thầm rằng câu “Xây lâu đài bên Y Pha Nho” gần như vô nghĩa vậy”…
Bên cạnh sự hòa đồng, tán thưởng phong cảnh thiên nhiên và quang cảnh lễ hội, tác giả vẫn chú ý quan sát và trực diện phê phán, bộc lộ thái độ trước những điều bất như ý, trái tai gai mắt: “Trên đường vào động Phật Tích, người đi tấp nập như mắc cửi cả ngày. Thôi thì đủ hạng: già, trẻ, đàn ông, đàn bà, con trai, con gái, trẻ con, ai nấy đều chăm chỉ leo dốc và niệm Phật. Lòng mộ đạo hiện ra nét mặt và lời nói của họ một cách rõ ràng. Nhưng ta lấy làm buồn khi thấy họ quên bẵng những kẻ ăn xin bệ rạc. Và ta lấy làm đau lòng hơn nữa khi gặp mấy bà béo tốt giàu sang ngồi chễm chệ trên cái ghế “fauteuil” do bốn người khiêng như khiêng kiệu”…